Tình tiết lần đầu tiên công bố về vụ án Hương Cảng

Tình tiết lần đầu tiên công bố về vụ án Hương Cảng
Một nhà sử học tình cờ phát hiện ra 4 tập sách viết trên giấy học sinh, dài 125 trang, nhan đề “Vụ án Hương Cảng” của tác giả Lê Tư Lành – một trí thức say mê nghiên cứu Lịch sử Đảng, nay đã qua đời.

Tiền Phong xin giới thiệu đến bạn đọc.

Tình tiết lần đầu tiên công bố về vụ án Hương Cảng ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gia đình luật sư Lô-dơ-by tại nhà khách Trung ương Đảng, Hà Nội, ngày 26/1/1960. Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, Phạm Yên chụp lại

Trong một bức thư gửi cố Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, tác giả Lê Tư Lành cho biết, ông đã bỏ ra gần chục năm sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ phỏng vấn nhiều người có liên quan để ghi lại nội dung chi tiết về vụ án nổi tiếng thế giới, vụ cảnh sát Hương Cảng bắt giữ Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc vào giữa năm 1931. Và đến năm 1977 thì tác giả Lê Tư Lành hoàn thành 4 tập nói trên.

Qua 4 tập của tác giả Lê Tư Lành, lần đầu tiên, chúng ta thấy vụ án được ghi lại một cách đầy đủ nhất với nhiều tư liệu và tình tiết mới mẻ, hấp dẫn, có giá trị cao về mặt lịch sử.

Gần đây, nhà nữ sử học nổi tiếng L. Bon-Tơn cũng đã trao tặng nhà sử học Việt Nam nói trên mấy ngàn trang tư liệu về vụ án này vốn được lưu giữ tại “Tối cao Pháp viện” Hoàng gia Anh mà nữ sử học mới khai thác được.

Đối chiếu với những trang tư liệu đó, nội dung 4 tập của tác giả Lê Tư Lành đều chính xác. Nhận được tin nhà Sử học nọ phát hiện ra 4 tập viết tay của tác giả Lê Tư Lành, ông Pôl Toóc (Paul Tagg), cháu ngoại của Luật sư Lô-dơ-bi ân nhân số một đã bào chữa thành công cho Tống Văn Sơ - đã ngỏ ý thiết tha xin được chuyển giao 4 tập đó để sử dụng cho một cuốn sách lớn sẽ xuất bản về vụ án này. Nhà sử học đã vui vẻ chấp thuận, song, do mới gặp tai nạn giao thông, cho nên ông Pôl Toóc chưa sang Việt Nam nhận được.

Được sự đồng ý của nhà sử học và người thân của tác giả Lê Tư Lành, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung 4 tập sách trên nhân dịp kỷ niệm 115 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do khuôn khổ báo có hạn, chúng tôi xin biên tập, rút gọn từ 11 chương còn 6 chương và thay đổi một số phụ đề cho hợp với không khí hành văn hiện tại.

Trước khi đăng, chúng tôi cũng đã tới gặp bà Nguyễn Thị Tình, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhờ kiểm chứng toàn bộ nội dung, tư liệu… xin trân trọng cảm ơn bà Giám đốc và Bảo tàng Hồ Chí Minh.

I- Hổ đói vồ mồi

… Mùa thu năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm về Hương Cảng để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Lần này, lãnh tụ lấy tên là Tống Văn Sơ. Sau ngày thành lập Đảng, đồng chí Tống đi công tác một số nơi rồi lại trở về Hương Cảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Bấy giờ tổ chức cách mạng của ta  đang ở nhà số 186 đường Tam Lung, đất  Cửu Long thuộc Hương Cảng. Đồng chí Tống ở đó cùng với các đồng chí Hồ Tùng Mậu, chị Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác cho tới đầu tháng 6 năm 1931, mọi việc cách mạng đều hoạt động bình thường không có dấu hiệu gì đáng e ngại.

