Tình thế đến bao giờ?

Tình thế đến bao giờ?
TP - Mấy hôm nay, đi dọc đường Láng bỗng gặp hàng rào công trường thi công che kín dải đất trống kéo dài 4 km ven sông Tô Lịch. Cây xanh, thảm cỏ xanh rì sắp bị bê tông hóa, nhựa đường hóa, nhường chỗ cho xe cộ lưu thông.

Tiếc nuối! Tiếc nuối! Ngậm ngùi cho khoảng không gian xanh hiếm hoi còn sót lại giữa lòng thành phố. Thế nhưng, không lẽ ngay cạnh con đường chật chội tắc nghẽn suốt ngày lại để tồn tại dải đất trống “xa xỉ” đến thế sao? Vậy thì, việc chặt cây, xén hè làm đường âu cũng là điều dễ hiểu cho một giải pháp tình thế của một đại đô thị phát triển quá nóng, lại quá nghèo nàn về hệ thống giao thông công cộng, như Hà Nội.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa công bố 4 dự án xén hè phố, dải phân cách, di chuyển cây xanh để mở rộng lòng đường trên địa bàn, tổng chi phí từ ngân sách hơn 125 tỷ đồng, hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Nhớ lại, đây không phải lần đầu tiên Hà Nội cắt xén vỉa hè, trước đó là tuyến đường Chùa Bộc, rồi Phạm Ngọc Thạch và nhiều tuyến phố khác.

Đi làm hàng ngày qua phố Phạm Ngọc Thạch, nơi vừa xén xong hè để mở rộng đường thêm một vài mét, ngước nhìn những “ba lô”, “chuồng cọp” chi chít bên khu tập thể Trung Tự - Kim Liên dọc con phố này, chợt liên tưởng về một thời bao cấp khốn khó.

Nhà tập thể, tính cả phòng khách, phòng ngủ, bếp, toilet… nhõn ba bốn chục m2, con cái lớn lên rồi dựng vợ gả chồng, không cơi nới ba lô, chuồng cọp lấy chỗ đâu mà ở. Ngẫm ra, tình cảnh liên tục phải xén vỉa hè, chặt cây xanh để mở đường của Hà Nội bây giờ không khác gì việc cơi nới “ba lô”, chuồng cọp một thời. Đất chật, người đông, giao thông công cộng chưa có gì ngoài xe buýt, không xén đường, chặt cây lấy chỗ đâu mà đi.

Thế nhưng, sẽ đến lúc hết cả vỉa hè lẫn dải phân cách đủ rộng để mà xén. Với tốc độ xây nhà cao tầng dồn dập, mật độ tập trung dân số quá lớn như hiện nay, không biết các cơ quan chức năng của Hà Nội đã tính toán được những con đường xén vỉa hè này sẽ “cầm cự” được bao lâu?

Vậy nên, một Megacity tầm cỡ chục triệu dân như Hà Nội, đang rất cần một bàn tay quy hoạch và kiểm soát tốc độ phát triển một cách khoa học, bài bản nhất có thể. Bằng không, danh sách những con đường “đắt nhất hành tinh” do tiền làm đường 1 mà tiền đền bù giải tỏa 10, những con đường có hè phố mỗi ngày một bé lại vì bị cắt xén, những con đường không còn thảm cỏ cây xanh hay dải phân cách… sẽ vẫn tiếp được nối dài thêm.

Để trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố thông minh theo xu hướng tất yếu của thời 4.0, không thể cứ giải pháp tình thế, “cơi nới” và “cắt xén” mãi được. 

MỚI - NÓNG