Tổ COVID cộng đồng: Dọc đường chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
Ông Khoát, thành viên tổ COVID cộng đồng ở Tổ dân phố My Điền 1 thăm hỏi, động viên công nhân bị phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Thắng
Ông Khoát, thành viên tổ COVID cộng đồng ở Tổ dân phố My Điền 1 thăm hỏi, động viên công nhân bị phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Thắng
TP - Dịch bùng phát ở Bắc Giang, tổ COVID cộng đồng ra đời trở thành “chốt chặn” vững chắc trong phòng chống dịch. Câu chuyện của những thành viên tổ COVID cộng đồng càng cho thấy vai trò "thế trận nhân dân" trong cuộc chiến chống giặc COVID - 19.

Dựa vào Tai mắt của dân

Nửa đêm, ông Phùng Văn Thống, Tổ phó Tổ dân phố My Điền 1, huyện Việt Yên (một trong những lãnh đạo tổ COVID cộng đồng) về nhà tắm vội, rồi định ngả lưng chợp mắt. Chưa kịp ngủ, chuông điện thoại reo, ông vùng dậy, vội vàng lao ra khỏi nhà. Ông ra chốt kiểm soát dịch ở đầu tổ dân phố để đón xe cứu thương, đưa nhân viên y tế đến những nhà trọ có công nhân vừa mới phát hiện mắc COVID - 19. Công việc kéo dài đến sáng. Về nhà, ông Thống ăn vội bát mỳ tôm, rồi lại ra đình làng để trao đổi công việc với tổ COVID cộng đồng.

Từ khi dịch bùng phát trở lại, đình làng trở thành “đại bản doanh” của tổ COVID cộng đồng. Cuối tháng 5, mới đầu giờ sáng mà ngoài trời đã nóng hầm hập. Trong sân đình, không khí làm việc của tổ COVID cộng đồng cũng nóng bỏng với những thông tin về dịch và những ý kiến đóng góp để làm sao quản lý tốt địa bàn, ngăn dịch lây lan.

Tổ COVID cộng đồng: Dọc đường chống dịch ảnh 1

Tổ COVID cộng đồng My Điền 1 họp bàn công việc. Ảnh: Nguyễn Thắng

Cuộc họp tan, ông Thống ngồi nhấp chén nước trà. Nhìn thoáng qua cũng dễ thấy đôi mắt ông thâm quầng vì mất ngủ. Ông thủng thẳng kể: Hơn 20 ngày trước, dịch xuất hiện ở Khu công nghiệp Vân Trung. Tổ dân phố My Điền 1 có nhiều công nhân ở trọ làm trong các khu công nghiệp. Nơi đây phát hiện những ca dương tính đầu tiên. Huyện Việt Yên bị phong tỏa một phần, rồi cả tổ dân phố này bị cách ly. Riêng Tổ dân phố My Điền 1 có đến hơn 10.000 công nhân, trong khi người địa phương chỉ có 2.000 người. Mật độ công nhân ở trọ cao, lại có nhiều ca mắc COVID - 19 nên Tổ dân phố My Điền 1 được xác định là một điểm nóng, nơi có nguy cơ lây nhiễm COVID - 19 cao nhất tỉnh. Tổ COVID cộng đồng được thành lập để chặn dịch lây lan và thực hiện nhiệm vụ đi từng ngõ, gõ từng nhà để truy vết.

Tổ COVID cộng đồng ở My Điền 1 có tất cả 64 người, bao gồm các chủ phòng trọ và những người có tiếng nói uy tín đối với người dân. Mỗi người phụ trách một xóm ngõ (có mấy chục nhà trọ). Hằng ngày, các thành viên đến các hộ mình quản lý nắm bắt tình hình địa bàn, rồi thông tin về tình hình dịch COVID - 19 tại địa phương để công nhân ở trọ biết. Đồng thời, các thành viên cùng với các chủ xóm trọ giám sát xem ai có biểu hiện nghi ngờ, như ho, sốt… sẽ kịp thời báo cơ quan chuyên môn. “Tôi luôn có số điện thoại của khoảng 300 chủ nhà trọ trong tổ dân phố. Đồng thời, tổ COVID cộng đồng lập nhóm Zalo chung. Bởi vậy, địa bàn có chuyện gì là chúng tôi nắm bắt được ngay. Dựa vào tai mắt của người dân, chúng tôi mới có thể nhanh chóng phát hiện những người không chịu đi khai báo y tế, hoặc khai báo không đúng, ngăn chặn người có nguy cơ lây nhiễm cao ra khỏi địa bàn”, ông Thống chia sẻ.

