Tình yêu bất tử Hoàng Văn Thụ - Hoàng Ngân

Tình yêu bất tử Hoàng Văn Thụ - Hoàng Ngân
Cùng chung chí hướng Cách mạng, mối tình của anh Hoàng Văn Thụ và chị Hoàng Ngân thực sự là biểu tượng về một tình yêu tuyệt đẹp trong đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc...
Tình yêu bất tử Hoàng Văn Thụ - Hoàng Ngân ảnh 1

Liệt sỹ Hoàng Ngân (tức Phạm Thị Vân) - Ảnh tư liệu của gia đình chị Hoàng Ngân. (Đồng Khắc Thọ sưu tầm)

Vào một buổi sáng nắng rực rỡ, chúng tôi có mặt tại xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc - ATK (an toàn khu) của Trung ương tại Định Hóa trong kháng chiến chống Pháp. Hôm ấy, có đoàn cán bộ phụ nữ hành hương về nguồn.

Chị Hà Thị Khiết cùng bà con các dân tộc, ôn lại một thời hào hùng mà cơ quan trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam (1948 - 1951) ở và làm việc tại nơi đây. Từ giữa tháng 7/1949 Phạm Thị Hoàng Ngân hy sinh, quả đồi Pù Ngạm Ngà mang tên Hoàng Ngân.

Anh Nguyễn Bắc Son - Phó Bí thư trường trực Tỉnh ủy, ghé tai tôi: “Trong đoàn hành hương về nguồn có hai em gái của chị Hoàng Ngân...”. Hai người đó là Phạm Thị Hiền và Phạm Thị Nguyệt. Bác Phạm Thị Hiền năm nay vào độ tuổi 70, người dỏng cao, đi lại vẫn dẻo dai, còn nhớ được khá nhiều sự kiện về người chị cả của mình. Bác Hiền sống tại TP.HCM vừa ra, kéo theo cô em út - Phạm Thị Nguyệt cùng về lại chiến khu xưa.

Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân, sinh năm 1921. Mẹ là Vũ Thị Đỗi, bố là Phạm Trung Long xuất thân từ công nhân mỏ, nhờ đóng tàu thuê người đánh bắt hải sản mà trở lên một gia đình khá giả có tiếng ở Hải Phòng. Với tư chất thông minh, học giỏi, cô bé Vân đến với cách mạng rất tình cờ: Một buổi đi học về, thấy trong nhà có khách lạ, bố mẹ tỏ ra rất quý trọng. Khách chính là anh Tô Hiệu, chú Hoàng Quốc Việt và anh Hoàng Văn Thụ...

Mới 14 tuổi (1935), cô bé nữ sinh Thành Chung xinh đẹp, lanh lẹ làm liên lạc, qua “mũi” bọn mật thám, mã tà, Việt gian đưa thư từ, công văn, cho các chú, các anh từ Chợ Sắt, nhà máy tơ, chợ Cột Đèn qua Bến Bính, Thủy Nguyên...

Năm 1936 được đoàn thể phân công, Phạm Thị Vân vận động nhân dân, xây dựng một số cơ sở cách mạng ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng... Cô góp sức trong việc vận động hàng vạn quần chúng xuống đường biểu tình chống Pháp trong ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938 tại khu Đấu Xảo - Hà Nội và Hải Phòng...

Giặc Pháp bắt được một số cán bộ lãnh đạo phong trào, Vân sa vào tay giặc. Sau nhiều ngày tra khảo, không có chứng cứ và cũng không khai thác được gì từ cô gái mới 15 tuổi, chúng buộc phải thả.

Phạm Thị Vân tham gia Thành ủy Hải Phòng do đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư (sau đó Tô Hiệu bị giặc Pháp bắt giam đưa đi đầy, hy sinh tại nhà tù Sơn La). Vân được đoàn thể cách mạng rút đi thoát ly (1939).

Cô thiếu nữ xinh đẹp của thành phố Hải Phòng được Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ - Hoàng Văn Thụ giao làm công tác dân vận, binh vận, xây dựng một số cơ sở cách mạng ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên, Hải Dương... và có lẽ trái tim thiếu nữ đã “cảm”, phục, ngưỡng mộ mà rung động trước người đồng chí, người thầy Hoàng Văn Thụ từ thuở ấy?

