Theo ông Hồ Văn Tiến - Chánh văn phòng UBND tỉnh, nhiều năm qua theo quy hoạch, vịnh Vũng Rô không được nuôi trồng thủy sản, nhưng lại vẫn cấp phép cho người nước ngoài hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm hùm, cá mú tại đây.
Phòng hậu cần (BCH Quân sự Phú Yên) đã ký hợp đồng cho Cty TNHH Thuận Hoàng (có chuyên gia nước ngoài hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản) diện tích 2 ha mặt nước từ bãi Lau đến giáp mũi La nằm về hướng Đông cảng cửa khẩu Vũng Rô trong 5 năm (2009-2013) với giá 20 triệu đồng/năm.
Giám đốc Cty Thuận Hoàng, bà Bùi Thị Bích Ly, thừa nhận: “Sau khi ký hợp đồng chúng tôi đã bỏ xuống 111 lồng nuôi cá mú và có người nước ngoài đến hướng dẫn kỹ thuật”. Thực tế qua kiểm tra, tất cả các “chuyên gia” hướng dẫn kỹ thuật người Đài Loan, Trung Quốc, làm việc ở Vũng Rô chỉ có giấy phép của UBND tỉnh, chứ không có giấy phép lao động của Sở LĐ-TB&XH.
Nhiều doanh nghiệp như DNTN Vĩnh Tín thả nuôi 207 lồng cá, Mỹ Ngọc 116 lồng, Thuận Hoàng 75 lồng…có doanh thu hàng trăm tỉ đồng/năm, mà không đóng thuế cho địa phương, không nộp phí môi trường, tự do nhập cá giống, thức ăn, xuất bán và xả thải ra môi trường...? Các doanh nghiệp trên chủ yếu thuê lao động là người miền Tây với mức lương thấp, không ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm y tế.
Mười đơn vị phải nhận khuyết điểm
Theo người phát ngôn UBND tỉnh Phú Yên - ông Hồ Văn Tiến, có đến 10 đơn vị phải nhận khuyết điểm sau sự việc này.
Cụ thể: BCH Quân sự tỉnh được tỉnh đồng ý cho phép chuyển một số lồng nuôi cá tôm tại các bãi ngang tạm thời chuyển vào vịnh Vũng Rô để vừa bảo vệ các công trình quốc phòng, kết hợp làm kinh tế, yêu cầu không được phát sinh cái mới. Nhưng từ năm 2009 Phòng hậu cần lại hợp đồng cho doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại đây, là trái chủ trương của tỉnh.
Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh với chức năng là quản lý nhà nước, an ninh trật tự vùng biển, biên giới trong đó có khu vực cảng Vũng Rô, nhưng trong thời gian dài đặc biệt là Trạm kiểm soát biên phòng Vũng Rô không kịp thời phát hiện, không kiểm tra và báo cáo kịp thời với BCH để tình trạng người nước ngoài lưu trú không đầy đủ thủ tục pháp lý trong thời gian dài.
Ngành nông nghiệp cũng không làm tròn trách nhiệm của mình để xảy ra tình trạng nhiều năm liền hàng loạt lồng bè nuôi tôm cá diễn ra trong khu vực cấm nuôi trồng thủy sản mà thiếu đôn đốc kiểm tra, xử lý.
Tiếp đến là ngành tài nguyên và môi trường, công an, UBND huyện Đông Hòa, xã Hoài Xuân Nam, Sở LĐ-TB&XH, Sở KH-ĐT…
Riêng Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan tham mưu tổng hợp của UBND tỉnh mà không làm tròn trách nhiệm tham mưu tổng hợp. Trong đó trực tiếp là Phòng Ngoại vụ đã dựa vào các văn bản được xem là không có cơ sở pháp lý, để ra các văn bản đồng ý cho phép các doanh nghiệp này được sử dụng người nước ngoài trực tiếp xuống Vũng Rô hỗ trợ kỹ thuật mà chưa có các văn bản tham mưu của các cơ quan tham mưu cấp tỉnh. Ra các văn bản chỉ đạo không chặt chẽ, không yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định pháp lý...?
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự, chỉ đạo: Thời gian tới tất cả các ban ngành, UBND các cấp phải trực tiếp kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo và cá nhân có liên quan; rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp, hộ cá nhân, gia đình nuôi trồng thủy sản trái phép trong vùng quy hoạch để có hướng xử lý, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả về cho UBND tỉnh xử lý.