Tỏa sáng tài năng trẻ áo lính

Thiếu tá Nguyễn Trung Phong thao tác trên Mô hình luyện tập kiểm tra chức năng bệ phóng CM-90. Ảnh: Nguyễn Minh.
Thiếu tá Nguyễn Trung Phong thao tác trên Mô hình luyện tập kiểm tra chức năng bệ phóng CM-90. Ảnh: Nguyễn Minh.
TP - Bằng những sản phẩm, đề tài, sáng kiến hữu dụng đối với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, những người lính ở Quân chủng Phòng không- Không quân (PK-KQ) đã thực sự tỏa sáng với tài năng của mình.

Tại lễ trao Giải thưởng Sáng tạo trẻ năm 2016 và Hội thi sản phẩm, đề tài sáng tạo lần thứ XI năm 2017 trong Quân chủng PK-KQ, 80 sản phẩm, đề tài, sáng kiến tiêu biểu của các tác giả, nhóm tác giả cùng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia giải thưởng và hội thi đã được vinh danh trang trọng.

Đại tá Trần Ngọc Quyến, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ cho biết, Hội thi sản phẩm, đề tài sáng tạo lần thứ XI có 14/23 đơn vị đầu mối trực thuộc Quân chủng tham gia với tổng số 67 sản phẩm, đề tài, sáng kiến được lựa chọn từ hơn 200 sản phẩm, đề tài, sáng kiến từ các hội thi cấp cơ sở. Giải thưởng Sáng tạo trẻ năm 2016 có 50 đề tài, sáng kiến tham gia. Trong số này, có 85 đề tài thuộc chuyên ngành kỹ thuật hàng không, tên lửa, radar; 20 đề tài khoa học xã hội và nhân văn; 12 đề tài lĩnh vực thông tin, tin học và lĩnh vực khác.

“Nhiều sản phẩm, đề tài, sáng kiến có hàm lượng khoa học, có tính mới và khả năng áp dụng thực tiễn cao, góp phần phục vụ hiệu quả việc kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí trang bị, đảm bảo cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại các đơn vị và công tác giảng dạy trong các nhà trường”, đại tá Quyến nói.

Không ngừng sáng tạo

Một trong những sáng kiến ấn tượng nhất tại lễ trao giải thưởng lần này là “Mô hình luyện tập kiểm tra chức năng bệ phóng CM-90” của nhóm tác giả, gồm: thiếu tá Nguyễn Trung Phong, thượng úy Tạ Quốc Việt và trung úy Nguyễn Khắc Huỳnh đến từ Trung đoàn Tên lửa 236, Sư đoàn Phòng không 361.

Đề tài hữu dụng này không chỉ xứng đáng giành giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo trẻ của Quân chủng PK-KQ mà còn được Bộ Quốc phòng trao giải cao nhất tại lễ tổng kết, trao giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ XVII diễn ra trước đó ít ngày.

Trao đổi với PV Tiền Phong, thiếu tá Nguyễn Trung Phong (Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn 236 - Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài) cho biết, trong công tác chuẩn bị chiến đấu với tác chiến phòng không của kíp chiến đấu tổ hợp tên lửa C75-M3, đại đội hỏa lực là đơn vị trực tiếp đưa đạn tên lửa đến tiêu diệt mục tiêu trên không. Do đó, việc kiểm tra chức năng đánh giá tình trạng kỹ thuật khả năng sẵn sàng chiến đấu của bệ phóng là vô cùng quan trọng, đòi hỏi đại đội trưởng và trắc thủ CYC (trắc thủ trực tiếp thao tác) phải đánh giá đúng tình trạng bệ phóng, từ đó tham mưu cho chỉ huy chọn bệ phóng và hạ quyết tâm chiến đấu.

Tuy nhiên, trong quá trình huấn luyện cho 1 người cần phải có ít nhất 9 người phục vụ mở máy hiệp đồng thao tác, gây tiêu tốn rất nhiều điện năng hoặc dầu máy nổ và còn có khả năng gây mất an toàn, hỏng hóc cho người và khí tài nếu thao tác sai hoặc mở máy trong thời gian quá lâu…

Từ những hạn chế này, thiếu tá Phong và hai cộng sự trẻ đã miệt mài nghiên cứu, khảo sát và phân tích các thành phần thực tế trên khí tài, kết hợp với “Mô hình luyện tập kiểm tra chức năng đài điều khiển C75-M3” (đây là đề tài đã giành giải Nhì giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ XVI).  Sau 3 tháng lao tâm khổ tứ, “Mô hình luyện tập kiểm tra chức năng bệ phóng CM-90” chính thức “ra lò” với nhiều tác dụng rất thiết thực trong thực tế huấn luyện chiến đấu.

“Thừa thắng xông lên”, thiếu tá Phong và đồng đội đang tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng các công trình, sáng kiến trên cơ sở nền tảng các ứng dụng phần mềm mô phỏng và thiết kế mạch để xây dựng các mô hình, hệ thống huấn luyện khí tài mới là Tổ hợp tên lửa phòng không Spyder của đơn vị.

“Mô hình luyện tập kiểm tra chức năng bệ phóng CM-90” giúp huấn luyện cho trắc thủ thứ tự các thao tác tương đương khí tài thật với tỷ lệ 1:1 mà không gây mất an toàn cho người và khí tài; đảm bảo tính trực quan và đầy đủ 6 bước trong kiểm tra chức năng của khí tài thật kết hợp với lý thuyết, rèn chỉ tiêu, khẩu lệnh động tác. Mô hình đã khắc phục hoàn toàn hạn chế khi mở điện toàn bộ đài điều khiển và bệ phóng, giảm số người phục vụ từ 9 xuống còn 1-2 người. 

MỚI - NÓNG