Tinh thần Lục Vân Tiên

TP - Một vụ “bắt nóng” 6 tên cướp tại quận Bình Thạnh, TPHCM không chỉ gây chú ý bởi yếu tố “ly kỳ” như một vài tờ báo viết, mà còn cho thấy tinh thần chống tội phạm của TPHCM.

> Nhóm chém hiệp sỹ đường phố hầu tòa
> Hà Nội thí điểm lập câu lạc bộ săn bắt cướp

Sau khi vụ cướp xảy ra, màn rượt đuổi, vây bắt cướp “như trong phim” của cả nạn nhân Nguyễn Tâm (42 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cùng bà con phường 14, quận Bình Thạnh cùng công an sở tại được nhiều độc giả hoan nghênh nhiệt liệt.

“Nếu ai cũng truy đuổi bọn cướp đến cùng, không sợ chúng trả thù thì bọn cướp hết đường sống, phải trở về làm ăn lương thiện thôi”, hay “Nếu tinh thần này được phát huy ở khắp các địa phương của thành phố nói riêng và cả nước nói chung thì chắc chắn không còn đường cho bọn xấu lộng hành nữa.

Một người chẳng nên Lục Vân Tiên nhưng nhiều tinh thần nghĩa hiệp, quyết tâm xóa sổ bọn ngang ngược như thế này thì tôi tin chắc chúng ta đã có rất nhiều Lục Vân Tiên giữa thời này rồi”… là những cảm xúc của người dân khi hay tin về vụ bắt cướp.

Chuyện này gợi cho tôi nhớ lại một thời, có cảm giác một bộ phận nhỏ người tử tế, người tốt luôn sợ cái xấu, cái ác và lâu dần, trở nên hèn yếu trước những hành vi xấu vì sợ liên lụy, bị trả thù. Hồi ấy tôi mới học tiểu học. Trong lớp có một cậu học sinh lưu ban từ lớp trên, tuy đều là con nít nhưng đã nổi lên là tay “đầu bò đầu bướu”.

Nhà D, ở làng N, cách trường không xa. Và D, từ lúc còn bé tí, đã biết tập hợp những đứa thuộc dạng “dân anh chị” trong trường, hầu hết đều cùng làng, để bắt nạt các bạn khác. Ai dám chống lại thì sẽ lĩnh hậu quả: bị chặn đánh trên đường đến trường hoặc đi về nhà, bị cướp sách vở, đồ dùng học tập.

Đứa nào mách thày cô còn lĩnh hậu quả nặng nề hơn vì tụi côn đồ này không thiết học, chỉ thích quậy, và quan trọng là không thể dời trường đi xa cái làng của tụi thằng D. Học sinh trong trường, tự nhiên sợ thằng D và đồng bọn hơn sợ thầy cô, nghe lời chúng nó hơn giáo viên.

Sau này, khi đã lớn lên và ra đời, tôi cũng chứng kiến không ít lần người ngay phải ngậm miệng trước những hành vi xấu của người khác. Trên xe buýt, tàu hỏa, tôi đã chứng kiến không ít lần bọn trộm cướp ngang nhiên lấy đồ, móc túi, rạch túi người ta mà gần như cả xe, trừ nạn nhân, dù biết mà không ai dám ho he. Chắc ai cũng nghĩ, có tri hô lên, chưa biết có ai hưởng ứng không thì cái dao lam của thằng lưu manh kia đã bay đến mặt mình.

Trong bối cảnh ấy, sự xuất hiện của những hiệp sỹ bắt cướp ở Bình Dương đã như những đốm lửa thổi bùng tinh thần không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác của xã hội. Dù chuyện bắt cướp của các hiệp sỹ vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn thêm nhưng cũng cho thấy, đã đến lúc người tốt không thể làm ngơ, không thể run sợ trước kẻ xấu.

Cho đến nay, việc bắt cướp, hay nói khái quát là sự tham gia của người dân trong công tác phòng, chống tội phạm đã có thêm những khái niệm, nhận thức mới đặt ra cho cơ quan quản lý yêu cầu về những quy định mới cho hoạt động này. Khi tham gia phòng chống tội phạm, người dân cần được biết rõ quyền hạn, trách nhiệm cũng như giới hạn các hành vi.

Nhưng như tinh thần của chàng Lục Vân Tiên, việc người dân tham gia phòng chống tội phạm cần được xem là một lẽ tự nhiên và phải có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích. Vì đời vẫn đang cần có thêm những chàng Lục Vân Tiên.

Theo Báo giấy