Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.
TPO - Chiều 15/7, Báo Tiền Phong đã tổ chức buổi tọa đàm "Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện” nhằm giải đáp những thắc mắc của bạn đọc báo Tiền Phong về việc hóa đơn tiền tiện tăng bất thường, cũng như quy trình ghi chỉ số của ngành điện.

Theo số liệu của EVN, hiện cả nước có gần 27 triệu hộ dùng điện, nhưng mới có 54% dùng công tơ điện tử - loại cho phép ghi số điện tự động. Riêng tại TP Hà Nội, tỷ lệ công tơ điện tử là 72%, toàn bộ các quận nội thành đã chuyển đổi từ công tơ cơ khí sang công tơ điện tử. Với công tơ điện tử, việc ghi chỉ số điện được thực hiện tự động bằng thiết bị đo xa và đo gần. Việc triển khai quy trình ghi chỉ số điện ra sao, chất lượng các công tơ điện thế nào cũng là vấn đề được bản thân ngành điện đặc biệt quan tâm trong thời gian qua nhằm hạn chế tối đa những sai sót trong việc ghi chỉ số điện cho khách hàng.

Để rộng đường dư luận và giải đáp những câu hỏi thắc mắc được đặt ra liên quan quan đến việc ghi chỉ số điện cũng như chất lượng, quy trình kiểm định công tơ điện hiện nay ra sao, Báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề trên. Những thắc mắc khiếu nại, nghi ngờ của người dân về chất lượng công tơ điện sẽ được giải quyết thế nào nếu có ý kiến của người dân.

Tọa đàm ghi công tơ điện

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

15/07/2020 14:13

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 1  

Buổi tọa đàm do Báo Tiền Phong tổ chức sẽ giải đáp những thắc mắc khiếu nại, nghi ngờ của người dân về chất lượng công tơ điện

Tham dự buổi tọa đàm có các khách mời:

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam

Ông Nguyễn Hùng Điệp - Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam ,

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam – EVNSPC

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM

Ông Nguyễn Lê Tân, Phó phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP.HCM

Đại diện Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM

Đại diện Trung tâm ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KH&CN tỉnh Long An

Ông Trần Trọng Trung - Đại diện Công ty Gelex (sản xuất công tơ điện)

Giám đốc Công ty Hữu Hồng (sản xuất công tơ điện)

15/07/2020 14:18

Mở đầu buổi tọa đàm, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, ngành điện cung cấp năng lượng, an ninh năng lượng là hàng đầu, Điện đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo sản xuất, đời sống dân sinh. Những vấn đề liên quan đến điện đều rất được quan tâm.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 2  Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong 

Theo Nhà báo Lê Xuân Sơn, về cơ bản đã đảm bảo không bị thiếu điện. Đây là thành tựu đáng ghi nhận của ngành điện. Ngành điện thời gian gần đây đã hiện đại hóa rất nhiều; cải thiện thái độ phục vụ, khiến cho việc thanh toán chi trả đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên vẫn còn 1 số vấn đề như nguy cơ thiếu điện; việc bán điện đến người tiêu dùng vẫn là câu hỏi; việc ghi công tơ điện cũng gây nhiều thắc mắc cho người sử dụng. “Tọa đàm trực tuyến “Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện” sẽ góp phần soi rọi, giải tỏa những vấn đề liên quan đến ngành điện trong dư luận, đồng thời làm cho ngành điện ngày càng tốt hơn” -Tổng biên tập Lê Xuân Sơn cho biết.

15/07/2020 14:35

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề, tăng trưởng điện lực vẫn tăng cao. Đạt lịch sử đỉnh công suất cực đạt 38.600MW, tăng trưởng 790 triệu kw/h, áp lực hệ thống điện cao. Ông Lâm cho rằng, tổng sản lượng điện tăng trưởng 4,89%, nhưng tăng trưởng điện sinh hoạt lại tăng tới 12,3%. Riêng phía Nam tăng 2,7 lần.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 3 Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam,

“Lượng điện kinh doanh dịch vụ suy giảm sâu, nhưng điện sinh hoạt tăng cao. Sau khi có đơn khiếu nại, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên về sử dụng điện. Kết quả như sau: Đã có hơn 900.000 đơn khiếu nại từ khách hàng, trong đó trên 60% nội dung liên quan đến hoá đơn điện; Trên 600 hoá đơn tính sai khách hàng” – ông Lâm cho biết.

