Trong thông báo đưa ra hôm 3/6, Tòa Trọng tài (được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982) thông báo Trung Quốc có thời gian từ nay đến ngày 15/12 để nộp hồ sơ phản biện những cáo buộc từ phía Philippines.
Tòa án nói rằng, họ đang thực hiện nghĩa vụ của mình để bảo đảm “mỗi bên được trao cơ hội đầy đủ để được lắng nghe và trình bày vụ việc”. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên bố không tham gia thủ tục tố tụng trọng tài mà muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường song phương.
“Trung Quốc không thay đổi quan điểm là không chấp nhận và không tham gia vào vụ kiện do Philippines nêu ra”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo hôm qua. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng, Philippines phải sử dụng đến cách cuối cùng là đưa vụ việc ra tòa án quốc tế sau khi những nỗ lực đàm phán với Trung Quốc thất bại.
Trong hồ sơ kiện của mình, Manila yêu cầu Tòa Trọng tài tuyên bố yêu sách đường “lưỡi bò” của Trung Quốc là không có giá trị pháp lý quốc tế. Đồng thời, yêu cầu xác định các vùng biển xung quanh các đảo và bãi nửa nổi nửa chìm, từ đó, yêu cầu Tòa Trọng tài tuyên Philippines có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các vùng biển được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
“Chúng tôi tiếp tục thúc giục Trung Quốc cân nhắc lại quyết định không tham gia quá trình tố tụng. Chúng tôi cũng muốn nhắc lại rằng, tòa án trọng tài là một cơ chế giải quyết hòa bình, cởi mở và thân thiện, có thể đưa ra một giải pháp lâu dài cho những tranh chấp trên biển Đông”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói.
Hồi tháng 3, Philippines nộp bộ hồ sơ 4.000 trang lên tòa án quốc tế. “Bằng cách đưa ra tòa án trọng tài quốc tế, Philippines đã gửi đi một tín hiệu rằng, chúng tôi tuân thủ luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Rosario nói. Mỹ nói rằng, họ ủng hộ Philippines đưa tranh chấp ra tòa án trọng tài, trong khi những nước có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông cũng đang theo dõi sát sao tình hình.
Tòa Trọng tài cho biết họ đã nhận được thông báo bằng công hàm từ Trung Quốc hôm 21/5 rằng, Trung Quốc “không chấp nhận vụ kiện do Philippines khởi xướng”. Tòa án cho biết công hàm của Trung Quốc “sẽ không được coi là sự chấp nhận hay từ chối tham gia của Trung Quốc”.
Mỹ: Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng, làm hại thương mại
Mặc dù liên tục có hành động hung hăng trong vùng biển của Việt Nam và Philippines, Trung Quốc lại vừa nói rằng, họ không vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông. “Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông và vẫn trung thành với nền hòa bình và ổn định khu vực”, Phát ngôn viên Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo hôm 3/6.
Báo Philippines Philstar hôm qua đăng tải một số bức ảnh thiết kế xây dựng mà Trung Quốc đang xúc tiến trên bãi đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988).
Những bức ảnh do công ty con của Tập đoàn Đóng tàu nhà nước Trung Quốc công bố gần đây cho thấy thiết kế cải tạo khu vực Gạc Ma sẽ có một hòn đảo nhân tạo với sân bay quân sự, một đường băng dài và một bến cảng. Trung Quốc sẽ cải tạo khu vực rộng khoảng 30 - 74 mẫu thuộc Gạc Ma với mục đích giúp quân đội Trung Quốc tăng cường hiện diện trên vùng biển quanh đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói rằng, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cải tạo nhiều vị trí trong vùng biển tranh chấp là nhân tố gây bất ổn và đe dọa quyền tự do hàng hải và hàng không ở tuyến đường chiến lược.
Trước tình hình nhiều tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va gây hỏng hóc và bị chìm, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói rằng, nước này “quan ngại” nhưng “không lo lắng”, và “đang chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ như vậy”.
Một quan chức cấp cao của Mỹ hôm qua nói rằng, Washington muốn phát triển quan hệ kinh tế với châu Á, khu vực phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay, nhưng những hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng xấu đến thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker mới đây đến Việt Nam, Philippines và Myanmar, tập trung thảo luận khía cạnh kinh tế trong chính sách tái cân bằng sang châu Á của Tổng thống Barack Obama. Các công ty Mỹ rất lạc quan về khu vực này, nhưng quan ngại về các hành động “khiêu khích, làm tăng căng thẳng” của Trung Quốc, như đưa giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống vào vùng biển của Việt Nam, chặn tàu, chiếm đảo của Philippines… “Chúng tôi rất quan ngại về điều đó. Những hành động như vậy gây ra bất ổn, không tốt cho môi trường kinh doanh”, hãng tin AP dẫn lời bà Pritzker.
GS Carlyle Thayer:
Chuyên gia pháp lý Việt Nam có thể hỗ trợ Philippines
Trao đổi với Tiền Phong, GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nói rằng: “Nếu Philippines thắng kiện, tòa có thể tuyên đường “lưỡi bò” là phi pháp và điều này có lợi cho Việt Nam”.
GS Thayer nói rằng, các cá nhân Việt Nam là chuyên gia pháp lý có thể đề nghị hỗ trợ Philippines với tư cách nhân chứng chuyên gia. Theo quy định về tố tụng, điều này là được phép.
“Truyền thông Việt Nam nên biết rằng, chính phủ Việt Nam có quyền tham gia các vụ kiện mà Tòa Trọng tài xét xử, nếu cảm thấy lợi ích quốc gia của Việt Nam đang bị đe dọa”, ông nói.
Truyền thông Việt Nam nên chỉ ra rằng hành động của Philippines (kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế) là có trách nhiệm, hoàn toàn phù hợp Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Đồng thời, chỉ ra rằng, Trung Quốc phải minh bạch hơn và đưa ra thông tin cụ thể để chứng minh cái gọi là “quyền lịch sử” và “chủ quyền không thể chối cãi” của nước này trên biển Đông.
Việt Nam nên kêu gọi giới học giả của mình xem xét các tuyên bố đó của Trung Quốc, để thấy rằng chúng trái với bằng chứng lịch sử, tài liệu đang được lưu giữ ở Việt Nam, GS Thayer khuyên.
Minh Long