Chủ tịch Hiệp hội nỗ lực tình nguyện thế giới:

Tình nguyện ở Việt Nam cần tăng chiều sâu

Hoạt động tình nguyện cần sự chung tay của toàn xã hội
Hoạt động tình nguyện cần sự chung tay của toàn xã hội
TP - Tiến sĩ Kang Huyn Lee, Chủ tịch Hiệp hội nỗ lực tình nguyện thế giới (IAVE) cho rằng hoạt động tình nguyện ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhưng chưa thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, cần gia tăng các chương trình tình nguyện chuyên sâu.

Mạnh nhưng chưa có chiều sâu

Ông đánh giá thế nào về hoạt động tình nguyện ở Việt Nam, điểm mạnh và điểm yếu?

Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời về thiện nguyện, “tương thân, tương ái”. Hiện nay, ở Việt Nam những phong trào tình nguyện xuất phát từ sự chỉ đạo của Chính phủ, T.Ư Đoàn phát triển rất mạnh mẽ. 

Đặc biệt là có sự kết nối sâu sắc giữa lãnh đạo trẻ tình nguyện với các nhà lãnh đạo hiện tại. Tuy nhiên để hoạt động này thực sự lan tỏa sâu rộng và tạo nên hiệu quả thiết thực thì phải bắt nguồn từ xã hội và kêu gọi được sự tham gia của toàn xã hội, của mọi tầng lớp nhân dân, chứ không riêng gì giới trẻ. 

Tôi thấy, hoạt động tình nguyện ở Việt Nam mới chủ yếu là người trẻ tham gia. Trong khi đây là hoạt động mang tính xã hội, vì thế cần phải có sự chung tay của toàn dân để cùng giải quyết các vấn đề nóng hổi đang đặt ra trong đời sống xã hội.

Làm thế nào để tập hợp được nhiều đối tượng tham gia?

Năm ngoái, tôi sang thăm Việt Nam 2 lần và gặp rất nhiều lãnh đạo tình nguyện trẻ. Họ chia sẻ với tôi rằng họ thường thiếu thốn về kinh phí và nguồn lực để thực hiện các chương trình thiện nguyện.

Tôi nghĩ một trong những yếu tố quan trọng nhất để thu hút nhiều đối tượng tham gia hoạt động tình nguyện là cần phải mở ra các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực quản lý cho các trưởng đội, nhóm tình nguyện. 

Khi được đào tạo bài bản những thủ lĩnh tình nguyện này trở về địa phương sẽ sáng tạo ra nhiều phong trào tình nguyện thiết thực, hiệu quả, gây dấu ấn sâu đậm trong cộng đồng. Chính những dấu ấn đó là động lực thúc đẩy cộng đồng tham gia. Nhưng hiện tại ở Việt Nam, vấn đề đào tạo kỹ năng cho lãnh đạo trẻ tình nguyện chưa được chú trọng.

Ngoài ra Trung tâm tình nguyện quốc gia Việt Nam đóng vai trò chủ trì tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo mang tầm cỡ quốc gia tập hợp các tổ chức, tập đoàn lớn, nhỏ cũng như cá nhân làm tình nguyện để cùng vạch ra các kế hoạch làm tình nguyện trong năm, tìm kiếm các giải pháp. Như thế vừa tạo sự liên kết gắn bó, vừa tạo sự phổ cập chuyên nghiệp trong cộng đồng tình nguyện.

Xây dựng tình nguyện chuyên nghiệp

Kinh phí để duy trì và tổ chức các chương trình thiện nguyện là một trong những vấn đề mà các tổ chức, CLB, đội, nhóm hay gặp phải. Ông có thể chia sẻ bí quyết gỡ khó?

Tình nguyện ở Việt Nam cần tăng chiều sâu ảnh 1

Tiến sĩ Kang Huyn Lee

Những tổ chức hoạt động mang tính xã hội ở bất kỳ nước nào trên thế giới dù nhiều hay ít đều gặp phải vấn đề liên quan đến tài chính. Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự sáng tạo, năng động và linh hoạt của thủ lĩnh tình nguyện. 

Ở tổ chức của tôi, chúng tôi huy động tài chính từ rất nhiều nguồn, đó là: Các dự án của nhà nước, dự án của các tập đoàn kinh tế, tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra, các tổ chức, đội, nhóm tình nguyện có thể tự mình tạo ra nguồn tài chính như: Mở các lớp đào tạo kỹ năng có thu phí, tổ chức sự kiện, sản xuất đồ handmade bán trong các hội chợ…

Theo ông để chuyên nghiệp hóa hoạt động tình nguyện cần những yếu tố gì?

Điều đầu tiên là cần gia tăng các hoạt động tình nguyện mang tính chuyên sâu có sự tham gia của các lực lượng chuyên ngành như: Bác sĩ, giáo viên, kỹ thuật viên máy tính… 

Xây căn nhà hay làm con đường nếu có lực lượng tham gia là những người có trình độ về lĩnh vực này, chắc chắn sản phẩm làm ra sẽ tốt hơn là những người “tay ngang”. Chúng ta nên thúc đẩy những người có trình độ cao tham gia trong một số lĩnh vực tình nguyện.

Thứ 2 cần tăng hiệu quả hoạt động quản lý tình nguyện. Đây là việc không đơn giản. Bởi quản lý hoạt động tình nguyện không giống như quản lý các hoạt động khác. Vì thế cần mở các lớp đào tạo, hướng dẫn quản lý hoạt động tình nguyện nhằm tạo sự chuyên nghiệp bài bản, tạo ấn tượng trong cộng đồng.

Khi sang Việt Nam tham gia đào tạo cho các thủ lĩnh tình nguyện về nâng cao năng lực quản lý hoạt động tình nguyện, ông nhắn nhủ điều gì với giới trẻ Việt Nam?

Các bạn trẻ nên có niềm tin vào giá trị của hoạt động tình nguyện. Vì tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp được đánh giá cao nhất hiện nay trên toàn thế giới. Nó góp phần rất lớn vào sự hòa bình, ổn định cùng sự phát triển của xã hội nói chung và sự trưởng thành của riêng mỗi cá nhân. Khi tham gia hoạt động tình nguyện chúng ta không chỉ rèn luyện bằng các kỹ năng cần thiết mà còn cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc, khi tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Những người tình nguyện chính là những người lãnh đạo thực sự của thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Sáng 11/4, tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia Vũ Minh Lý và Chủ tịch Hiệp hội nỗ lực tình nguyện Quốc tế (IAVE), Tiến sỹ Kang Huyn Lee đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Hai bên ghi nhớ việc tổ chức Hội nghị tình nguyện khu vực châu Á Thái Bình Dương IAVE lần thứ 15 - năm 2015 tại Việt Nam và Hội nghị thanh niên tình nguyện khu vực châu Á Thái Bình Dương dự kiến tổ chức tháng 10/2015 tới.

Dự kiến sẽ có khoảng 700 đại biểu đại diện các tổ chức tình nguyện trong nước và quốc tế tham gia, chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình tình nguyện trong sự kiện này nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tình nguyện ở các quốc gia, lãnh thổ. 

Nguyễn Hà

IAVE thành lập năm 1970, hiện có hơn 600 thành viên tại hơn 70 nước, với nhiệm vụ là cho phép các thủ lĩnh tình nguyện trên toàn thế giới đoàn kết với nhau để thúc đẩy, hỗ trợ và tôn vinh sứ mệnh tình nguyện. Hiện IAVE có hội đồng doanh nghiệp toàn cầu với sự tham gia của 50 công ty toàn cầu, mỗi năm họp mặt 2 lần.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.