15/07/2020 14:40

Chia sẻ về công tơ điện, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN có quy trình kinh doanh thống nhất trên toàn quốc. Quy trình ghi chỉ số khá đơn giản, mỗi trạm biến áp hay khu vực có lịch ghi chỉ số điện riêng. EVN quản lý toàn bộ 2,8 triệu công tơ trên một phần mềm. Lúc ghi công tơ có 2 người, 1 người đọc và 1 người ghi. 

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 4 Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Ở Hà Nội, còn sử dụng máy chụp ảnh ghi lại chỉ số công tơ. Sau đó, dữ liệu đưa vào máy tỉnh bảng và đổ vào phần mềm rồi chạy tính toán tự động. Bản thân phần mền ghi chỉ số công tơ tự động đều có cảnh báo khi khách hàng dùng tiện tăng quá 30%.

Đó là 1 trong những biện pháp tránh sai sót. Ở nhà, bộ phận kiểm soát cũng có sự phúc tra lại các chỉ số. Sau 2 bước kiểm tra thì in ra thông báo tiền điện. Như vậy, EVN có 2 bước kiểm tra tại hiện trường và phúc tra ở nhà để xem có chính xác hay không.

15/07/2020 14:52

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Miền Nam cho biết, quy trình ghi chỉ số công ty điện đang áp dụng theo quy định của tập đoàn đã ban hành. Hàng năm vào cuối năm trước, các công ty trực thuộc sẽ lập kế hoạch ghi chỉ số của năm kế tiếp và trình Tổng Cty phê duyệt.  

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 5  Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Miền Nam

Cụ thể hơn về cách ghi điện, ông Lý cho biết, hiện nay, các công ty chia ra từng nhóm khách hàng để ghi với 21 nhóm ghi từ ngày 1 đến 21 hàng tháng. Các công ty hàng tháng sử dụng 2 phương pháp là ghi thủ công với công tơ cũ khoảng 5,1 triệu khách hàng, thứ 2 là ghi tự động với 3,9 triệu khách hàng.

Đối với ghi thủ công thì kỹ thuật viên sẽ đến nhà khách hàng để ghi chỉ số bằng máy tính bảng hoặc điện thoại để đọc chỉ số bằng phần mềm. Khi chỉ số tăng hoặc giảm 30% trở lên thì máy sẽ báo yêu cầu đọc lại. Ghi tự động thì nhân viên điều hành ghi chỉ số sẽ theo dõi hệ thống, nếu có vấn đề sẽ yêu cầu kiểm tra lại. Sau khi tiếp nhận chỉ số công tơ, toàn bộ sẽ được chuyển đến bộ phận kiểm dò. Với những khách hàng chênh lệch trên 30% sẽ được lập danh sách riêng và phúc tra chỉ số với các trường hợp này.

Trong tháng 5 - 6 vừa qua số lượng chênh lệch trên 30% thì có khoảng 380.000 khách hàng, chiếm khoảng 10%. Số này được phúc tra 100% và có 750-850 khách hàng được phát hiện ghi sai và được điều chỉnh lại. “Khi khách hàng có thắc mắc có thể gọi vào số tổng đài hoặc gửi email đến cty để được giải đáp. Khi tiếp nhận thắc mắc, sẽ có nhân viên trực tiếp liên lạc với khách hàng để giải đáp trong vòng 24h. Một số trường hợp sau khi khách hàng thắc mắc thì phát hiện sai số do nhân viên điện lực ghi nhầm” - ông Lý nói

15/07/2020 15:01

Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Điện lực TPHCM cho biết, quy trình kiểm tra của Công ty luôn tuân thủ theo đúng yêu cầu của Tổng công ty. Cụ thể ,hàng tháng công ty thông báo thời điểm ghi điện trên các truyền thông, trên trang web của công ty. Hiện tại công ty điện lực có số lượng công tơ cho dữ liệu tự động đạt 30%. Còn lại vẫn là ghi điện thủ công. Chính vì thế có những sai sót do người ghi điện ghi sai.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 6  Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Điện lực TPHCM 

“Tuy nhiên chúng tôi có hệ thống cảnh báo tự động, nếu chỉ số điện của khách hàng vượt qua 30% so với tháng trước, nhân viên ghi điện sẽ xem xét lại trực tiếp số điện trên đồng hồ. Sau đó nhân viên ghi điện sẽ phải phúc tra, xem xét trên hệ thống về quá trình sử đụng điện của khách hàng. Nhân viên kiểm soát sẽ phúc tra lại lần nữa” - ông Kiên cho biết.

