‘Tỏa 3’ – cuộc thử nghiệm táo bạo của nghệ thuật đương đại

Một phần tác phẩm tranh tường “Khởi nguồn của màu sắc” của tác giả Quỳnh Lâm
Một phần tác phẩm tranh tường “Khởi nguồn của màu sắc” của tác giả Quỳnh Lâm
Từ ngày 20/12/2019, triển lãm Tỏa 3 của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ trở lại cùng khán giả với một diện mạo đầy mới mẻ. Tiếp nối ý tưởng nguyên bản của “Tỏa” – Tỏa 3 quy tụ 50 tác phẩm đương đại mới xuất sắc ghi dấu những thử nghiệm nghệ thuật mới đầy táo bạo của các nghệ sỹ.

Tỏa 3 hội tụ 8 nghệ sĩ trẻ tài năng ở trong nước và quốc tế, trong đó 6 nghệ sĩ Việt Nam là Quỳnh Lâm, Phan Anh, Nguyễn Văn Đủ, Nguyễn Đình Phương, Nguyễn Văn Duy, Lương Trịnh; và các nghệ sĩ quốc tế là Tristan Jalleh (Australia); cặp đôi Caleb Stein & Andrea Orejarena (Anh, Colombia). Triển lãm do Tiến sĩ Mizuki Endo - Giám đốc Nghệ thuật VCCA đồng giám tuyển cùng nhà nghiên cứu - giám tuyển nghệ thuật độc lập Đỗ Tường Linh.

Tiếp nối thành công chuỗi triển lãm Tỏa, Tỏa 3 giới thiệu đến công chúng hơn 50 tác phẩm thuộc nhiều ngôn ngữ nghệ thuật: hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, video, sắp đặt và ý niệm, một cuộc thử nghiệm đầy táo bạo về chất liệu và hình thức biểu đạt của các nghệ sĩ.

‘Tỏa 3’ – cuộc thử nghiệm táo bạo của nghệ thuật đương đại ảnh 1

Tác phẩm video của nghệ sĩ Tristan Jalleh

Các tác phẩm của Quỳnh Lâm sử dụng hoa và màu sắc thực vật làm phương tiện ẩn dụ để đặt ra những câu hỏi về lịch sử, thời gian và không gian. Nguyễn Đình Phương lần đầu tiên thực hiện sắp đặt kích thước lớn gồm video và một bức tượng bằng đất sét khổng lồ (cao 5m) thể hiện sự truy vấn về con người trong vòng quay của cuộc sống hiện đại. Tác phẩm sắp đặt công phu bằng gỗ của Phan Anh là nỗ lực đi tìm căn tính của chính mình thông qua câu chuyện lịch sử cá nhân và truyền thống gia đình.

Nguyễn Văn Duy gây ấn tượng bởi phong cách mang đậm chất pop nhưng tối giản trong màu sắc và đường nét, vừa hài hước châm biếm, vừa mang tính phi lý nhưng cũng đầy chất hiện sinh. Các tác phẩm của Nguyễn Văn Đủ chất chứa trăn trở về sự sống và cái chết, thử nghiệm các vật liệu hữu cơ khác nhau, mang đến hiệu ứng đa chiều của tất cả các giác quan. Trong khi đó, loạt tác phẩm điêu khắc của Lương Văn Trịnh là sự kết hợp điêu luyện của chất liệu truyền thống với những khám phá mới, vừa có phần trữ tình, lặng lẽ nhưng cũng không kém phần nội lực.

Đặc biệt, Tỏa 3 không chỉ giới hạn trong "nghệ thuật của người Việt" mà còn nỗ lực đa đạng hoá và hướng tới cộng đồng quốc tế. Ngoài sự tham gia của 6 nghệ sĩ trong nước, triển lãm lần này có sự góp mặt của các nghệ sĩ nước ngoài hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội, phản ánh những góc nhìn đa chiều và sự gắn kết mạnh mẽ đối với xã hội Việt Nam.

‘Tỏa 3’ – cuộc thử nghiệm táo bạo của nghệ thuật đương đại ảnh 2

Tác phẩm phác thảo “Lò mổ” đầy ấn tượng của tác giả Nguyễn Văn Đủ

‘Tỏa 3’ – cuộc thử nghiệm táo bạo của nghệ thuật đương đại ảnh 3

Tác phẩm “Chân dung” của nghệ sĩ Lương Trịnh

Với thiết kế không gian không tuân theo một lối sắp đặt cố định, các tác phẩm sẽ nằm ẩn trong những căn phòng kín đáo, tạo nên những hành trình nghệ thuật riêng biệt giúp người xem cảm nhận mỗi tác phẩm theo cách của riêng mình. 

