Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc âm 2,7% do đại dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh VGP
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh VGP
TPO - Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Vĩnh Phúc âm 2,7% do phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.

Ngày 24/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho biết, khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đến ngày 21/8/2020 đạt 3.765,873 tỷ đồng, bằng 56,85% kế hoạch vốn đầu tư công do Chính phủ giao; ước khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đến hết quý III năm 2020 của tỉnh đạt 4.890 tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch.

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện giải ngân 100% kế hoạch được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao khi Vĩnh Phúc là một trong 5 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai được phần mềm ứng dụng bộ phận một cửa đồng bộ ở cả ba cấp, bảo đảm liên thông theo “chiều ngang”, “chiều dọc” khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính…

Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, theo báo cáo của tỉnh, giải ngân 7 tháng đầu năm cao hơn mức bình quân của cả nước. Hiện nay, có 28 dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao với tổng kế hoạch vốn không giải ngân được là 300,727 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần phải thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Điển hình như 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) âm 2,7% (do phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, dịch bệnh COVID-19 một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất); thu ngân sách đạt thấp, bằng 84% so với cùng kỳ; thu hút vốn FDI chỉ bằng 32,1% so cùng kỳ năm 2019.

Ông Trương Hòa Bình cũng đánh giá, việc giải ngân kế hoạch đầu tư công còn chậm, các chủ đầu tư chưa triển khai lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết; chưa tích cực trong giải phóng mặt bằng. Còn một số vi phạm trong quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tình trạng lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích còn xảy ra; công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản của chính quyền cơ sở chưa hiệu quả.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Vĩnh Phúc cần quyết tâm, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, tăng cường hơn nữa các giải pháp cho phát triển kinh tế -xã hội. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm, các dự án có vốn bố trí lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công.

Đối với những kiến nghị của tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhất là việc sớm rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, hướng dẫn cho địa phương trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay để quá trình giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả hơn.

MỚI - NÓNG