Phản ứng của các bên
Ngày 12/9, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã ký với Nga thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, có khả năng tấn công mọi mục tiêu trong bán kính 400km ở độ cao lên tới 35km. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan cho biết các văn kiện về việc mua bán đã được ký kết và một khoản tiền đặt cọc đã được trả cho Nga.
Lầu Năm góc đã lên tiếng cảnh báo, nói rằng "nhìn chung đó là một ý tưởng tốt" để các đồng minh của NATO mua thiết bị mang tính trao đổi thông tin như vậy.
Trong khi đó, Tổng thống Tayyip Erdogan thì biện minh rằng Hy Lạp, một thành viên của NATO và đôi khi là đối địch trong khu vực, hiện sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 do Nga sản xuất được lắp đặt trên đảo Crete miền Nam nước này.
Giám đốc cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga Dmitry Shugaev tiết lộ với nhật báo Kommersan rằng Mỹ "có thể sẽ tức giận nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia độc lập và có thể tự đưa ra quyết định của mình".
Trong khi đó, Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga tại Ankara, ông Timur Akhmetov, nhận định rằng các cuộc thương lượng về thương vụ S-400 đã giúp Nga đánh bóng hình ảnh cho hệ thống vũ khí của mình đồng thời làm suy giảm niềm tin giữa các thành viên NATO, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn tỏ rõ với các đồng minh phương Tây của mình rằng Ankara có sự lựa chọn chiến lược trong các mối quan hệ của mình với các nước khác.
Tên lửa S-400 "Triumph" là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn hệ thống tên lửa S-300. Hệ thống mới này có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không trung trong tầm kiểm soát đến hơn 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa (của mục tiêu) lên đến 4.800 mét/giây. S-400 hiện đang được sử dụng để bảo vệ căn cứ quân sự Hmeimim của Nga ở Syria.
Bày tỏ sự bất bình với NATO
Theo các chuyên gia phân tích, thỏa thuận mua hệ thống S-400 của Nga có tầm quan trọng nhất mà Ankara thực hiện với một quốc gia không là thành viên NATO. Việc mua hệ thống S-400 có một ý nghĩa quan trọng như một công cụ chính trị để bày tỏ bất bình với NATO đứng đầu là Mỹ.
Mặc dù vẫn là thành viên chính của NATO, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ trở nên căng thẳng do Washington hậu thuẫn Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria mà Ankara coi là một nhóm khủng bố.
Do đó, Ankara đã muốn lợi dụng vấn đề S-400 là nhằm phản ứng lại trước việc Mỹ tiếp tục hợp tác quân sự với lực lượng người Kurd ở Syria.
Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn sở hữu S-400 của Nga còn được thúc đẩy bởi nhu cầu cấp bách tăng cường năng lực phòng không sau khi các phi công dày dạn kinh nghiệm của nước này thiệt mạng do các cuộc thanh trừng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.
Hướng tới liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ
Mặc dù, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là các bên có quan điểm đối lập về cuộc xung đột tại Syria khi Moscow hậu thuẫn chính quyền Damascus còn Ankara "chống lưng" cho lực lượng phiến quân.
Tuy nhiên, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều biết cách chi phối mối quan hệ của mình để không bị sự đối đầu kéo dài lâu nay trong khu vực ảnh hưởng đến những lĩnh vực hợp tác vốn hạn hẹp song đều mang lại lợi ích cho đôi bên.
Việc bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống S-400 là một bước đi quan trọng hướng tới việc xây dựng liên minh với Ankara. Động thái này mang tính biểu tượng rõ nét về sự dịch chuyển mối quan hệ song phương sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay của Nga khi đang bay trên khu vực biên giới Syria.
Trong những năm gần đây, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua một số thời điểm cam go, trong đó có cuộc khủng hoảng song phương sau khi một máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay ném bom của Nga ở Syria hồi tháng 11/2015. Tuy nhiên, kể từ đó cả hai nước đã tăng cường quan hệ song phương một cách đáng kể, thúc đẩy hợp tác, bao gồm lĩnh vực năng lượng, cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết tình hình tại Syria.
Ngoài ra, việc liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ còn giúp Hải quân Nga tiếp cận một cách ổn định đối với những eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ là Bosphorus và Dardanelles, nối Biển Đen với Địa Trung Hải. Đồng thời giúp Nga đảm bảo an ninh và ổn định bán đảo Cream. Qua đó giúp Nga tăng cường ảnh hưởng lên một vùng lãnh thổ trải dài từ biển Caspi tới Mông Cổ.
Chỉ trong khuân khổ một thỏa thuận về hệ thống S-400 chưa thể đánh giá hết được mức độ của sự chuyển dịch quan hệ song phương. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn có nhiều điểm "không tin tưởng lẫn nhau". Và điều duy nhất khiến cả Ankara và Moscow xích lại gần nhau trong thỏa thuận S-400 là họ đều muốn gây sức ép mối quan hệ của mình với phương Tây.