Cũng theo ông Kiên, trong thời gian nắng nóng, đã có khoảng 8.000 khách hàng phản ánh (tăng 4 lần so với bình thường). Trong vòng 24h, công ty sẽ cử người xác minh, trao đổi, phân tích cho khách hàng và đa số khách hàng đều hài lòng.

15/07/2020 15:04

15/07/2020 15:08

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, công tơ điện tử thay thế cho công tơ cơ là 1 hướng đi mới, sẽ làm dần dần. Việc thay công tơ điện tử ngoài việc ghi chỉ số điện chính xác hơn mà còn nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành ngành điện. Do đó, EVN mong muốn thay toàn bộ công tơ điện tử cho tất cả khách hàng.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 7  Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết EVN mong muốn thay toàn bộ công tơ điện tử cho tất cả khách hàng.

Hiện nay, chỉ mới có 50% khách hàng được trang bị công tơ điện tử. EVN đã vạch ra lộ trình để hiện đại hóa ngành nhưng không gây áp lực tăng giá điện. Mỗi công ty thành viên EVN hạch toán độc lập nên lộ trình thay thế công tơ điện tử là khác nhau. Từ nay đến cuối năm, EVN Hà Nội, EVN TPHCM và EVN miền Trung sẽ thay thế toàn bộ công tơ điện tử cho khách hàng. Tuy nhiên, lãnh đạo EVN quán triệt, quá trình thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử không được làm tăng giá điện.

15/07/2020 15:09

Trả lời câu hỏi về cách quản lý công tơ điện, ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho rằng, hiện nay việc kiểm soát đo lường đối với công tơ điện ở Việt Nam khá chặt chẽ từ khi công tơ điện bắt đầu nhập khẩu vào Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam đều được phê duyệt mẫu, kiểm duyệt ban đầu trước khi đưa vào sử dụng.

Trong quá trình sử dụng sẽ kiểm định định kỳ; khi xảy ra lỗi kỹ thuật phải sữa chữa thì sẽ kiểm định sau sửa chữa. Các cơ quan tổ chức kiểm định, kiểm duyệt được bố trí khắp cả nước để phục vụ nhu cầu của các đơn vị. Qua báo cáo của các Tổng công ty điện lực, có 1.025 công tơ kiểm định lại theo yêu cầu khách hàng thì chỉ có 6 công tơ có sai số vượt quá mức cho phép của nhà nước và được xử lý theo đúng quy định của ngành điện lực – ông Điệp nói.

15/07/2020 15:15

Ông Trần Trọng Trung, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất Thiết bị điện Gelex cho biết, Gelex là một đối tác lâu đời của EVN, đã cung cấp hàng chục triệu chiếc cho EVN. Phần lớn công tơ mà Gelex cung cấp cho EVN là công tơ cơ. Công tơ là một loại hàng hóa đặc biệt. Khi các nhà sản xuất công tơ kinh doanh, phải chịu sự giám sát chặt chẽ. Trước khi đưa ra thị trường phải được giám sát, kiểm định, hiệu chỉnh hằng năm. 100% công tơ trước khi xuất xưởng phải được dán tem, kẹp chì để tránh can thiệp của con người. Phần mềm bên trong công tơ được mã hóa, rất khó để cho các đơn vị khác can thiệp vào.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 8 Ông Trần Trọng Trung, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất Thiết bị điện Gelex 

“Gelex sản xuất công tơ trong điều kiện ngặt nghèo về các tiêu chuẩn môi trường. Toàn bộ kiểm định viên đều có chứng chỉ của Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Trước khi giao hàng, có một cơ quan kiểm tra độc lập giám định về mặt chất lượng. EVN cũng có một công ty riêng để kiểm định những công tơ này. Do đó, việc can thiệp vào công tơ điện là hầu như không thể” – ông Trung khẳng định.

