Tỏa sáng tài năng trẻ quân y

Y bác sỹ Học viện Quân y khám chữa bệnh cho bà con vùng cao ở Hà Giang.
Y bác sỹ Học viện Quân y khám chữa bệnh cho bà con vùng cao ở Hà Giang.
TP - Những công trình, sáng kiến của các cán bộ khoa học trẻ ở Học viện Quân y trong nhiều năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và người dân.

Nghiên cứu khoa học để cứu người

Mới ngoài 30 tuổi nhưng đại úy, thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Nga (giảng viên bộ môn sinh học và di truyền) đã có 4 công trình y học được ứng dụng vào thực tế. Gần đây nhất, chị và các cộng sự vừa hoàn thiện đề tài “Nghiên cứu chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi bệnh teo cơ tủy”. Đây là đề tài nhánh nằm trong cụm đề tài cấp Nhà nước được thông qua với kết quả xuất sắc và mang lại cơ hội cho những gia đình có con bị bệnh có khả năng sinh con không bị bệnh di truyền, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đại úy Nga cho biết, bệnh teo cơ tủy là một bệnh di truyền nguy hiểm, cứ 10 nghìn trẻ đẻ sớm, có một trẻ mắc bệnh. Trăn trở với điều này, chị và các cộng sự đã dành 3 năm để nghiên cứu đề tài. Năm 2015, đề tài thành công và đưa vào ứng dụng rất hiệu quả. Đây là công trình đầu tiên của Việt Nam tiến hành nghiên cứu, chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi cho bệnh lý di truyền do đột biến gen.

Công trình “Trình tự một số gen tiêu biểu của Bacillus anthracis và phát triển kỹ thuật multiplex PCR mới chẩn đoán Bacillus anthracis gây bệnh ở Việt Nam” vừa đoạt giải nhất tại Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ Học viện năm 2015 của thượng úy, thạc sỹ Đinh Thị Thu Hằng được đánh giá rất cao trong mắt các đồng nghiệp ngành y. Từ năm 2008 đến nay, thượng úy Hằng cùng với cộng sự đã nghiên cứu và công bố 8 công trình chủ yếu, trong đó có những công trình đã được áp dụng trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Ở tuổi 38, thiếu tá, PGS.TS Vũ Bình Dương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng sản xuất thuốc) đã có 3 đề tài cấp Nhà nước, trong đó 2 đề tài đã nghiệm thu cùng nhiều đề tài cấp bộ và cấp cơ sở. Năm 2015, cụm công trình “Nghiên cứu lên men tự thân tỏi đen Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng” do anh làm chủ nhiệm đề tài đã đoạt giải khuyến khích, giải thưởng “Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam”. 

Năm 2008, khi sang Hàn Quốc học tập nghiên cứu, thiếu tá Dương nhận thấy ở đây có nhiều tỏi đen thành phẩm bán ngoài thị trường, có tác dụng hơn hẳn tỏi trắng. Phải đến cuối năm 2012, qua hàng trăm lần thử, tỏi đen của nhóm nghiên cứu mới đạt độ ổn định về hoạt chất. Đến cuối năm 2013, tỏi thành phẩm sản xuất ở quy mô lớn mới đạt ổn định. Từ kết quả của đề tài, thiếu tá Dương và cộng sự đã nghiên cứu bào chế nhiều chế phẩm từ tỏi đen như viên nang tỏi đen Blakgarlic, viên nang mềm tỏi đen sâm Ngọc Linh, viên nang mềm tam thất-tỏi đen, tỏi đen nguyên củ. Các sản phẩm này hiện đã được sản xuất quy mô công nghiệp và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên thị trường với số lượng lớn.

Tạo bệ phóng cho tài năng trẻ

Theo các nhà khoa học đánh giá, phong trào “Sinh viên nghiên cứu khoa học” và “Sáng tạo trẻ” trong thanh niên ở Học viện Quân y luôn được đẩy mạnh, thực sự đi vào chiều sâu và đạt được hiệu quả nhất định. Năm 2015, có 77 đề tài, sáng kiến kỹ thuật của cán bộ trẻ và sinh viên được hoàn thành. Các công trình khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ trẻ, đảng viên trẻ và học viên, sinh viên của Học viện luôn được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao. Tuổi trẻ Học viện đã giành được nhiều giải thưởng và thành tích cao trong các hội nghị khoa học cấp bộ, ngành và toàn quốc.

Thiếu tướng, PGS.TS Đồng Khắc Hưng, Phó Giám đốc Học viện Quân y cho biết, để giúp cán bộ trẻ và đội ngũ cán bộ làm khoa học có thể tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật, công nghệ mới, trang thiết bị hiện đại, đạt trình độ công nghệ cao, xứng tầm quốc gia và trong khu vực, bí quyết thành công của Học viện là kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo, điều trị.

Học viện Quân y là một trong những đơn vị ứng dụng thành công tiến bộ khoa học và công nghệ vào nghiên cứu y học. Từ 1986 đến nay, Học viện hoàn thành 3.400 đề tài và gần 2.000 sáng kiến kỹ thuật. Trong đó có nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước và cấp bộ, ngành.

MỚI - NÓNG