Giám tuyển Đỗ Tường Linh đánh giá “Tỏa 3 là một cuộc hội tụ phong phú và đầy màu sắc của những nghệ sĩ trẻ năng động và tài năng nhất đến từ Hà Nội, Huế và TP.HCM. Triển lãm hy vọng sẽ mang đến cho các khán giả thủ đô Hà Nội một trải nghiệm sâu sắc và tinh tế không chỉ về thẩm mỹ mà cả những khám phá mới mẻ về những vùng tưởng tượng của tâm thức”.

Nhận xét về chuỗi triển lãm Tỏa, Giám đốc Nghệ thuật VCCA Mizuki Endo bày tỏ hy vọng mô hình này sẽ mang đến cho các nghệ sĩ trẻ cơ hội tuyệt vời để giới thiệu đến công chúng các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, góp phần thúc đẩy các giá trị thẩm mỹ mới. "Tựu trung lại, các tác phẩm nghệ thuật mới đến cùng những hình thức giám tuyển và triển lãm mới, những khán giả mới. Những khía cạnh đa dạng đó đang tạo nên nền tảng định hình 'cái chất' của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong tương lai", ông Mizuki Endo chia sẻ.

Triển lãm mở cửa tự do đến hết ngày 23/2/2020 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) ở B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal city (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong khuôn khổ triển lãm, VCCA sẽ tổ chức các buổi trò chuyện với các nghệ sĩ vào ngày 21/12/2019, 4/1 và 15/2/2020. Chương trình chi tiết sẽ được cập nhật trên website và trang fanpage chính thức của trung tâm./.

Quỳnh Lâm

Nghệ sĩ Quỳnh Lâm (sinh năm 1988) tốt nghiệp Hội Mỹ thuật TP. HCM và Đại học Kiến trúc. Các triển lãm tiểu biểu: “Hữu hạn – Vô hạn” (Việt Nam, 2016), Vietnam Artists’ Book Project (Đài Loan, Trung Quốc, 2016), "Back for Seconds" (Mỹ, 2019).

Phan Anh

Phan Anh (sinh năm 1990) tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TP. HCM và Thạc sĩ Mỹ Thuật tại trường Utrecht School of the Arts (Hà Lan). Các triển lãm tiêu biểu: “Bảo tàng Tâm thức” (Việt Nam, 2018); “Prospects: Before You Ask Me To Stay” tại Venice Biennale lần thứ 56 (Ý, 2015)...

Nguyễn Đình Phương

Nguyễn Đình Phương (sinh năm 1989) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Các triển lãm tiêu biểu: “Hữu hình – Vô hình (Việt Nam, 2016), Liên hoan nghệ thuật trình diễn IN:ACT tại Nhà Sàn Collective (Việt Nam, 2018), Lên hoan nghệ thuật trình diễn NIPAF 2019 (Nhật Bản).

Nguyễn Văn Đủ

Nguyễn Văn Đủ (sinh năm 1986) tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM khoa Sơn dầu. Thực hành của anh tập trung vào hội họa với việc thử nghiệm kết hợp các chất liệu lạ để mở ra các hướng diễn giải mới cho những khái niệm và kỹ thuật vốn từ lâu vẫn định hình ‘tranh vẽ’ tại Việt Nam.

Nguyễn Văn Duy

Nguyễn Văn Duy (sinh năm 1989) tốt nghiệp Cử nhân Hội họa – trường Đại học Nghệ thuật Huế. Anh từng tham gia nhiều triển lãm và dự án nghệ thuật tổ chức bởi Viện Goethe, Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà sàn Collective…

Lương Trịnh

Nghệ sĩ Lương Văn Trịnh (sinh năm 1988), tốt nghiệp cử nhân và cao học Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành Điêu khắc. Các triển lãm tiêu biểu:  “Khả thể”, Giải thưởng Dogma (2017), “Art in the air” tại Malaysia (2014)...

Tristan Jalleh

Tristan Jalleh (sinh năm 1979), nghệ sĩ video art đến từ Australia. Anh có tác phẩm trưng bày tại nhiều triển lãm và bảo tàng uy tín như Experimenta International Biennial of Media Art and Sydney Contemporary 2015, RMIT Gallery, Bảo tàng Powerhouse ISEA…

Caleb Stein & Andrea Orejarena

Andrea Orejarena (sinh năm 1994, Colombia) và Caleb Stein (sinh năm 1994, Anh) là bộ đôi nghệ sĩ đa phương tiện hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Dự án nghệ thuật của họ tại Việt Nam khám phá bản chất của ký ức chiến tranh thông qua sự kết hợp của video, hội họa, nhiếp ảnh, được thực hiện tại Làng Hữu Nghị Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.