15/07/2020 15:23

Ông Phạm Ngọc Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị công nghiệp Hữu Hồng cho biết , công ty chuyên sản xuất công tơ điện tư theo quy trình khép kín và được kiểm soát bằng hệ thống tự động của công ty. Các công đoạn sản xuất được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Khi có cái nào không đạt tiêu chuẩn thì phần mềm sẽ cảnh báo và sẽ được loại bỏ ngay lập tức. Còn việc có thể tác động vào chỉ số công tơ hay không thì mỗi công ty sẽ có công nghệ đảm bảo chất lượng thiết bị của mình sản xuất ra.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 9  

Đối với sản phẩm của công ty, chúng tôi đảm bảo không thể tác động được vào dữ liệu vì ngoài phần mềm còn phải kết hợp với phần cứng. Bởi ai muốn tác động vào chỉ số thì phải mở công tơ ra, nhấn nút bên trong và kết hợp với phần mềm mới thay đổi được. Đồng thời, khi chúng tôi cung cấp công tơ cho EVN thì sẽ được kiểm định và kẹp chì. Khi muốn thay đổi chỉ số thì buộc phải cắt chì và tháo rời công tơ nên chúng tôi đảm bảo không thể thay đổi chỉ số công tơ.

15/07/2020 15:29

Ông Nguyễn Hồ Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật - thông tin Khoa học công nghệ tỉnh Long An chia sẻ, chất lượng hệ thống kiểm tra công tơ điện của Trung tâm có quy trình rất chặt chẽ, không thể tác động vào. Kết quả luôn giữ bảo mặt, công tơ qua kiểm tra được dán tem, kẹp chì.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 10 Buổi tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia ngành điện, trực tiếp trả lời các câu hỏi bạn đọc gửi tới

“Theo đánh giá của chúng tôi, thiết bị thiết kiệm điện đang quảng cáo tràn lan thực ra không có hiệu quả, chủ yếu do các nhà kinh doanh tự quảng cáo và không có căn cứ về kỹ thuật. Với những công tơ của chúng tôi bị khách hàng khiếu nại, chúng tôi sẽ kiểm tra, đánh giá. Nếu khách hàng không đồng ý thì chúng tôi sẽ niêm phong công tơ để cho trung tâm đo lường kiểm tra lại” – ông Hạnh nói.

Cùng ý kiến trên, ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết, thiết bị can thiệp đến chỉ số điện và tiết kiệm điện thực ra chỉ là quảng cáo của nhà sản xuất. “Trước 2015 chúng tôi đã tổ chức thực nghiệm, đánh giá tính năng tiết kiệm điện của thiết bị theo công bố nhà sản xuất so với thực tế. Thực tế, các thiết bị đó thực sự không có tác dụng tiết kiệm điện” – ông Điệp nói.

15/07/2020 15:41

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ, ông vừa tham gia đoàn kiểm tra tình tình khách hàng khiếu nại công tơ điện. Theo ông, đa số tất cả các công ty thành viên của EVN tới nhà khách hàng rất công khai, minh bạch.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 11  

“Quá trình làm việc cho thấy, EVN ghi chỉ số điện có đúng có sai. Sai ở đây là do sai sót cá nhân. Trong chuyện này, bản thân người ghi chỉ số điện có ghi sai thì thì cũng không được gì mà ngược lại còn bị kỷ luật. Trước đây, nhiều người nghĩ việc sản xuất và kiểm định công tơ nằm trong tay EVN hết. Nhưng theo tôi, mọi thứ rất minh bạch và có sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước” – ông Hùng cho hay.

15/07/2020 15:49

Trả lời câu hỏi độc giả về sai sót trong việc ghi số điện, những các sai sót này có nguyên nhân nào? Do con người hay do công tơ? Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết:

Hiện nay có hai phương pháp ghi chỉ số điện là ghi trực tiếp tại hiện trường và ghi từ xa bằng công tơ điện tử. Đối với công tơ điện tử ghi từ xa thì gần như chưa có trường hợp nào sai. Các loại công tơ trước khi đưa vào sử dụng cũng đã được kiểm định đáp ứng đủ điều kiện nên tỉ lệ sai sót gần như tuyệt đối là thuộc về quá trình đọc và ghi chỉ số vào.

