Tinh thần Việt dã

Ngô Văn Vinh trên đường chạy cự li 21km tại Việt dã toàn quốc và marathon báo Tiền Phong 2019
Ngô Văn Vinh trên đường chạy cự li 21km tại Việt dã toàn quốc và marathon báo Tiền Phong 2019
TP - Tôi gặp Ngô Văn Vinh ở vạch đích sau khi cậu vừa hoàn thành cự li 21km phong trào. Nhận huy chương của BTC, Vinh sau đó tìm chỗ nghỉ ngơi rồi kiên nhẫn xếp hàng ở khu vực khắc tên VĐV bằng lazer.

Chúng tôi chú ý tới Ngô Văn Vinh, bị tật bẩm sinh cả 2 tay, khi cậu từ chối được ưu tiên trong ngày xếp hàng đăng ký nhận áo bib từ BTC. Trong cái nắng gắt của Vũng Tàu những ngày này, Vinh muốn được đối xử bình đẳng như mọi “runner” phong trào khác tham dự giải Việt dã Tiền Phong.

Hôm qua, Ngô Văn Vinh đã hoàn thành cự li 21km phong trào với vẻ khá thoải mái. “Bình thường anh ạ, cứ kiên trì tập là sẽ chạy được thôi”-Vinh trả lời khi tôi hỏi có mệt không. Vinh 25 tuổi, đã tập chạy khoảng 2 năm nay và trong dịp cùng bố mẹ vào Vũng Tàu nghỉ ngơi, cậu tranh thủ đăng ký giải chạy báo Tiền Phong. Học công nghệ, ra trường và hiện đang làm nhân viên IT cho một công ty ở Hà Đông, đây là lần đầu Vinh dành dụm được tiền để đưa bố mẹ đi du lịch xa.

Việt dã toàn quốc và marathon báo Tiền Phong tổ chức lần đầu tiên năm 1958, trong bối cảnh miền Bắc giải phóng chưa lâu. Lão tướng Bùi Lương cứ kể mãi kỷ niệm những ngày đầu của giải, khi mọi thứ còn sơ khai. Thế rồi trong hành trình 60 năm, Việt dã ngày một phát triển hơn, và tới nay đã khẳng định được vị trí quan trọng đối với sự phát triển phong trào điền kinh Việt Nam. Hàng loạt những gương mặt xuất sắc đã được phát hiện, trưởng thành qua những mùa việt dã. Đó là Bùi Lương, Đặng Thị Tèo, Lưu Văn Hùng, Phạm Đình Khánh Đoan hay Trương Thanh Hằng, Nguyễn Thị Bình, Bùi Thế Anh…

Từ năm 2017, giải thay đổi lớn khi có thêm nội dung cho các VĐV phong trào tranh tài. Đây là sự điều chỉnh cần thiết trong bối cảnh phong trào chạy bộ phát triển mạnh hơn trong cộng đồng. Các chân chạy cần thêm những giải đấu để thử sức mình, và cũng là thêm động lực cho sự rèn luyện. Những tấm gương như Ngô Văn Vinh, có thể vượt qua nghịch cảnh để sống khoẻ, có ích, thực sự truyền cảm hứng lớn cho giới trẻ.

Như thế, Việt dã không chỉ dừng lại vai trò của một giải đấu đóng góp vào sự phát triển của thể thao đỉnh cao mà hơn thế, giải còn mang ý nghĩa cộng đồng sâu sắc. Từ đó, chúng tôi cũng ý thức được rằng cần phải ngày càng hoàn thiện hơn khâu tổ chức, để giải đấu thực sự “đạt chuẩn”, làm tốt vai trò của mình.

Tinh thần Việt dã ảnh 1
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.