Tính 2 mặt của dầu ăn

Vài thập kỷ qua, dầu thực vật đã đánh bật được mỡ khỏi bữa cơm nhiều gia đình. Nhưng, nếu hoàn toàn tin rằng chúng là giải pháp an toàn cho sức khỏe thì bạn đã lầm.
Ảnh minh họa: Internet

Khám phá kinh ngạc cho các tín đồ của dầu

Trải qua gần nửa thế kỷ, khi con người ngày càng bài xích mỡ động vật thì dầu ăn ngày càng được “trọng dụng”. Các công ty sản xuất không ngừng quảng cáo những tinh năng ưu việt của dầu như: không chứa cholesterol, bảo vệ tim mạch, tăng cường omaga-3… Người sử dụng dầu, dù không nhận biết hết lợi ích từ chúng nhưng hầu như ai cũng ngầm hiểu rằng, vì chúng chứa ít acid béo bão hòa hơn mỡ động vật nên chúng tốt cho cơ thể.

Tuy vậy, gần đây trên thế giới đã có không ít kết quả nghiên cứu khoa học “bật lại” tác dụng của dầu thực vật. Tại Úc, đất nước có đông số người bị thoái hóa điểm vàng ở mắt đã đổ lỗi nguồn gốc căn bệnh này là do dầu thực vật (đặc biệt dầu hạt cải).

Tiến sĩ Paul Beaumont (Úc), chuyên gia về mắt đã chỉ ra trong nghiên cứu rằng: “Những người ăn dầu thực vật có những bệnh thông thường gấp hai lần người không ăn”. Ông chỉ cho người dân nước này thấy rằng: “Bạn không dùng dầu thực vật chiên nấu nhưng nó có trong các loại bánh và chúng tác động lên mắt bạn”.

Những năm 2000, con số người mắc thoái hóa điểm vàng ở Úc lên tới 80.000 người đã buộc các chuyên gia y tế nước này lao vào những cuộc nghiên cứu nguyên cứu gây bệnh. Kết quả cho thấy, người ăn nhiều dầu thực vật có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3,5 lần người không ăn dầu. Chính vì vậy cả nước này đang rầm rộ phong trào cắt giảm dùng dầu thực vật để chống mù.

Gần đây, các phương tiện truyền thông Việt Nam cũng đăng tải ý kiến của nữ giáo sư dinh dưỡng Grazyna Cichosz (Ba Lan) đang cực lực lên tiếng chỉ trích mặt trái của dầu. Bà cho rằng: “Cách thức xào, rán, nấu thức ăn với dầu ăn sẽ gây ra chất rất độc hại cho con người, vì ở nhiệt độ cao dầu trở nên rất độc hại”. Trước những thông tin này, không ít người tiêu dùng Việt Nam hoang mang bởi chưa lúc nào người dân Việt chuộng dầu ăn bằng những thập kỷ gần đây.

Quay lại với mỡ?

Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng Việt Nam như PGS. TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm), PGS.TS Phan Thị Sửu (Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Thực phẩm)… đều cho rằng, dầu thực vật có nhiều loại, trong đó có những loại chưa tốt chứ không nên đánh đồng tất cả. Rõ ràng ưu điểm vượt trội của dầu ăn thường dùng là có lượng acid béo không bão hòa thấp hơn mỡ động vật. Chính vì vậy, trong khi xu thế “béo tròn” đang lan tràn toàn cầu thì việc dùng hạn chế mỡ động vật, đưa dầu ăn vào bữa cơm gia đình là hợp lý.

Mặt khác, những nguy cơ mà các nhà khoa học nước ngoài đưa ra chủ yếu đánh vào dầu hạt cải và dầu ăn sử dụng không an toàn (dầu đã chiên rán nhiều, dầu không sạch dùng trong thực phẩm fastfood). Do đó, theo bà Phan Thị Sửu thì việc dùng dầu hay mỡ, hay kết hợp cả hai sao cho an toàn luôn cần có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng thì mới chính xác.

Người có chứng cao huyết áp, tim mạch, mỡ máu… thì tốt nhất là kiêng mỡ động vật và chuyển sang dùng dầu. Còn những người khỏe mạnh bình thường thì không nên từ bỏ hoàn toàn mỡ. Tỷ lệ kết hợp dầu ăn và mỡ phù hợp sẽ là 2/1 hoặc 3/1. Đặc biệt với trẻ em thì các chuyên gia khuyến cáo nên tăng tỷ lệ mỡ so với dầu vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành tế bào não của trẻ.

Ảnh minh họa

Hãy là người nội trợ thông minh

Đồng thời với tỷ lệ hợp lý này thì người tiêu dùng phải biết “điều binh khiển tướng” những loại dầu thực vật mình có cho từng mục đích.

Thói quen dùng dầu ăn của người Việt Nam là dùng tất cả các loại để rán, chiên xào. Trong tủ bếp mỗi gia đình cũng thường chỉ có một chai dầu để nấu tất cả các món. Đó chính là yếu tố biến dầu ăn thành có hại. Bởi những loại dầu mè, dầu ô liu, ngô, hướng dương có độ gia nhiệt thấp nên khi chiên rán từ 180 độ chúng sẽ biến thành những chất không tốt cho cơ thể. Các loại này chỉ nên dùng để trộn salad, có thể trộn vào món nấu nhưng nhiệt độ không quá cao.

Dầu dùng cho chiên rán chỉ nên dùng dầu đậu nành, dầu cọ. Đồng thời, mức độ chiên đi rán lại các loại thực phẩm chỉ trên 1 lượng dầu cũ thì sẽ càng làm tăng nguy cơ độc hại của dầu. Nhất thiết, sau khi sử dụng, lượng dầu tồn dư phải được đổ đi, không nên tận dụng lại!

Theo Theo SKGĐ