15/07/2020 15:59

Liên quan đến các khiếu nại của khách hàng về công tơ điện, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, khi có khiếu nại chỉ số công tơ, điện lực  sẽ yêu cầu tháo công tơ. “Theo quy trình xử lý hiện hành, khi nhận được thắc mắc, sau 24h chúng tôi mang theo thiết bị kiểm tra di động tới kiểm tra tại nhà khách hàng. Nếu kết qủa đó không được đồng ý thì mới tới bước 2, chúng tôi liên hệ tổ chức kiểm định độc lập; nếu công tơ chạy đúng thì khách hàng phải trả, nếu sai thì điện lực trả tiền, bồi hoàn cho khách hàng” – ông Lý nói.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 12  

Về câu hỏi của độc giả ở tỉnh Đồng Nai: “Tôi ở nhà thuê nhưng trả tiền ở nhà trọ điện đắt hơn khi ở chung cư dù tôi sử dụng thiết bị điện nhiều hơn?” Ông Lý cho biết, khi sử dụng điện nhà trọ, họ tự trang bị công tơ nên sẽ cao hơn vì công tơ không đảm bảo quy định nên khách hàng phải trả nhiều hơn.

15/07/2020 16:04

Bạn đọc tên Minh ở TPHCM đặt vấn đề: Do cách tính bậc giá điện dùng càng nhiều số tiền trả càng cao nên ngành điện có chỉ đạo nhân viên không ghi đủ số điện tháng này mà gom vào tháng sau để thu tiền cao hơn không?

Về vấn đề này, ông Bùi Trung Kiên,Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết, nhân viên được huấn luyện công khai minh bạch, không sai sót. Có trường hợp như thế là do sự cố, ghi phỏng theo chỉ số tháng trước nên xảy ra như thế. Nhưng nếu có ngành điện sẽ xem xét hoàn trả cho khách hàng.

15/07/2020 16:19

Bạn đọc Nguyễn Thị Hồng, Q.3, TPHCM đặt câu hỏi: EVN nói có quyền giám sát việc ghi chỉ số, vậy EVN có báo trước để chúng tôi giám sát hay không? Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM trả lời: Lịch ghi chỉ số cố định hằng tháng. Nếu bạn đọc có phản ánh thì đó là trường hợp ghi chỉ số từ xa. Trong trường hợp này, chúng tôi có phần mềm để khách hàng giám sát việc sử dụng điện của mình.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 13 Nhiều câu hỏi của khách hàng được lãnh đạo các đơn vị EVN giải thích rõ ràng

Bạn đọc Phi Phi (Hà Nội) đặt câu hỏi: Trong trường hợp nhân viên ghi sai chỉ số thì nhân viên có bị kỷ luật gì không? Khách hàng có được bồi thường gì không? Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết: Khi khách hàng phản ánh sai sót thì điều đầu tiên là phải điều chỉnh lại cho đúng. Đối với nhân viên ngành điện, nếu ghi sai thì bị xử lý theo đúng nội quy lao động. Trong tháng 6 vừa qua, EVN đã ra yêu cầu không chỉ xử lý nhân viên mà còn xử lý cả cấp quản lý như Phó giám đốc, Giám đốc ở công ty xày ra sai sót.

15/07/2020 16:43

Tại buổi tọa đàm, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ: EVN luôn trân trọng tất cả ý kiến đóng góp của khách hàng, đây là dịp để tập đoàn nhìn lại quy trình hoạt động của mình nhằm cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội để EVN có dịp trao đổi tốt hơn với khách hàng, người tiêu dùng khắp các địa phương.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 14 Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, những vấn đề trao đổi tại tọa đàm trực tuyến đã phần nào giải tỏa băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc về công tơ điện, cách ghi công tơ điện. Theo ông Sơn, các công tơ điện đa số đều đáng tin cậy, đặc biệt là công tơ điện tử. Nhà sản xuất cũng xác nhận gần như không thể tự ý can thiệp vào các công tơ này, các công tơ đều được kiểm định cẩn thận trước khi sản xuất, đưa vào sử dụng. Mặc dù tỷ lệ sai sót trên tổng số hóa đơn điện rất thấp nhưng tỷ lệ ảnh hưởng cũng gần 6.000 người.

Tọa đàm ‘Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện’ ảnh 15  

Sau hơn 3 giờ đồng hồ diễn ra tọa đàm trực tuyến “Ghi chỉ số điện và quy trình quản lý công tơ điện” với rất nhiều ý kiến của các chuyên gia ngành điện, cả trăm câu hỏi của độc giả cả nước liên tục gửi về tọa đàm, chương trình tạm khép lại. Tuy nhiên, báo Tiền Phong sẽ liên tục cập nhật các câu hỏi của quý độc giả, gửi đến các chuyên gia để có câu trả lời sớm nhất!

MỚI - NÓNG