Bỗng vào sáng sớm ngày 6/6/1931 đồng chí Tống còn đang rửa mặt đánh răng và một đồng chí nữa đang quét nhà thì thấy cửa bị đẩy mạnh và một lũ lố nhố kéo vào. Đi đầu là mấy cảnh sát người Anh, theo sau là vài ba tên tay sai. Tên chỉ huy tay cầm súng, miệng hét:

- Giơ tay lên! Đứng nguyên tại chỗ!

Bọn mật thám lục soát khắp mọi nơi: Sàn, trần, tường. Chúng cắt cả những bánh xà phòng xem có giấu lựu đạn hay chất nổ trong đó không. Chúng thấy có nhiều gạo, muối, củi, hỏi sao có ít người mà mua nhiều thế. Đồng chí Tống đáp rằng: Tuy có mấy chú cháu nhưng vì bận làm ăn, ít có thì giờ, cho nên phải mua nhiều một lúc.

Chúng khám rất kỹ và khá lâu, không tìm được tài liệu gì bí mật, liền dẫn “hai chú cháu” xuống đường. (Trong bức điện số 46 ngày 2/8/1931 của Tổng lãnh sự Pháp tại Hồng Kông G. Dufaure de la Parade gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp tại Paris, cho rằng Nguyễn Ái Quốc bị bắt và ra Tòa cùng với “cháu gái của ông ta là Li Sam tức Li Thị Tam. Theo một số tài liệu, thì “cháu gái” chính là Lý Phương Thuận lúc đó trên dưới 15 tuổi. Chú thích này là của PV).

Một chiếc xe bọc thép đã chờ sẵn gần đó. Bọn mật thám đẩy hai người lên xe, mỗi người một chỗ có mật thám kèm bên. Xe đóng kín cửa, tối om không biết chạy qua những đâu. Xe đỗ, lúc đó hai người mới biết nơi ấy là Sở Cảnh sát Hương Cảng. Chúng giam mỗi người một nơi cho tới ngày chúng đưa ra Tòa xét xử, bấy giờ hai chú cháu mới lại thấy nhau trên ghế bị cáo.

Trước đó, đồng chí Tống rất cảnh giác, việc thuê nhà cũng rất cẩn thận. Mỗi khi cần tìm một nơi để đặt Trụ sở, đồng chí Tống đưa ra mấy điều kiện:

Trước hết ngôi nhà định thuê đó phải ở góc phố để quan sát các mặt cho tiện. Được ngôi nhà ở góc phố rồi, phải cố thuê cho được phòng ở tầng gác thứ nhất trông ra mặt phố, vì ở vị trí đó mới có thể nhìn xa ra các mặt phố được và khi có việc biến thì chỉ xuống cầu thang là đến tầng dưới cùng rồi dùng cổng hậu mà thoát.

Nếu ở tầng gác quá cao, khi có việc biến xảy ra thì chạy không kịp. Được những điều kiện như thế rồi đồng chí Tống mới thuê. Khi dọn đến ở, đồng chí bảo căng một dây ở mặt trước phòng trông ra phố, trên đó phơi một cái khăn mặt làm ám hiệu.

Nếu thấy khăn phơi ở thế ngay ngắn, tức là trong Trụ sở không có chuyện gì; nếu khăn phơi ở thế không ngay ngắn, tức là có chuyện nguy hiểm, các đồng chí đến công tác không nên vào.

Và mỗi khi một đồng chí của ta muốn vào Trụ sở, người ấy phải giả làm khách qua đường đi ở hè phố bên kia, khi qua Trụ sở thì liếc mắt nhìn sang xem ám hiệu  có ở thế ngay ngắn mới được vào.

Mặc dù đã có những biện pháp giữ gìn bí mật và đề cao cảnh giác đến như vậy, đồng chí  Tống đã bị bắt một cách hết sức bất ngờ, không hiểu vì đâu bọn cảnh sát Anh ở Hương Cảng đã biết được địa chỉ đó.