Hồi ấy con gái 16 - 17 tuổi còn vô tư lắm, có biết yêu là gì đâu. Ngay cả ở thành thị như Hải Phòng, Hà Nội thì con gái đến tuổi gả chồng - cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy là chính. Lúc đầu cũng chỉ cảm phục tài người con trai dân tộc Tày, sinh ra trong một gia đình nhà Nho bản Phạc Lạn (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn).

Trái tim cô bé thổn thức trước chàng trai thông minh, trong chỉ đạo sát sao, quyết đoán, khi giao nhiệm vụ rất tin đồng chí. Anh Thụ cũng rung động trước người thiếu nữ xinh đẹp, sớm giác ngộ cách mạng, có ý chí, giàu nghị lực, giọng nói truyền cảm, giao việc gì cũng hoàn thành, có biệt tài thuyết phục, vận động tầng lớp tri thức, tư sản.

Năm 1939, chị Vân vừa tròn 18 tuổi, còn anh Thụ 30 tuổi (sinh 1909). Sau mấy năm “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, khi được anh Thụ đặt vấn đề muốn xây dựng hạnh phúc với mình, Vân tuy trong lòng đã nhất trí nhưng  cũng chỉ dám nói: “Em còn phải xin ý kiến gia đình, xin trả lời sau”.

Phạm Thị Hiền được bố chị kể lại: ít lâu sau anh Thụ cử liên lạc về nhắn bố là ông giáo trường làng Hoàng Khải Lan bí mật xuống thưa chuyện với gia đình ông Phạm Trung Long cho anh Thụ được làm con rể, chị Vân được làm con dâu ông.

Ông Lan hiền lành, nho nhã, rất hợp, ông Long đồng ý ngay. Ông Long cũng nhắc 2 con phải báo cáo cho tổ chức công nhận. Bà Đỗi làm mâm cơm thịnh soạn, ấm cúng tiếp ông thông gia.

Do hoạt động bí mật luôn bị mật thám Pháp theo dõi, trong ngày ăn hỏi, làm lễ đính ước thiêng liêng đó, anh Thụ, chị Vân cũng chỉ gặp nhau có 20-30 phút rồi đi. Còn ông Hoàng Khải Lan 1,2 tiếng đồng hồ sau cũng được ông Long mua vé, đưa ra ga tàu hỏa ngược lên Lạng Sơn.

Khoảng đầu xuân 1941, anh Thụ, chị Vân cùng đi công tác Quảng Ninh làm việc với các đồng chí ở nước ngoài về qua đường Móng Cái. Tại Đông Triều, chị Phạm Thị Vân xem anh Hoàng Oánh (từng học trường sĩ quan Hoàng Phố của Quốc dân Đảng về) huấn luyện quân sự cho đảng viên và số anh em cốt cán cách đánh du kích.

Thấy số đông  học viên là nông dân, công nhân văn hóa học vấn thấp mà bài giảng nhiều tiếng Hán và tiếng Pháp... chị Vân đã dịch và biên soạn thành giáo trình huấn luyện tiếng Việt.

Sau khi được anh Thụ, anh Oánh góp ý chỉnh sửa rồi in thành bản rô-nê-ô, tài liệu này dùng huấn luyện cho lực lượng vũ trang vùng Quảng Ninh và nhiều nơi trước tháng 8/1945.

Bản thân chị Vân cũng hăng say tập lăn lê, bò toài, gài mìn, ném lựu đạn...  Sau này chị Vân còn huấn luyện các đội du kích đường 5 ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương đánh rất giỏi khiến giặc Pháp kinh hoàng.

Từ ngày 10 đến 19/5/1941 anh Hoàng Văn Thụ ngược lên Khuổi Nậm, Pác Bó dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc chủ trì… Cuối tháng 5, chị Vân mừng vui gặp lại anh Thụ tại một cuộc họp Xứ ủy Bắc Kỳ tại ngoại ô Hà Đông. Bất ngờ giặc Pháp ập tới vây bắt khiến mỗi người phải chạy mỗi ngả.

Chị Vân ra đến bến tầu điện thì bị giặc bắt. Sau 3 tháng bị giam tại Hà Đông, ra tòa, chị Vân vạch mặt kẻ thù: “Dân tộc Việt Nam bị bóc lột đến tận cùng. Đủ thứ thuế, ác nhất là thuế thân lại không được học hành. Các ông dùng thuốc phiện, rượu cồn làm nhân dân ngu muội để dễ bề cai trị. Chúng tôi đấu tranh để đuổi kẻ xâm lược ra khỏi bờ cõi chứ không phải là những kẻ “nổi loạn”. Vì đây là đất nước chúng tôi”.

