Tổ chức Hợp tác Thượng Hải mở rộng sang Nam Á, Trung Đông

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải mở rộng sang Nam Á, Trung Đông
TP - Hội nghị cấp cao lần thứ 12 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 6 đến 7-6, nhằm xây dựng SCO trở thành một diễn đàn hợp tác hiệu quả hơn.

 > Tổng thống Putin nhấn mạnh quan hệ quân sự Nga-Trung

Các nhà lãnh đạo SCO tại Hội nghị cấp cao SCO-12 ở Bắc Kinh hôm 7-6. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo SCO tại Hội nghị cấp cao SCO-12 ở Bắc Kinh hôm 7-6. Ảnh: AP.

Hội nghị thông qua kế hoạch phát triển giữa kỳ của tổ chức, ra tuyên bố về tăng cường hợp tác vì một nền hòa bình lâu dài, sự thịnh vượng chung, bày tỏ quyết tâm và sự đồng thuận của các nước thành viên vì sự phát triển lâu dài của SCO.

Hiện nay, SCO có 6 quốc gia thành viên chính thức gồm Trung Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Do SCO có chủ trương mở rộng thành viên sang khu vực Trung Đông và Nam Á nên Hội nghị tại Bắc Kinh lần này có sự tham gia của đại diện các nước Mông Cổ, Ấn Độ, Iran, Afghanistan, và Pakistan với tư cách quan sát viên. Hai quốc gia thành viên được coi là đầu tàu của SCO là Nga và Trung Quốc.

Tại phiên họp hôm 7-6, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho biết Trung Quốc sẵn sàng đóng góp 10 tỷ USD cho các thành viên khác của SCO vay.

Để thực hiện được điều này, Trung Quốc đề nghị thành lập một ngân hàng phát triển SCO giúp kích thích sự phát triển kinh tế cũng như ủng hộ các dự án hợp tác nội khối.

Ông Hồ Cẩm Đào kêu gọi các quốc gia thành viên SCO tăng cường nỗ lực tạo ra một hạ tầng giao thông thống nhất, một mạng lưới đường sắt, đường bộ, đường không và viễn thông phát triển. Ngoài ra, cần khẩn trương xây dựng hệ thống vận tải khí đốt và dầu mỏ chung.

Khi mới thành lập, SCO chỉ là một tổ chức an ninh khu vực ở Trung Á, nhưng đến nay, do tình hình thế giới có nhiều biến động và nhu cầu phát triển của nội khối, SCO đang mở rộng không chỉ trong lĩnh vực kết nạp thêm thành viên mà cả các lĩnh vực hợp tác khác.

Riêng đối với tư cách thành viên của Iran, mặc dù vừa qua Tehran đã nộp đơn xin gia nhập SCO nhưng tổ chức này chưa thể xét kết nạp Iran là thành viên đầy đủ của SCO vì Iran đang bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm vận. Khi nào Liên Hợp Quốc tháo dỡ cấm vận đối với Tehran, SCO sẽ kết nạp Iran làm thành viên đầy đủ.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao SCO-12 ở Bắc Kinh hôm 7-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra đề nghị thành lập trung tâm chống khủng bố bên trong SCO.

Ông Putin nói rằng, tất cả thành viên SCO đều nhận thấy cần phải đấu tranh chống các mối đe dọa từ ma túy. Theo Tổng thống Putin, SCO có thể giành được thắng lợi trong cuộc chiến này nếu thành lập được một trung tâm chung chống khủng bố, buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức.

Về vấn đề quốc tế, ngày 7-6, cả Tổng thống Nga Putin lẫn Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cùng các nhà lãnh đạo khác của SCO đều lên tiếng phản đối sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Trung Đông.

Trong Tuyên bố chung được công bố trước khi kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo SCO kêu gọi có một giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria thông qua đối thoại chính trị.

Tuyên bố chung nói rõ việc sử dụng vũ lực đối với Iran là không thể chấp nhận được và có thể dẫn đến tình huống không thể đoán trước, đe dọa ổn định, an ninh trong khu vực và trên toàn thế giới.

Bên lề Hội nghị cấp cao SCO-12, ông Putin và ông Hồ Cẩm Đào có các cuộc gặp song phương với Tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, trao đổi những vấn đề Nga, Trung Quốc và SCO có thể hỗ trợ Iran và Afghanistan.

Điều này cho thấy trong tương lai gần, SCO sẽ có vai trò to lớn hơn đối với cuộc khủng hoảng chương trình hạt nhân của Iran và đặc biệt là tình hình an ninh ở Afghanistan sau khi Mỹ và NATO rút quân khỏi nước Nam Á này.

Trong Tuyên bố chung, các nước SCO cũng bảy tỏ tin tưởng rằng, tiến trình hòa bình ở Afghanistan phải do người Afghanistan thực hiện, chèo lái và dẫn dắt.

Nguyễn Đại Phượng
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.