Cho mãi đến những ngày gần đây điều bí ẩn này mới được đưa công khai trên báo. Theo bức điện đánh bằng mật mã của Toàn quyền Đông Dương René Robin đề ngày 6/5/1931, gửi Tô thuộc địa Pháp, chính quyền Đông Dương sở dĩ biết được địa chỉ của đồng chí Tống là do những vụ bắt bớ dây chuyền ở trong nước và nước ngoài, được Anh – Pháp chỉ huy.

Nguyên ngày 30/4/1931, mật thám Pháp ở Sài Gòn bắt một số người trong đó có Nguyễn  Thái là thư ký công đoàn Nam Kỳ và là xứ ủy Nam Kỳ. Khi khám xét, chúng thấy đồng chí Thái mang một bức thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết tại Hương Cảng ngày 24/4/1931 gửi cho Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Đông Dương, báo tin sáu chiến sĩ cách mạng Việt Nam mới ở Liên Xô về Hương Cảng sắp sửa về nước để hoạt động.

Thế là nhờ có bức thư đó, thực dân Pháp ở Đông Dương đã biết được nơi hoạt động và cư ngụ của Nguyễn Ái Quốc là Hương Cảng nhưng chưa biết đích xác  ở khu phố nào, số nhà bao nhiêu, chúng liền tăng cường sự  dò xét và giăng bẫy.

Nguyên  vào tháng 3/1931,  một Ủy viên Quốc tế Cộng sản tên là Giô - dép  Duy–cơ-ru (Joseph Ducroux), người Pháp, lấy bí danh là Xéc-giơ Lơ-phơ-răng (Serge Lefranc) làm thanh tra Đệ tam Quốc tế đi kiểm tra phong trào ở vùng Đông Nam Á.

Lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc là một phái viên của Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, phụ trách vụ Đông Nam Á có trụ sở tại Hương Cảng. Đồng chí  Lơ-phơ-răng tìm gặp đồng chí Nguyễn, hai người làm việc với nhau, rồi theo sự chỉ dẫn của ông Nguyễn, Lơ-phơ-răng đến công tác ở Nam Kỳ rồi ra Bắc Kỳ và tiếp tục hành trình trong vùng Đông Nam Á. 

Khi tới Tân-Gia-Ba (Singapore) ngày 1/6/1931 thì Lơ-phơ-răng bị cảnh sát Anh ở đó bắt giữ. Bọn Mật thám Anh khám xét hành lý của Lơ-phơ-răng thì phát hiện ra những tài liệu tuyên truyền của Đảng Cộng sản Mã Lai (Malaixia).

Bọn chúng liền đưa ông ra Tòa án Tân-Gia-Ba xét xử về tội “Phá rối an ninh quốc gia” cộng với tội giả mạo căn cước, Tòa án Tân-Gia-Ba đã xử phạt Lơ-phơ-răng 8 tháng tù.

Song, điều tai hại nhất trong vụ này là mật thám Anh đã biết được địa chỉ của Nguyễn ái Quốc do Lơ-phơ-răng ghi trong đống giấy tờ của mình. Chính quyền Tân-Gia-Ba liền báo cho chính quyền Đông Dương địa chỉ của Nguyễn Ái Quốc ở Hương Cảng.

Ngay lập tức, toàn quyền Đông Dương René Robin đã điện cho chính quyền Hương Cảng nhờ bắt hộ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng thời, phái đến Hương Cảng một tên thanh tra mật thám của Sở Mật thám Đông Dương để cùng với lãnh sự Pháp tại Hương Cảng theo dõi vụ này.

Địa chỉ của ông Nguyễn đã biết, việc bố trí đã xong, cảnh sát Anh ở Hương Cảng liền tiến hành bắt ông Nguyễn vào sáng sớm 6/6/1931 như trên đã trình bày. Với những bằng chứng cụ thể đó, việc câu kết giữa hai đế quốc – thực dân Pháp – Anh trong việc truy bắt lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là quá rõ ràng.

MỚI - NÓNG