Bị bẽ mặt trước nữ chiến sĩ cộng sản 20 tuổi, tòa án thực dân Pháp kết án chị Vân 12 năm tù, giam giữ tại Hỏa Lò (Hà Nội). Ở ngoài, anh Hoàng Văn Thụ, ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đảng, dồn sức cùng anh em, đồng chí tổ chức chống khủng bố tàn bạo của giặc.

Sau hội nghị Ban thường vụ năm 1943 ở Võng La (Đông Anh) triển khai nghị quyết “Toàn bộ công tác của Đảng phải nhằm vào chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang”, anh Thụ bị giặc bắt rồi tuyên án tử hình. Anh lãnh đạo chi bộ nhà tù Hỏa Lò đấu tranh chống cai trị hà khắc, tổ chức học tập chính trị.

Phạm Thị Vân vận động chị em tù nữ đòi làm cỏ, được phơi nắng ngoài sân, được nhận đồ tiếp tế của gia đình, được mở lớp học chữ, không cắt tóc ngắn, không ăn gạo hẩm, cá thối…

Tình yêu bất tử Hoàng Văn Thụ - Hoàng Ngân ảnh 2
Chị Phạm Thị Hiền (bên phải) và  Phạm Thị Nguyệt em gái chị Hoàng Ngân trong chuyến hành hương về đồi Hoàng Ngân tại xóm Bản Quyên (Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên 17/7/2005). Ảnh: Đồng Khắc Thọ

Qua ánh mắt trao gửi của anh Thụ - chị Vân  đã được tình yêu thương tiếp sức rất nhiều. Một lần em gái đưa vào cho chị một chiếc áo len. Thương anh Thụ nằm trên nền xi măng giá lạnh, chị Vân tháo ra đan thành chiếc áo len cổ cao, giấu bọn cai ngục lúc làm cỏ ngoài sân, gửi cho anh.

Vào tháng 4/1944, giặc Pháp đưa anh Hoàng Văn Thụ đi xử bắn ở  trường bắn Tương Mai. Chị Vân ngất xỉu, sức khỏe suy kiệt. Thương tiếc anh Thụ, chị bị “thiên đầu thống” khiến hai mắt mờ hẳn đi…

Trước giây phút vĩnh biệt, anh Hoàng Văn Thụ đã nêu cao dũng khí bất khuất, kiên trung của người Cộng sản. Anh gửi cho chị Vân một lá thư động viên giữ gìn sức khỏe, thay anh tiếp tục cuộc đấu tranh trong tù, trả thù cho anh và vững bước trên con đường cách mạng đấu tranh giành độc lập cho nước nhà. Đặc biệt trong đó có bài thơ “Nhắn bạn” nổi tiếng không chỉ dành riêng cho chị:

Việc nước xưa nay có bại thành

Miễn sao giữ trọn được thanh danh

Phục thù chí lớn không hề nản

Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành...”.

Khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đoàn thể bố trí cho chị Vân và một số anh chị em tù Hỏa Lò vượt ngục. Phạm Thị Hiền được gia đình giao đưa chị Vân về ông lang làng Đậu Xá (huyện Nam Trực - Nam Định) chữa trị mất gần 3 tháng.

Bệnh thuyên giảm, đoàn thể cho người chị về đón lên Hà Nội làm nhiệm vụ. Để khỏi bị lộ, tổ chức Đảng bố trí chị Nguyễn Thị Huyền và chị Phạm Thị Hiền giúp việc, cùng chị Phạm Thị Vân giả như một nhóm đi buôn bán, tuyên truyền, vận động cách mạng chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Nhà báo lão thành Hoàng Tùng (nguyên Bí thư Trung ương Đảng),  nay ở độ tuổi ngoài 80, vẫn còn nhớ khá rành rẽ về thành ủy viên Phạm Thị Vân lúc đó mới 24 tuổi được giao phụ trách một số huyện ngoại thành kiêm Bí thư Phụ vận Bắc Bộ: ông kể lại: “Cô ấy anh dũng và sắc sảo lắm. Là con gái thành thị nhưng không thuộc dạng tiểu thư”; “Lúc ấy Ban thường vụ Trung ương Đảng có Tổng Bí thư Trường Chinh, anh Hoàng Văn Thụ và anh Hoàng Quốc Việt.

