Theo báo cáo của các huyện, hiện nay Tuyên Quang có tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83% (trong đó tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành đạt 47%)
Đó là kết quả sau những nỗ lực của các cấp bộ, ngành tỉnh Tuyên Quang nhằm thay đổi hành vi vệ sinh nông thôn giai đoạn 2016-2020.
Trong chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả đầu ra giai đoạn 2016-2020, Tuyên Quang đã dự kiến lựa chọn ra 45 xã (trong 4 huyện) để phấn đấu đạt được danh hiệu vệ sinh toàn xã.
Đối với nhà tiêu hiện tại, có 142.407 hộ có nhà tiêu trong đó tỷ lệ số hộ có nhà tiêu hai ngăn: 11%; nhà tiêu tự hoại: 47%; nhà tiêu 01 ngăn: 22%; nhà tiêu thấm dội nước: 4,48% còn lại là các nhà tiêu khác. Tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh: 38%.
Các Trung tâm Y tế huyện vẫn thường xuyên duy trì hoạt động tuyên truyền, tổ chức tập huấn vận động hướng dẫn nhân dân các mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tiêu mẫu cho một số hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách...
Cùng với nhân dân tự bỏ vốn xây dựng, hàng năm Tuyên Quang có khoảng 1.500 nhà tiêu được xây mới, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân khu vực nông thôn của tỉnh.
Trong các trường học, Tuyên Quang đã triển khai phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: chương trình kiên cố hóa, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010, nguồn nước sạch và các công trình vệ sinh trong các trường học đã được cải thiện đáng kể.