Năm 2016 được Chính phủ chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp, trong đó ưu tiên hàng đầu là tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thanh niên Việt Nam khởi nghiệp. Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên, là người bạn đồng hành của thanh niên; nhằm khuyến khích, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, đồng hành, hỗ trợ các mô hình, ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, từ năm 2017 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã tổ chức và triển khai nhiều chương trình, nhiều cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên như: cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”, Đề án mô hình “Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”; “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, Chương trình “Hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho bí thư chi đoàn địa bàn dân cư phát triển kinh tế” v.v. qua đó thúc đẩy phong trào thanh niên Thanh Hóa khởi nghiệp.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tập trung chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh xây dựng các chương trình, triển khai các hoạt động cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, khơi nguồn ý tưởng sáng tạo của thanh niên mong muốn khởi nghiệp, đồng hành hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của địa phương về vấn đề khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay; tuyên truyền về các gương điển hình thanh niên khởi nghiệp thành công để thanh niên học tập, học hỏi kinh nghiệm; tuyên truyền thông qua các ấn phẩm sách, báo chí, qua các phương tiện truyền thông của đoàn như: website tuoitrethanhhoa.vn, chuyên mục “Tuổi trẻ Lam Sơn” - Đài PTTH Thanh Hóa, qua hệ thống mạng xã hội chính thống của đoàn...
Một trong những cách làm hay, hiệu quả mà các cấp bộ đoàn trong tỉnh đang triển khai đó là phối hợp tổ chức các diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành, lãnh đạo địa phương với thanh niên để giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của thanh niên về chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với thanh niên tiên phong khởi nghiệp. Thông qua diễn đàn, thanh niên còn được các doanh nhân thành đạt, mô hình kinh tế tiêu biểu trong và ngoài địa phương trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp đi đến thành công, qua đó tiếp thêm động lực cho thanh niên có mong muốn khởi nghiệp phấn đấu thực hiện. Các đơn vị cũng đã tích cực tham mưu cho Cấp ủy, Chính quyền thành lập, ra mắt Tổ tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cấp huyện nhằm tăng cường hoạt động hỗ trợ tư vấn chính sách, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp.
Với mong muốn ươm mầm, thúc đẩy, hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 – 2020”. Đây là cuộc thi được tổ chức 2 lần/năm, thí sinh lọt vào vòng chung kết được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và tiền thưởng để động viên thí sinh thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình. Tính từ năm 2017 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chủ trì tổ chức thành công 06 cuộc thi, thu hút hơn 1.000 ý tưởng của ĐVTN tham gia, Trải qua 6 cuộc thi, Ban Giám khảo đã chấm, chọn 6 giải nhất, 12 giải nhì, 18 giải ba và 24 giải khuyến khích. Trong đó có nhiều ý tưởng đạt giải đã được ứng dụng, triển khai thực hiện có hiệu quả và thành lập doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 04 ý tưởng xuất sắc nhận được sự đỡ đầu, tài trợ của 02 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đặc biệt công ty TNHH quảng cáo điện tử ABC đã được công nhận là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh…Từ thành công của cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ lựa chọn 04 ý tưởng tham gia cuộc thi techfest khu vực Bắc Trung bộ do Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức và có 01 ý tưởng đạt giải triển vọng; đồng thời lựa chọn các ý tưởng khả thi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức.
Mô hình rau Thủy canh phố ứng dụng công nghệ cao của bạn Lê Thùy Dung - TP Thanh Hóa
Nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ về vốn vay cho đội ngũ Bí thư Chi đoàn, Đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nguồn vốn 50 tỷ đồng “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”. Giai đoạn 2017 – 2020, BTV Tỉnh đoàn đã giải ngân 20 tỷ đồng nguồn vốn cho 275 dự án khởi nghiệp và 203 mô hình bí thư chi đoàn địa bàn dân cư phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa triển khai mô hình “Hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho bí thư chi đoàn địa bàn dân cư phát triển kinh tế”, với nguồn vốn ban đầu 500 triệu đồng trong năm 2019 và dự kiến bổ sung nguồn vốn trong những năm tiếp theo. Bước đầu các dự án, mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thanh niên tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, hiện nay Thanh niên khởi nghiệp phần lớn gặp không ít trở ngại khi bắt tay vào thực hiện các mô hình như: Hạn chế về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp nói chung, thiếu kinh nghiệm sản xuất, loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, cần vốn để đầu tư hoặc gặp khó khăn về các thủ tục hành chính để thực hiện. Tình trạng nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có chí hướng vươn lên làm giàu tại quê hương, muốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng thiếu vốn, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thanh niên Thanh Hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh tập trung triển khai, thực hiện các hoạt động như sau:
Một là: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, đặc biệt là chính sách ưu đãi, các chương trình khuyến khích, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Trung ương, của tỉnh và địa phương đến đông đảo đoàn viên thanh niên. Tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, của cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội của Đoàn – Hội.
Hai là: Tăng cường công tác phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức triển khai đào tạo kiến thức cơ bản về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đối tượng là sinh viên và thanh niên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ba là: Định hướng hoạt động của Hội Doanh nhân trẻ trong việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân trên địa bàn toàn tỉnh; củng cố, phát triển tổ chức hội doanh nhân trẻ về quy mô, số lượng hội viên nhằm tăng cường mở rộng kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp trẻ.
Bốn là: Xây dựng và nhân rộng các mô hình: câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, tập hợp thanh niên cùng nhau hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích xây dựng các mô hình câu lạc bộ thanh niên giúp nhau khởi nghiệp tại các địa phương.
Năm là: Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, tăng cường phối hợp với các ban ngành đoàn thể, các tổ chức tín dụng tạo cơ chế, nguồn lực để hỗ trợ thanh niên thực hiện ý tưởng khởi nghiệp như: hỗ trợ tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức quản lý kinh tế, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên được tiếp cận với các chương trình, nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh.