Tin hot giáo dục: PGS Bùi Hiền đăng ký bản quyền 'Tiếw Việt'

TPO - PGS Bùi Hiền đăng ký bản quyền 'Tiếw Việt'; Tranh cãi xung quanh 'bỏ cộng điểm ưu tiên vào lớp 10'; Nhiều đối tượng giáo viên mầm non được hưởng chính sách mới hay Hà Nội không soạn sách giáo khoa riêng cho chương trình phổ thông mới là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Tin hot giáo dục: PGS Bùi Hiền đăng ký bản quyền 'Tiếw Việt' ảnh 1 ác phẩm "Bài viết về Cải tiến chữ quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền được cấp chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Ảnh: NVCC.
PGS Bùi Hiền đăng ký bản quyền 'Tiếw Việt'

Sau khi công bố bản cải tiến tiếng Việt hoàn chỉnh, PGS.TS Bùi Hiền đã đăng ký quyền tác giả nghiên cứu của mình nhằm tránh các trường hợp xuyên tạc.

Ngày 29/12, Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cấp bản quyền cho "Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông.

Trao đổi với báo chí, PGS Bùi Hiền cho biết ông có ý tưởng xin cấp bản quyền cho nghiên cứu của mình sau khi biết phần mềm chuyển đổi tiếng Việt sang chữ cải tiến xuất hiện. Đặc biệt, nhiều người dùng chính kiểu viết mới để miệt thị ông, đồng thời xuyên tạc một số nội dung không hay.

"Tôi đăng ký bản quyền không phải vì sợ người khác chiếm hữu nghiên cứu của mình. Ngược lại, tôi hoan nghênh mọi người sử dụng chữ viết mới trong cuộc sống hoặc nhằm nghiên cứu khoa học. Tôi làm vậy chỉ để ngăn chặn những trường hợp sử dụng chữ cải tiến của mình với mục đích xấu", tác giả bản chữ "Tiếw Việt" nhấn mạnh.

Ông nói thêm sau khi báo chí đưa tin, một số người sử dụng bản chữ cái cải tiến để viết Truyện Kiều nhưng chỉ viết mấy câu đầu rồi xuyên tạc nội dung tiếp đó để chửi bới ông.
Vì thế, ngoài việc đăng ký bản quyền, tác giả Bùi Hiền cũng chuyển thể toàn bộ Truyện Kiều sang cách viết mới. Đây cũng là một phần trong việc tiếp tục hoàn thiện chữ quốc ngữ.

Tranh cãi xung quanh 'bỏ cộng điểm ưu tiên vào lớp 10'

Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD&ĐT mới công bố, việc cộng điểm khuyến khích tuyển sinh vào lớp 10 sẽ bị bãi bỏ. PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT trả lời về quy định điểm ưu tiên, khuyến khích trong tuyển sinh THPT.

Trao đổi với báo Tiền Phong, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết, dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7, theo đó, dự thảo bỏ quy định "Sở giáo dục và đào tạo quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích".(xem chi tiết tại đây)

Nhiều đối tượng giáo viên mầm non được hưởng chính sách mới

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP trong đó quy định rõ chính sách đối với 4 đối tượng giáo viên mầm non.

Cụ thể, giáo viên mầm non (bao gồm cả phó hiệu trưởng) làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập này nếu đủ tiêu chuẩn chức danh giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) trở lên thì được ký hợp đồng lao động và xếp lương ở chức danh giáo viên mầm non hạng IV, được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành như giáo viên mầm non là viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.(xem chi tiết tại đây)

Hà Nội không soạn sách giáo khoa riêng cho chương trình phổ thông mới

Hà Nội sẽ không chủ động soạn bộ sách giáo khoa riêng ở chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây mà dùng bộ sách Bộ GD-ĐT xây dựng và sẽ bổ sung thêm cho học sinh bằng những tài liệu bổ trợ.

Đó là thông tin được ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra tại Hội nghị Sơ kết học kỳ 1 năm học 2017-2018 cấp THPT diễn ra sáng 8/1.

Chia sẻ về những nội dung mà toàn ngành giáo dục Hà Nội sẽ tập trung trong thời gian tới tại, ông Dũng nói:

“Hà Nội tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chương trình, các bộ tài liệu bổ trợ cho các nhà trường. Khác với một số tỉnh có dự kiến xây dựng bộ sách giáo khoa mới, Hà Nội không chọn phải pháp đó mà sẽ sử dụng bộ sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT và tập trung việc xây dựng tài liệu bổ trợ thêm để dạy học song song. Ví dụ như bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh Thủ đô; bộ tài liệu giáo dục an toàn cho học sinh Hà Nội mà học kỳ 2 năm học này cũng sẽ triển khai ở các đơn vị. Ngoài ra cũng đang triển khai xây dựng đề án nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh Thủ đô”.

Như vậy Hà Nội sẽ dùng tài liệu bổ trợ thêm chứ không chủ động làm riêng sách giáo khoa.
“Chúng tôi xác định như vậy bởi trên chương trình chung sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT xây dựng thì những tài liệu này chúng tôi có thể chủ động triển khai để nâng cao năng lực cho học sinh. Ngoài ra cũng hạn chế việc lãng phí, tốn kém”, ông Dũng chia sẻ.

Để triển khai chương trình phổ thông mới được tốt nhất, ông Dũng cho hay, dự kiến ngày 20/1 tới đây Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến trên diện rộng với sự tham gia của tất cả ban giám hiệu các trường từ tiểu học đến THPT để thông qua chương trình chung và chương trình các môn học mới. Cùng đó để rà soát điều kiện chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất.

MỚI - NÓNG