Tinh thần Việt

Tinh thần Việt
TP - Báo chí thế giới có phần sửng sốt khi chứng kiến một người Việt vừa thắng trong cuộc đấu giá mua đứt một thị trấn nhỏ nhất và thuộc dạng lâu đời nhất lịch sử nước Mỹ.

Một thị trấn “khỉ ho cò gáy” vùng Tây hoang dã của Mỹ chỉ có 1 người ở, diện tích không bằng một cái sân bóng loại trung bình, trị giá chỉ 900 ngàn đô la, so với thế giới bao la và so với chính nước Mỹ khổng lồ, xét ra thật quá nhỏ bé.

Nhưng giá trị tinh thần của việc sở hữu thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, có mã vùng riêng trên bản đồ bưu chính, và ông chủ có quyền đặt tên mới cho thị trấn thì lại khác. Thế giới quan tâm chính vì điều đó. Hàng loạt hãng tin, truyền hình lớn của Mỹ và thế giới phấn khích đưa tin bài, hình ảnh, và hứa hẹn sẽ là chủ đề còn tiếp tục được chăm sóc. Điều mà những biệt thự nhiều triệu đô của người Việt ở những khu trung tâm sầm uất nhất nơi cường quốc này không thể có được.

Chúng ta đã đầu tư khá nhiều, huy động quy mô toàn xã hội để giành thêm một danh hiệu mà nhiều người còn bàn cãi cho một danh thắng vốn đã hai lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, thì cắm lá cờ tinh thần Việt trên bản đồ thế giới lại do sự âm thầm của chỉ một, hai cá nhân với chi phí khiêm tốn. Ông chủ mới người Việt của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ được biết không phải đại gia tên tuổi, cũng không phải người "chơi trội" hợm hĩnh như nhiều đại gia siêu xe, siêu đám cưới khác. Mà như tâm sự rất khôn ngoan của ông, rằng "sở hữu một thị trấn như Buford là bàn đạp về mặt tinh thần để chúng tôi xuất khẩu sang thị trường Mỹ những thương hiệu Việt Nam". Thương hiệu đó không chỉ là hàng hóa, mà chính là sự tự tin cho cộng đồng Việt khắp thế giới.

Thương hiệu của một doanh nghiệp cho đến một quốc gia đôi khi được quảng bá với hiệu quả bất ngờ như thế. Nhưng điều đó hẳn không đến từ sự ngẫu nhiên may mắn. Mà chắc chắn phải từ sự nhạy bén của nhà kinh doanh hòa trộn với ý thức công dân thường trực.

Ngẫm lại, lâu nay chúng ta thường bị mất nhiều hơn là được trên những sân chơi đa quốc gia. Có những thương hiệu lớn dày công gây dựng bị nước ngoài ngang nhiên chiếm đoạt do sự chủ quan, tự mãn của chủ sở hữu. Chưa kể việc liên tục xuất khẩu những hình ảnh "xấu xí" của người Việt, kiểu như hành vi một số bạn trẻ hôn ghế thần tượng đến từ xứ Hàn vừa mới đây.

Không quá nghiêm trọng hóa vấn đề, hãy cứ tạm coi việc sở hữu thị trấn hẻo lánh tận bên Mỹ chỉ là một "cuộc chơi" vui vẻ. Nhưng cuộc chơi đầy tinh thần Việt ấy đáng vì nể gấp nhiều lần thói đổ tiền mua vui chốc lát của không ít đại gia cho những chân dài, siêu xe, siêu cưới, để cuối cùng chỉ chuốc về toàn tai tiếng…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG