Tình trạng khẩn cấp ở Myanmar: 5 điều để bạn hiểu thêm về cuộc khủng hoảng hiện tại

HHT - Cuộc khủng hoảng ở Myanmar đang khiến cả thế giới phải chú ý. Vậy tình trạng khẩn cấp này bắt nguồn từ đâu?

Quân đội Myanmar vừa công bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm và một vị tướng đang là quyền Tổng thống, sau khi bà Aung San Suu Kyi và một số nhân vật cấp cao khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bị bắt giữ.

Phía quân đội nói, họ sẽ tổ chức một “cuộc tổng tuyển cử công bằng và tự do” sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc. Việc này xảy ra sau khi quân đội Myanmar đe dọa “sẽ có hành động” vì cuộc bầu cử mà họ cho là có gian lận. Cuộc bầu cử này đã diễn ra vào tháng 11 và NLD của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng.

Ai nắm quyền ở Myanmar?

Tình trạng khẩn cấp ở Myanmar: 5 điều để bạn hiểu thêm về cuộc khủng hoảng hiện tại ảnh 1

Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Tomohiro Ohsumi/ Bloomberg.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, từng được trao giải Nobel Hòa Bình, lên nắm quyền sau khi thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 2015. Trước đó, bà đã bị quản thúc tại gia một thời gian dài, và nỗ lực đấu tranh vì một nền dân chủ đã khiến bà trở thành một biểu tượng quốc tế. Danh tiếng của bà ở quê nhà là rất lớn.

Còn quân đội - “kiến trúc sư” của Hiến pháp Myanmar 2008 - coi họ là lực lượng bảo vệ sự thống nhất quốc gia và Hiến pháp, có vị thế rất quan trọng. Được gọi là Tatmadaw, họ có 25% số ghế trong Quốc hội nước này và kiểm soát các bộ quốc phòng, nội vụ và biên giới.

Tại sao quân đội thách thức cuộc bầu cử?

Tình trạng khẩn cấp ở Myanmar: 5 điều để bạn hiểu thêm về cuộc khủng hoảng hiện tại ảnh 2

Bà Suu Kyi bỏ phiếu hồi tháng 11/2020. Ảnh: Aung Shine Oo/ AP.

Quân đội Myanmar cho rằng có những sự bất thường trong cuộc bầu cử hồi tháng 11, chẳng hạn có những cái tên trùng lặp trong danh sách bỏ phiếu ở nhiều nơi. Họ cũng không hài lòng với phản ứng của ủy ban bầu cử trước những khiếu nại của họ.

Quân đội không nói rõ rằng những bất thường đó có đủ để thay đổi kết quả bầu cử hay không.

NLD và các đảng khác phản ứng thế nào về cuộc bầu cử?

Tình trạng khẩn cấp ở Myanmar: 5 điều để bạn hiểu thêm về cuộc khủng hoảng hiện tại ảnh 3

Việc đếm phiếu được thực hiện hồi tháng 11/2020. Ảnh: Reuters, AFP.

Bà Suu Kyi chưa bình luận gì về chiến thắng của đảng mình trong cuộc bầu cử, cũng như về những thông tin từ phía quân đội. Nhưng NLD nói rằng, cáo buộc của quân đội là không có cơ sở, và bất kỳ sai sót nào trong cuộc bầu cử cũng sẽ không thay đổi kết quả.

Trong số hơn 90 đảng tham gia tranh cử, ít nhất 17 đảng đã than phiền về những sự bất thường - hầu hết là nhỏ. Nhưng các nhà quan sát cuộc bầu cử nói, việc bỏ phiếu đã diễn ra mà không có sự bất thường lớn nào.

Ủy ban bầu cử cũng nói, không có lỗi lớn nào ở mức độ có thể coi là gian lận hoặc khiến cuộc bầu cử không đáng tin cậy.

Phía quân đội nói gì?

Tình trạng khẩn cấp ở Myanmar: 5 điều để bạn hiểu thêm về cuộc khủng hoảng hiện tại ảnh 4

Phát ngôn viên của quân đội Myanmar, ông Zaw Min Tun. Ảnh: EPA.

Phát ngôn viên của quân đội, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, tổ chức họp báo vào tuần trước về các cáo buộc, nhưng không nói rõ về ý định của quân đội. Ông chỉ nói quân đội sẽ “hành động” và dùng tất cả những lựa chọn có sẵn, bao gồm cả Tòa án Tối cao. Vào cuối tuần trước, quân đội Myanmar nói họ sẽ bảo vệ và tuân theo Hiến pháp, hành động theo luật pháp.

Hiến pháp của Myanmar nói gì?

Tình trạng khẩn cấp ở Myanmar: 5 điều để bạn hiểu thêm về cuộc khủng hoảng hiện tại ảnh 5

Ông Min Aung Hlaing. Ảnh: en24news.

Hiến pháp nói, tổng tư lệnh có thể lên nắm quyền nhưng chỉ trong những trường hợp rất nghiêm trọng, có thể gây ra “sự tan rã của đoàn kết dân tộc và mất chủ quyền”, nhưng cũng chỉ trong tình trạng khẩn cấp, chỉ có thể được tuyên bố bởi Tổng thống dân sự.

Tổng tư lệnh, Tướng Min Aung Hlaing, tuần trước có nói rằng Hiến pháp là “luật mẹ của tất cả các luật”, và nếu nó không được tuân theo thì nó nên bị thu hồi. Ông cũng dẫn ra các trường hợp trước đây khi điều đó đã xảy ra ở Myanmar.

Hiện cộng đồng quốc tế đang rất chú ý đến tình hình ở Myanmar.
Tình trạng khẩn cấp ở Myanmar: 5 điều để bạn hiểu thêm về cuộc khủng hoảng hiện tại ảnh 6
Theo (Theo The Straits Times)
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm