Tình báo Mỹ thất bại trong chiến dịch giám sát IS

Máy bay do thám không người lái của Mỹ quần thảo trên bầu trời miền Bắc Syria.
Máy bay do thám không người lái của Mỹ quần thảo trên bầu trời miền Bắc Syria.
Giải trình trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ vào tháng trước, lãnh đạo Bộ Quốc phòng thừa nhận: Chiến dịch không kích không dẫn đến kết quả như mong muốn do tình báo Mỹ gần như không giám sát được IS.

Theo giải thích của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ, những đòn tấn công mạnh mẽ của Mỹ đã buộc IS phải thay đổi chiến thuật - đó là phân chia đội quân thành nhiều nhóm nhỏ, che giấu những thiết bị quân sự cồng kềnh và thay đổi phương pháp liên lạc trên mặt đất.

Một cựu quan chức tình báo Mỹ nhận xét: "Nếu có một lực lượng tình báo con người trên mặt đất thì chúng ta có thể theo dõi mọi sự di chuyển của IS một cách hiệu quả hơn". Cộng đồng tình báo và giới chuyên gia chống khủng bố Mỹ nhận định: IS cố gắng bảo đảm mạng lưới thông tin liên lạc của bọn chúng được bí mật tuyệt đối do lo sợ bị theo dõi thường xuyên.

Thực tế cho thấy, sau thời gian mở chiến dịch không kích dữ dội nhằm vào một số mục tiêu ở Syria và tiếp đến là Iraq, Mỹ vẫn chưa thể giết chết thủ lĩnh Abu Baghdadi do lỗ hổng thông tin tình báo. Lý do là tổ chức phiến quân kiểm soát rất chặt chẽ mạng lưới thông tin liên lạc, nhất là ở bộ phận đầu sỏ. Các kỹ thuật phản gián của IS tỏ ra khá hiệu quả khi chúng biết cách mã hóa thông tin và tuyệt đối không sử dụng điện thoại di động cũng như các thiết bị số.

Vấn đề gây đau đầu cho NSA là IS tránh những giao tiếp kỹ thuật số mà chỉ sử dụng người đưa tin để chuyển tải thông tin liên lạc.

IS còn biết cách mã hóa những thông tin liên lạc cũng như sử dụng một số công cụ để tránh né một cách hiệu quả mạng lưới tình báo tín hiệu (SIGINT) của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Trong khi đó, Mỹ thiếu hẳn lực lượng tình báo con người trên mặt đất ở Syria, còn chiến dịch do thám trên không cũng có giới hạn. IS sử dụng một dịch vụ đặc biệt thường xuyên xóa bỏ những thông điệp gửi đi qua đường truyền Internet cho nên tình báo Mỹ gần như không thể giám sát được.

Ngoài ra, IS còn tận dụng FireChat - một ứng dụng cho phép người dùng gửi thông điệp cho nhau mà không cần phải kết nối Internet! Vấn đề đang được bàn cãi giữa các quan chức an ninh, tình báo Mỹ là tại sao IS có thể nắm được và vô hiệu hóa được các phương thức do thám thông tin liên lạc của tình báo Mỹ. Trong thời buổi công nghệ phát triển, thông tin được tiết lộ công khai đầy rẫy về những chiêu thức, mánh khóe do thám, truy tìm khủng bố của giới an ninh và tình báo Mỹ.

IS được cho là đã quá quen thuộc với hoạt động do thám và trò chơi phản do thám. Những thông tin tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng về phương thức bẻ khóa để nghe lén điện thoại di động và đọc trộm các thông điệp giao tiếp trên mạng Internet đã giúp cho các chỉ huy IS vạch ra được phương án đối phó hiệu quả. Nhờ đó IS luôn đi trước tình báo Mỹ một bước, chủ động mã hóa các giao tiếp riêng.

Năm 2007, NSA giám sát được mạng máy tính và điện thoại di động của các thành viên tổ chức Al-Qaeda ở Iraq (AQI - được coi là tiền thân của IS). Nhưng phương pháp này không áp dụng được ở Iraq và Syria trong tình hình hiện nay. Christopher Harmer, chuyên gia phân tích Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cho biết: "Ngày dễ dàng tấn công IS nhất chính là vài ngày đầu tiên mở chiến dịch không kích". Lúc đó, phi công Mỹ biết đích xác các vị trí chỉ huy và kiểm soát cũng như kho vũ khí của IS. Nhưng sau đó, IS khôn ngoan cho chiến binh trà trộn vào những khu dân cư, không còn sử dụng điện thoại di động hay phương tiện liên lạc bằng radio và bắt đầu tổ chức hệ thống chỉ huy phân tán mỏng.

Trước bức tường che chắn kiên cố của IS, tình báo Mỹ buộc phải chuyển sang giám sát thông tin liên lạc giữa các quan chức chính quyền Syria để lắng nghe họ nói gì về IS. Hiện tình báo Mỹ vẫn chưa rõ IS có sử dụng mạng TOR hay không. TOR là mạng cho phép người dùng che giấu vị trí của mình và giao tiếp trực tuyến ẩn danh, từng được các nhóm nổi dậy ở Syria sử dụng để lật đổ chế độ Bashar al-Assad.

Theo một cựu quan chức Mỹ, chính việc tiết lộ hàng loạt hồ sơ mật NSA của "người thổi còi" Edward Snowden đã giúp cho IS nắm được những kỹ thuật gián điệp và từ đó IS trở nên cẩn thận hơn khi liên lạc với nhau. Christopher Ahlberg - CEO của Recorded Future, công ty phân tích dữ liệu được cộng đồng tình báo Mỹ đầu tư hỗ trợ - cho rằng, vào tháng 11/2013, tức trước khi Mỹ tiến hành chiến dịch không kích IS, tổ chức khủng bố này đã biết mã hóa thông tin liên lạc của bọn chúng để giữ bí mật. Chỉ trong thời gian gần đây, chiến binh IS mới được kêu gọi tránh đưa lên mạng xã hội bất kỳ thông tin nào có thể làm lộ các vị trí địa lý của chúng.

Tình báo Mỹ thất bại trong chiến dịch giám sát IS ảnh 1

Christopher Harmer, chuyên gia phân tích Viện Nghiên cứu Chiến tranh.

Một trở ngại khác lại phát sinh là việc không thể triển khai bộ binh trực tiếp tham chiến. Từ đó không có lực lượng để tiếp cận các mục tiêu do máy bay do thám và máy bay không người lái phát hiện, chỉ điểm. Các tay súng nước ngoài thường áp dụng các biện pháp thận trọng trong nhiều tháng, và với việc phải mất hơn 3 tháng kể từ khi phát động không kích IS Mỹ mới có cơ hội tiêu diệt al-Baghdadi nhưng vẫn không tiêu diệt được y, chứng tỏ IS đang kiểm soát rất chặt chẽ thông tin liên lạc, đặc biệt là trong các lãnh đạo cao cấp.

Các chuyên gia an ninh tin rằng giới lãnh đạo cấp cao của tổ chức này hoàn toàn không sử dụng điện thoại di động mà chỉ sử dụng hình thức thông tin cổ điển là dùng người đưa tin để chuyển những thông tin, mệnh lệnh từ chỉ huy cấp cao đến các cấp thấp hơn và ngược lại.

Mặc dù vậy tình báo Mỹ cũng có phần nào an ủi vì các phương tiện do thám trên không như máy bay tuần thám và máy bay do thám không người lái đã khiến cho hoạt động của các thành viên IS bị co cụm lại, hạn chế trong phạm vi hẹp để tránh bị phát hiện từ trên không. Giới chức an ninh Mỹ tin rằng, rốt cuộc thì các phần tử IS sẽ phải chọn một trong hai điều: Chấp nhận rủi ro để liên lạc với nhau, hoặc chấp nhận không thể phối hợp tốt vì không liên lạc.

Al-Baghdadi và những kẻ dưới trướng y đang chứng tỏ cho Mỹ thấy việc truy tìm và tiêu diệt y khó khăn như thế nào. Các lực lượng tình báo và an ninh Mỹ hầu như mù tịt về dấu vết nơi trú ẩn của al-Baghdadi và đám đồ đệ. Đó là vì IS không đơn thuần là tập hợp của các tay súng giết người man rợ, mà còn bao gồm cả những kẻ nổi loạn có trình độ kỹ thuật không thua kém các chuyên gia tình báo của Mỹ.

Không giống như trùm khủng bố Osama bin Laden, thủ lĩnh IS al-Baghdadi hiếm khi xuất hiện trước hàng ngũ chiến binh và càng hiếm có mặt trong các video công bố ra thế giới bên ngoài. Chính điều đó mà Abu Baghdadi cũng được gọi là "Sheikh vô hình". Chính quyền Mỹ đã treo giải thưởng 10 triệu USD cho bất cứ thông tin nào dẫn đến việc bắt giữ hay tiêu diệt thủ lĩnh IS lợi hại này.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.