“Kể từ khi thành lập năm 1954, đoàn Thể Công vẫn nhận được sự quan tâm thường xuyên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Riêng với bóng đá, Đại tướng bày tỏ tình yêu khá mãnh liệt” - Nguyên trưởng đoàn Thể Công - ông Nguyễn Sỹ Hiển - cho biết.
Đại tướng và ông Nguyễn Sỹ Hiển nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Thể Công. |
“Đúng là quân tướng Giáp”
Ông Nguyễn Sỹ Hiển kể rằng, tất cả các thế hệ Thể Công vẫn còn nhắc tới trận đấu hào hùng của Thể Công trước đội tuyển Cu Ba đúng dịp 2.9.1970. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi trên khán đài sân Hàng Đẫy theo dõi trận đấu. Đây cũng là trận ra mắt của một trong những chân sút hay nhất của lịch sử bóng đá Việt Nam là Ba “Đẻn” - Nguyễn Thế Anh.
Đội Cu Ba với thể hình cao to nhanh chóng dẫn trước 2-0, trời mưa to càng khiến cho mọi người không tin vào một kết quả có lợi cho Thể Công. Thế rồi, các cầu thủ Thể Công biết cách tận dụng những điều tưởng như bất lợi trở thành lợi thế. Chẳng hạn lối đi bóng kỹ thuật của Ba “Đẻn” khiến các cầu thủ cao to của Cu Ba chỉ biết đứng... nhìn.
Hậu vệ Phan Văn Mỵ gỡ 1 bàn từ chấm 11 mét, Ba “Đẻn” bay người gỡ hòa 2-2 để rồi những phút cuối cùng, Thể Công có bàn thắng ấn định 3-2. Cả sân vỡ òa, sau trận đấu các cầu thủ đứng nhìn nhau không nói, nước mắt hòa nước mưa.
“Chúng tôi được lệnh về tắm rửa rồi tập trung gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp” - ông Hiển nói. Tối đó, Đại tướng đến thăm đội, người dân xuống đường ăn mừng khiến ôtô của Đại tướng kẹt lại. Khi gặp các cầu thủ, Đại tướng nói: “Người dân bảo tôi: Quân đội ta anh hùng quá. Đúng là quân tướng Giáp”. Các anh biết sao không?”.
Chúng tôi biết Đại tướng đã rất vui khi chứng kiến một trận đấu quật cường như thế. Tìm cách để điểm yếu của mình thành lợi thế, tìm ra những yếu tố bất ngờ để quật ngã đối thủ mạnh hơn - đó là một phần trong triết lý quân sự của Đại tướng và chúng tôi cũng phần nào làm được điều ấy trong trận đấu.
Thắng không kiêu - bại không nản, nhưng nhất quyết phải khiêm tốn
Thể Công được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan tâm từ khi đội bóng còn rất non trẻ. Năm 1963, khi miền Bắc vừa có hòa bình được 7 năm nhưng đã mạnh dạn tổ chức thi đấu giao hữu 12 đội bóng của những nước XHCN. Thể Công lúc đó còn non trẻ, chưa đi cọ xát quốc tế lần nào.
Theo đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ đã xuống thăm các cầu thủ - quân nhân đá bóng. Tháp tùng Bác là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Sự bình dị, quan tâm của Bác Hồ và của cả Đại tướng như tiếp thêm sức mạnh, bản lĩnh cho lứa cầu thủ Thể Công” - ông Nguyễn Sỹ Hiển nói.
Vì Trung tâm TDTT Quân đội nằm ở 19 Hoàng Diệu, nhà Đại tướng ở số 30 chênh chếch nhau, nên anh em Thể Công luyện tập ở sân Cột Cờ thỉnh thoảng vẫn đón vị khách bất ngờ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đôi khi ông chỉ im lặng đứng nhìn các cầu thủ luyện tập như để tìm cách giải tỏa bớt những bộn bề trong đầu, trước những trận đánh lớn.
“Năm 1994, Thể Công kỷ niệm 40 năm thành lập” - ông Hiển kể - “Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh quân đội khi đó như Văn Tiến Dũng, Lê Khả Phiêu đã tới dự”. Khi được mời lên phát biểu, Đại tướng chỉ nói rất ngắn gọn: “Thể Công sau 40 năm đã làm rạng rỡ cho bóng đá quân đội, rạng rỡ cho bóng đá nước nhà. Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục phấn đấu. Thắng không kiêu, bại không nản và nhất là phải rất khiêm tốn”.
Hai từ “khiêm tốn” phát ra từ Đại tướng tưởng chừng rất nhẹ nhưng chứa đựng một phần nhân cách của con người huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Năm 2008, ông Nguyễn Sỹ Hiển tham gia soạn cuốn sách “Thể dục thể thao Quân đội - những chặng đường”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy đã ốm khá nặng nhưng cũng đã đồng ý viết lời giới thiệu cuốn sách.
“Đó là một vinh dự đặc biệt đối với chúng tôi” - nguyên Trưởng đoàn Thể Công - nguyên Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Sỹ Hiển đã nói như vậy về người bao nhiêu năm dìu dắt thể thao quân đội trưởng thành: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.