Tình đàn

Tình đàn
TP - Tôi biết người Thái Trắng ở Phong Thổ, Lai Châu chỉ có một nhạc cụ độc nhất là cây đàn tính tẩu nhưng không biết rằng lại có một câu hát dân gian ngợi ca đàn bầu.

"Tính tẩu hai dây làm say mê rộng khắp. Đàn bầu dẫu chỉ một dây. Mới nghe một thoáng đã say lòng người..."

Những ngày gió mùa trên miền đất gió, khi nghe lão nghệ nhân Nông Văn Nhay ngân nga khúc hát này, tôi không khỏi ngạc nhiên.

Tôi biết người Thái Trắng ở Phong Thổ, Lai Châu chỉ có một nhạc cụ độc nhất là cây đàn tính tẩu nhưng không biết rằng lại có một câu hát dân gian ngợi ca đàn bầu.

Hoá ra, theo truyền thuyết xứ này, hai cây đàn đặc trưng của hai dân tộc Thái, Việt lại có chung sự tích.

Truyền thuyết xứ Mường So kể rằng khi nhặt được quả bầu gió ở suối Nậm Lùm, chàng mồ côi chỉ cắt lấy phần bầu to phía dưới, gắn thêm cái cần dài để làm gáo múc nước, phần còn lại của quả bầu thì bỏ xuống dòng suối.

Hàng ngày khi đánh cá về chàng thường treo tấm lưới lên đầu cần. Tình cờ, một đêm mất ngủ chàng nghe thấy những âm thanh lạ phát ra từ chiếc gáo. Hoá ra âm thanh ấy là do lũ côn trùng bay vào tấm lưới mắc trên cần gáo bầu tạo ra.

Thú vị, chàng trai mắc dây tơ lưới vào chiếc gáo và tạo nên chiếc đàn tính ba dây. Lại nói về phần trên của quả bầu mà chàng mồ côi đã thả xuống suối, nó trôi ra dòng sông Nậm Na, rồi ra tới sông Đà đi về miền châu thổ.

Dưới đó cũng có một anh chàng cô đơn. Chàng đang ngồi buồn bên bờ sóng thì thấy cái núm bầu xinh xinh trôi theo dòng nước. Chàng nhặt lên rồi chẳng biết dùng làm gì, chỉ đem về treo trong nhà.

Khi đó, cây đàn tính tẩu của chàng trai người Thái đã nổi tiếng khắp mường xa, bản gần. Cánh lái muối mỗi khi từ miền ngược trở về lại kể rằng những đêm trăng sáng, bên đống lửa bập bùng, những vòng xoè lại tưng bừng thung lũng.

Tình đàn ảnh 1
Em Nông Thị Nam với cây đàn tính tẩu do chính ông nội em làm ra

Và đêm xòe nào cũng không thể thiếu được cây đàn tính tẩu của chàng mồ côi, gái trai Thái cứ nghe tính tẩu là không kìm nổi tiếng hát bật ra… Nghe chuyện, chàng trai người Kinh quyết định mang cái núm bầu nhặt được tìm lên Mường So.

Tại đó, chàng mồ côi chỉ cho anh bí quyết làm đàn. Tuy nhiên, đàn làm xong mà chẳng có dây. Chàng mồ côi quyết định nhường bạn một sợi dây đàn của mình. Hai người hoà tấu suốt một tuần trăng và cùng thề sẽ cố gắng lưu truyền cây đàn đến muôn đời sau như một bằng chứng về sự gắn bó của hai dân tộc…

Chuyện kể đến đó, lão nghệ nhân Nông Văn Nhay chợt trở nên buồn bã. Dưới mái nhà chồ của ngôi nhà sàn cải tiến, lão trầm tư ôm đàn so dây cây đàn tính và cất giọng hát một bài dân ca rất buồn. Bài ca ấy hát bằng tiếng Thái, tôi nghe chẳng hiểu lời, nhưng tôi biết vì sao lão buồn.

Lão Nhay không biết mình có phải hậu duệ của anh chàng mồ côi xứ Mường So hay không, lão chỉ biết rằng đã ba đời nay nhà lão làm đàn và cho đến giờ lão là người duy nhất xứ này còn làm đàn tính tẩu. Những bản làng người Thái ngày nay vẫn có những hội xoè, nhưng cây đàn tính tẩu giờ không còn là nguồn âm chủ đạo.

Thay vào đó là cây đàn điện tử, hoặc tệ hơn cái đài cát-sét… Cây đàn tính người ta vẫn ôm nhưng không phải để đàn mà được coi như một đạo cụ biểu diễn. Có lúc bi quan, lão đã nghĩ, cây đàn tính sẽ mất. Tuy nhiên, không phải bao giờ lão cũng buồn như thế.

Với sự động viên của những người yêu đàn, lão tự thành lập một đội văn nghệ ở thị trấn Pa So. Những cô gái trẻ ban ngày lên nương, tối về tập đàn. Trong bộ áo cóm, dưới ánh lửa hồng, họ làm sống dậy niềm tin của lão về sức trường tồn của văn hoá dân tộc.

Cháu nội lão, cô bé Nông Thị Nam học lớp 12, nàng đang ước mơ trở thành bác sĩ và sống ở thành phố, nhưng mỗi khi ôm đàn, đôi mắt nàng dường như ánh lên nỗi khát khao khác hẳn, nỗi khát khao được hát với núi rừng.

Nỗi khát khao ấy giúp ông của nàng nghĩ đến lời giao ước của tiền nhân, và lão lại cặm cụi làm một cây đàn mới. Trong mảnh vườn nhỏ ở thị trấn Pa So, lão Nhay tự trồng một giàn bầu.

Đôi khi, hái một quả bầu, lão lại cắt phần nhỏ thả xuống dòng Nậm Nay và nghĩ về cây đàn một dây của người Việt. Không biết đàn bầu giờ có tịch tình tang…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.