Cuộc trò chuyện của phóng viên với ông Thống nhiều lần bị đứt quãng bởi điện thoại của ông liên tục có người trong tổ dân phố gọi thông báo diễn biến tình hình dịch bệnh hoặc thành viên của tổ trao đổi công việc. Từ ngày dịch bùng phát, ông và tổ COVID cộng đồng làm việc cả ngày đêm. Có hôm, tổ làm việc từ đêm đến sáng. Ông nhớ, có đêm cao điểm, Trung tâm Y tế thị trấn Nếnh thông báo trong Tổ dân phố My Điền 1 có 25 ca F0. Nhận được thông tin, ông đi luôn trong đêm. Ông chỉ dẫn xe cứu thương vào từng nhà trọ có ca nghi mắc COVID - 19 để nhân viên y tế đưa người đi, rồi lại tất bật cùng chủ trọ truy vết người tiếp xúc.

Ông Thống bảo, do công việc phải tiếp xúc với nhiều người có nguy cơ lây nhiễm COVID cao nên ông không dám gần vợ con và các cháu. Mỗi lúc xong công việc, ông điện thoại báo trước cho vợ con chủ động tránh xa mình. Tuy sống cùng nhà với vợ con và các cháu, nhưng ông phải ăn ngủ ở một phòng riêng. “Về nhà, nhìn thấy cháu nội từ xa, nhớ chúng nó quá, muốn lại gần xoa đầu, ôm tụi nhỏ vào lòng mà không dám gần, nước mắt cứ chực trào ra”, ông Thống bùi ngùi.

Chiến thắng bằng tình thương

Mấy bữa nay, ông Nguyễn Xuân Khoát (61 tuổi), một thành viên tổ COVID cộng đồng của Tổ dân phố My Điền 1 thường xuyên đi ngủ sau 12 giờ đêm. Ông được giao phụ trách việc giám sát tình hình của hơn 10 nhà trọ tại nơi ông ở. Hơn 20 ngày qua, từ khi Tổ dân phố My Điền bị phong tỏa, ông và các chủ nhà trọ ở đây thường thức khuya, dậy sớm để thực hiện công việc giám sát phong tỏa, giãn cách của công nhân ở thuê trọ. “Nhà tôi có khoảng 60 phòng trọ, với gần 100 công nhân. Hơn 10 nhà cho công nhân thuê trọ ở đây có hơn 300 người thuê nữa. Dù dịch ở Tổ dân phố My Điền rất căng thẳng, nhưng may thay, khu này vẫn chưa có ca F0 nào”, ông Khoát mở đầu câu chuyện.

Nhưng như thế, không có nghĩa là ông được đứng ngoài cuộc chiến chống COVID-19. Trưa ngày 1/6, trời nắng như đổ lửa, ông Khoát vẫn đến từng phòng trọ để hỏi thăm tình hình đời sống công nhân. Ông Khoát và các chủ trọ xác định phải làm thật, không làm hình thức, qua loa cho xong việc, vì chống dịch như chống giặc. Chỉ cần lơ là một chút là trả giá đắt.

Hằng ngày, ông Khoát đi nhắc nhở công nhân thực hiện nghiêm về giãn cách, cấm tụ tập, phòng nào ở yên phòng đó để tránh lây nhiễm COVID - 19. Nhà ông ngay đầu ngõ đi vào khu dân cư nên càng dễ dàng kiểm soát người lạ đi vào hoặc công nhân đi ra bên ngoài trong thời gian phong tỏa. Ông như người lính gác cho cả khu, cả đêm lẫn ngày.

Ông Khoát nói rằng, cuộc chiến chống dịch còn là cuộc chiến tâm lý. Hơn 20 ngày phong tỏa, công nhân sống trong bốn bức tường phòng trọ, mà tuổi họ còn trẻ. Nếu không giúp công nhân ổn định tinh thần thì khó thực hiện phong tỏa tốt được. Bởi vậy, ông tìm mọi cách động viên và đồng hành cùng công nhân. Trước hết, ông vận động các chủ trọ khác trong khu dân cư giảm tiền phòng, tiền điện nước, rồi mua gạo, mì tôm tặng công nhân. Riêng gia đình ông mua gần 100 thùng mỳ tôm, tặng trứng cho công nhân và cả rau nhà trồng được.

“Các cháu công nhân thuê trọ ở xa, nhiều cháu khó khăn nên chúng tôi đồng cảm và hỗ trợ để cùng vượt qua giai đoạn này. Chỉ có sự quan tâm, yêu thương nhau mới giúp công nhân yên tâm cách ly, không bỏ trốn về quê và thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch trong vùng phong tỏa, tránh lây lan dịch ra ngoài”, ông Khoát nói thêm. (còn nữa)

Khi dịch bùng phát trở lại ở Bắc Giang, PGS. TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, tỉnh Bắc Giang cần dựa vào tổ COVID cộng đồng để việc chống dịch có nền tảng và lâu dài. Theo ông Dương, tổ COVID cộng đồng là chân rết, cánh tay nối dài trong phòng chống dịch.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.