Tố Trung Quốc chèn ép, Lithuania nhờ EU bảo vệ

0:00 / 0:00
0:00
Thủ đô Vilnius của Lithuania. (Ảnh: Euobserver)
Thủ đô Vilnius của Lithuania. (Ảnh: Euobserver)
TPO - Lithuania đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) thể hiện tình đoàn kết trước sự “chèn ép kinh tế” của Trung Quốc nhằm buộc Vilnius ngừng ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc).

Doanh nghiệp Lithuania trong các ngành dược phẩm, điện tử và thực phẩm trên thực tế đang bị “cấm vào thị trường Trung Quốc”, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói trong bức thư gửi tới Uỷ ban châu Âu và cơ quan đối ngoại EU ngày 6/12.

Ông Landsbergis nói rằng Trung Quốc gần đây từ chối thông quan tại các cảng ở Bắc Kinh và Thượng Hải mà không gửi thông báo chính thức nào cho Vilnius.

Ông nhấn mạnh rằng hành động của Trung Quốc là để “gây sức ép kinh tế vì động cơ chính trị với mức độ chưa từng thấy”.

“Những hành động đó chống lại một quốc gia thành viên EU đang gây tác động trực tiếp lên toàn bộ EU và chính sách thương mại chung của chúng ta. Vì thế, tôi đề nghị các vị can thiệp thay Lithuania để giải quyết tình hình hiện nay”, ông Landsbergis đề nghị.

Tình trạng dừng thông quan xảy ra sau khi Lithuania gần đây mời Đài Loan (Trung Quốc) mở “văn phòng đại diện” ở Vilnius.

Tuy nhiên, sự đáp trả của Bắc Kinh đã bắt đầu từ tháng 8, khi Lithuania rời khỏi cơ chế “17+1” mà Trung Quốc lập ra ở khu vực đông và trung Âu, ông Landsbergis cho biết.

“Cần một phản ứng mạnh mẽ ở cấp EU… để gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng gây áp lực kinh tế vì động cơ chính trị là điều không thể chấp nhận được”, Ngoại trưởng Lithuania viết.

EU đã lên tiếng bảo vệ quyết định của Vilnius đối với Đài Loan (Trung Quốc).

“EU không nghĩ rằng văn phòng đại diện Đài Loan, một cơ quan không phải đại sứ quán hay lãnh sự quán, thực sự là vấn đề gì nghiêm trọng”, phát ngôn viên EU nói.

“Chúng tôi sẽ chờ xem liệu việc này (chặn thông quan của Lithuania) có phải chỉ xảy ra một lần hay mang tính hệ thống. Nếu được xác nhận, chúng tôi sẽ phải xem liệu những hành động của Trung Quốc có phù hợp với quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay không”, phát ngôn viên nói.

Tháng 11 vừa qua, Mỹ cấp khoản vay tín dụng xuất khẩu trị giá 600 triệu USD cho Lithuania để hỗ trợ nước này bù đắp thiệt hại ở Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa đăng hàng loạt bài viết chế giễu điều này.

“Đó chỉ là giọt nước rơi xuống biển”, Thời báo Hoàn cầu viết, và nhấn mạnh rằng kim ngạch thương mại Lithuania – Trung Quốc lên tới 2 tỷ USD mỗi năm.

“Không cần phải làm cho thương mại Trung Quốc – EU trật bánh hay bị tấn công bởi hành động khiêu khích vô tội vạ của Lithuania vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, tờ báo viết.

Trung Quốc cũng đã doạ trừng phạt CH Séc vì đã tiếp đón một quan chức cấp cao của Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 10.

Slovakia có thể là nước tiếp theo “hứng đạn”, sau khi một đoàn thương mại gồm 43 thành viên của quốc gia này vừa có chuyến thăm Đài Bắc.

Việc Trung Quốc đưa hàng chục nghị sĩ và quan chức EU vào danh sách đen để đáp trả các biện pháp trừng phạt về nhân quyền của EU đã đánh đắm thoả thuận đầu tư Trung Quốc – EU.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và sẽ phải trở về với đại lục, có thể bằng vũ lực nếu cần.

Theo Euobserver
MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.