Anh Chinh và anh Việt thay mặt tổ chức công nhận tình yêu đã đính ước của hai người. Đôi ấy họ yêu thương nhau lắm. Sau khi anh Thụ hy sinh, cô Vân xin được ghép họ hai người thành tên – “Phạm Thị Hoàng Ngân, thường gọi là Hoàng Ngân (tình yêu và dũng khí cách mạng của Hoàng Văn Thụ chẳng đã mãi ngân vang đó sao?).

Sau này Hoàng Ngân luôn nhận là vợ anh Thụ. Cách mạng Tháng 8/1945 mới thành công, giữa bộn bề công việc, chiều Chủ nhật nào người ta cũng thấy một cô gái mặc áo cánh đen, quần đen, khoác nón, hương  hoa phủ phục tâm sự bên ngôi mộ Hoàng Văn Thụ ở Tương Mai”. Rồi ông nhắc: “Thái Nguyên nên tạc một bức tượng đá hoa cương đặt trên di tích lịch sử đồi Hoàng Ngân ở ATK Định Hóa”.

Hoàng Ngân được bầu làm Bí thư Đảng Đoàn và Bí thư Phụ nữ cứu quốc Việt Nam (10/1947). Năm 1948, chị là người sáng lập tờ báo Phụ nữ Việt Nam và kiêm nhiệm Tổng biên tập đầu tiên của báo.

Là lãnh đạo trẻ, xông xáo, dày dạn kinh nghiệm, giỏi giang, Hoàng Ngân đưa hoạt động của phụ nữ cứu quốc Việt Nam lên tầm cao mới. Gia đình rất mong chị lấy chồng, chị tâm sự với em gái Phạm Thị Hiền: “Cứ nghĩ tới anh Thụ là mình không thể nhận lời ai được”.

Sau đó Hoàng Ngân đi dự Hội nghị Phụ nữ tại Trung Quốc. Trên đường về bị địch phục kích bắn bị thương nặng, vậy mà Hoàng Ngân không chịu rời công việc để đi chữa trị dứt điểm. Chị bị sốt rét rừng hành hạ, vết thương tái phát. Chị em cáng Hoàng Ngân 15 km sang y xá Trần Quốc Toản (nay là bệnh viện quân đội 354) tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ. Chị hy sinh lúc 17 giờ ngày 17/7/1949.

Ông Phạm Trung Long cùng Phạm Thị Hiền từ Hải Phòng lặn lội lên chiến khu Việt Bắc đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong một mái lán vầu cọ đơn sơ ở ATK - Định Hóa, ông Long được Chủ tịch Hồ Chí Minh chia buồn rất chí tình: “Gia đình ta mất đi một người con trung hiếu, Chính phủ mất đi một nữ cán bộ trẻ, thông minh, xuất sắc”...

Thương tiếc người con gái hy sinh mới 28 tuổi xanh, Bác Hồ đồng ý cho đổi tên quả đồi Pù Ngạm Ngà là đồi Hoàng Ngân. Một loạt các đội nữ du kích ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình xin được mang tên người anh hùng liệt sĩ – Hoàng Ngân.

Năm 1956, gia đình Hoàng Ngân cùng đại diện Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội lên xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ cùng Đảng bộ xã, nhân dân làm lễ truy điệu và đưa hài cốt chị về nghĩa trang Phùng Khoang (sau này khi có nghĩa trang Mai Dịch, mộ chị được quy tập về cùng phần mộ anh Hoàng Văn Thụ).

Năm 1955, Nam Định và Hải Phòng đều có đường phố mang tên Hoàng Ngân. Thái Nguyên có trường PTCS Hoàng Văn Thụ, nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ. Còn ở Lạng Sơn, ngay từ tháng 9/1945 đã có xã Hoàng Văn Thụ (nay đã kết nghĩa với phường Tương Mai  - Hà Nội nơi anh Thụ hy sinh năm 1944).

Chị Phạm Thị Hiền xin lập quỹ học bổng Hoàng Ngân do hội đồng hương Hải Phòng tại TP.HCM bảo trợ. Ngày 14/7/2003, Đảng, Nhà nước đã tổ chức lễ truy tặng Huân chương Độc lập cho Hoàng Ngân.

Hoàng Văn Thụ - Hoàng Ngân, họ thực sự là biểu tượng về một tình yêu tuyệt đẹp trong đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.