Tổ chức thi THPT Quốc gia thế nào mới hiệu quả?

TS Lê Viết Khuyến
TS Lê Viết Khuyến
TPO - Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) góp ý cho kỳ thi THPT Quốc gia sau vụ bê bối gian lận điểm thi ở Hà Giang.  

Hiện nay, chấm điểm thi THPT Quốc gia được Bộ GD&ĐT giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì. Theo đó, 63 tỉnh, thành sẽ chấm thi riêng rẽ dưới sự giám sát của thanh tra và PA 83. Chính việc chấm thi như vậy chính là "lỗ hổng" dễ phát sinh tiêu cực. Vì thế, có ý kiến cho rằng, việc chấm thi cần quy về 1 mối là Bộ GD&ĐT hoặc các trường đại học.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nếu việc tuyển sinh hay công tác chấm thi lại đưa về Bộ làm sẽ gây tốn kém và Bộ sẽ không 'bao' nổi. 

Vì vậy, theo TS Khuyến là cần trao quyền tự chủ cho các địa phương và phải tăng cường trách nhiệm giải trình.

Tự chủ biểu hiện ở chỗ, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và khi xảy ra sự việc thì người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Ông Khuyến nhấn mạnh, quan điểm phải có kì thi tốt nghiệp THPT là cần thiết, mà đã là thi quốc gia thì phải chỉ đạo thống nhất, đề thi phải thống nhất.

Vậy sang năm sẽ nên tổ chức thi thế nào để tránh “vết xe đổ” của năm nay khi đề quá khó, gian lận trong sửa điểm như ở Hà Giang?, TS Khuyến cho rằng, cần phải cải tổ đầu tiên là việc làm đề thi.

Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm trong việc làm đề thi. Hiện nay, hướng đi là đúng nhưng kĩ thuật đề thi còn chưa hoàn thiện để đề thi gọi là chuẩn hóa. Đề thi chuẩn hóa là đề thi năm nay và năm sau là tương đương nhau chứ không có chuyện năm ngoái dễ quá, năm nay khó quá nên kết quả thi năm ngoái là không thể dùng chung được”- ông Khuyến đề xuất.

Cũng theo ông Khuyến, kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia cần có khoảng 50% nội dung, câu hỏi là xuất phát từ chuẩn đầu ra của môn học đó mà trong chương trình ban hành. 

“Việc đề thi này đã phù hợp với chuẩn đầu ra của môn học đó hay chưa thì nhìn vào phổ điểm năm nay cũng biết. Có môn Ngoại ngữ, môn Sử, định phổ thấp lè tè, gần 80% dưới trung bình nhưng có môn như giáo dục công dân gần 80% trên trung bình, định phổ 7-8 điểm, cao chót vót. Điều này, có thể thấy môn Ngoại ngữ, Sử có thể cao hơn chuẩn đầu ra của môn học và các môn giáo dục công dân có dấu hiệu nhẹ hơn chuẩn đầu ra”- ông Khuyến chỉ ra.

Tuyển sinh ĐH nên làm thế nào?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng việc tuyển sinh vào đại học phân cho các trường, các trường dùng phương thức dựa vào điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển hay dùng hình thức khác thì tùy từng trường. Tuy nhiên, nếu dựa vào điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển thì chỉ nên áp dụng với các trường top giữa, top dưới. Các ngành hot, các trường top trên thì nên có thêm kì thi nữa do trường tự tổ chức.

MỚI - NÓNG