Bỏ mặc quyền lợi, phục vụ sinh viên
KTX Mỹ Đình II được đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để phục vụ sinh viên, nhưng phần diện tích tầng 1 từ khi đưa vào hoạt động sai công năng, những tiện ích phục vụ sinh viên như nhà ăn, phòng Internet, phòng GYM… được cắt bỏ để cải tạo mặt bằng, chuyển nhượng, cho thuê giá chênh bát nháo.
Được biết, giá thuê phần diện tích tầng 1 tại các tòa nhà khu ký túc xá (KTX Mỹ Đình II) - nơi được xem là hiện đại nhất để phục vụ cho sinh viên đã được Thành phố Hà Nội ưu đãi.
Theo ghi nhận của PV, hiện ở toà nhà đơn nguyên 3, do công Công ty CP Đầu tư và Thương Mại 299 (gọi tắt là Công ty 299) quản lý vận hành đang tự ý xây dựng, sửa chữa tầng 1.
“Khi vào ở KTX bọn em được ban quản lý mời chào với hàng loạt các tiện ích như nhà ăn, phòng Internet, phòng GYM… nhưng thực tế vào ở thì không có. Như ở toà đơn nguyên 3 mình ở không có phòng ăn, trong khi KTX không cho nấu ăn trong phòng. Mỗi khi đi ăn cả phòng lại phải ra ngoài khu khác ăn”, L.T.Huyền, sinh viên ở toà nhà đơn nguyên 3 bức xúc nói.
Sở dĩ, xảy ra những bất cập trên là do việc cho thuê lại để thu tiền chênh lệch, việc sử dụng ở tầng 1 của các toà nhà cũng không đúng như thiết kế ban đầu đã làm công năng của toà nhà đảo lộn. Công năng toàn nhà, với các tiện ích được TP. Hà Nội phê duyệt để phục vụ sinh viên học tập, rèn luyện bị đảo lộn để phục vụ lợi ích cho các nhà đầu tư thu lợi.
Đơn cử, phần diện tích mặt bằng hơn 300m2 được cải tạo cho thuê kinh doanh, nay lại tiếp tục được cải tạo tiếp để làm siêu thị. Được biết, theo thiết kế ban đầu đây là mặt bằng được sử dụng được thiết kế để làm khu nhà ăn sinh viên.
Hiện ở KTX, hàng trăm m2 trong thiết kế ban đầu có nơi làm chỗ giặt là phục vụ sinh viên thì nay thành quán cà phê; phòng tập thể thao thì thành cửa hàng tạp hoá; khu dịch vụ văn phòng phẩm thì nay thàng quán cà phê và phòng internet…
Chẳng hạn, theo hợp đồng giữa Ban quản lý ký với Cty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội trên 700m2 sàn tầng 1 mỗi năm chỉ đóng cho nhà nước khoảng 600 triệu đồng. Điều đáng nói, các đơn vị này sau khi ký hợp đồng được giá thuê ưu đãi đã cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp bên ngoài thuê lại trong thời gian dài để hưởng giá chênh cao hơn nhiều lần.
Kinh doanh, giành giật, kiểu "xã hội đen" ở KTX hiện đại nhất
Theo phản ánh, từ lúc mới đi vào hoạt động, KTX Mỹ Đình còn xuất hiện hàng loạt quán cà phê trá hình là những hiệu cầm đồ, tín dụng đen.
Lý giải về việc mở tín dụng đen trong khu nhà ở của hàng vạn sinh viên, bà Đặng Thị Việt Hồng, chủ sở hữu các ki-ốt tại tòa nhà đơn nguyên 3 phân trần: Năm 2015, tôi thuê mặt bằng tầng 1 tại đơn Nguyên 3, thuộc khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II từ Công ty 299. Hai bên đã làm hợp đồng thỏa thuận thuê ki-ốt với các điều kiện thỏa thuận kinh doanh dịch vụ giải khát, nhà ăn, internet… thậm chí cả tín dụng trong khu ở sinh viên.
Trước đó, như Tiền Phong đã phản ánh, hiện ở KTX Mỹ Đình thường xuyên xảy ra tranh chấp, thậm chí xử lý kiểu “xã hội đen” đe dọa, cưỡng chế cắt điện, nước gây bức xúc.
Cụ thể ngày 28/8, bà Hồng cho biết, sau khi phản ánh các bất cập đang diễn ra tại KTX Mỹ Đình II, ki-ốt kinh doanh internet của bà bị một số đối tượng giả làm người cần sử dụng internet trà trộn vào quán, rồi sử dụng dao phá hoại hoạt động kinh doanh bằng việc cắt dây cáp, cắt chuột quang trên các máy tính, gây thiệt hại lớn.
Tiếp đó, tháng 11/2018, nhóm người lạ mặt hung hãn, xăm trổ lại tràn vào KTX, liên tục chửi bới, hăm doạ và tiến hành cắt điện và khóa tủ điện bằng những sợi dây cáp.
Nói về tình trạng giành giật mặt bằng kinh doanh ở khu KTX Mỹ Đình II, một cán bộ Ban quản lý các công trình và nhà ở công sở cho biết: “Mỗi đơn nguyên một nhà đầu tư ký hợp thuê với mỗi cách quản lý và vận hành khác nhau nên rất phức tạp, khó quản lý. Với lại, mức giá và hợp đồng kinh tế mỗi nhà đầu tư với bên ký cho thuê là khác nhau dẫn đến tranh chấp”.
Để làm rõ sự việc, PV báo Tiền Phong đã liên hệ với ông Mạc Đình Minh, Giám đốc Ban Quản lý các công trình và nhà ở công sở-hiện được Thành phố giao làm đại diện chủ đầu tư quản lý khu KTX này, vị này cho biết đã nắm bắt được thông tin, nhưng đề nghị PV phải liên hệ qua Sở Xây dựng Hà Nội.
Ngày 3/1/2018, phóng viên đặt lịch làm việc và liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội. Thế nhưng, hơn một tuần trôi qua, Sở Xây dựng không có bất cứ thông tin phản hồi nào về sự việc.