Tin giả ngày càng tinh vi, khó nhận diện

0:00 / 0:00
0:00
Tin giả ngày càng tinh vi, khó nhận diện
TP - Vào đầu tháng 8, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt thông tin về một bác sĩ tên Khoa “rút ống thở của mẹ đẻ để nhường cho sản phụ song sinh”. Cơ quan chức năng vào cuộc và xác minh đây là tin giả. Câu chuyện trên là một trong hàng ngàn ví dụ về tin giả được lan truyền rầm rộ nhưng sau đó được Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam dán nhãn tin giả.

Muôn hình vạn trạng

Đi vào hoạt động từ tháng 1/2021, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tiếp nhận và dán nhãn tin giả cho hàng loạt thông tin được lan truyền chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube. Đây đều là những thông tin giả, tin không đúng sự thật nhưng gây chú ý và nhận được chia sẻ rầm rộ.

Đáng lưu ý, các tin giả xuất hiện trên mạng xã hội rất đa dạng về hình thức. Nhiều đối tượng tự xây dựng các fanpage giả mạo tổ chức, cơ quan nhà nước như fanpage Ban Tuyên giáo Trung ương, fanpage “Cảnh sát hình sự” giả mạo thông tin của Bộ Công an, fanpage của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, fanpage của Đài Truyền hình Việt Nam. Từ đó chia sẻ các thông tin không đáng tin cậy. Cũng có những thông tin giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về công tác chống dịch.

Nội dung thông tin giả mạo cũng xuất hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ thông tin kinh tế xã hội, an ninh quốc gia, trật tự xã hội, thông tin chỉ đạo điều hành đến y tế, giáo dục. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng, xuất hiện rất nhiều thông tin giả mạo liên quan đến dịch bệnh. Nhiều thông tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác chống dịch như việc lan truyền một hình ảnh xác chết cho rằng của các bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác nhận, bức ảnh được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar. Hay trên Facebook của một đối tượng loan thông tin sai sự thật “Quận 12 thông báo tiêm vắc - xin Trung Quốc, dân bỏ về hết”. Trong đó, đáng lưu ý nhất là thông tin giả về “Bác sĩ rút ống thở của mẹ đẻ để nhường cho sản phụ song sinh” gây chấn động dư luận.

Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Hậu, để giảm bớt tin giả, một phần rất quan trọng đến từ chính người dân. Khi quyết định chia sẻ một thông tin qua bất kỳ kênh nào, người dân hãy trang bị cho bản thân một sự phản biện lành mạnh và kiểm chứng thật kỹ bằng nhiều giải pháp như xuất xứ, nội dung, thời gian, nguồn cung cấp, độ phủ sóng. “Nếu thấy thông tin đó “hay tới mức khó tin” và “đúng như mình nghĩ”, thì hãy thật cẩn trọng”, thạc sĩ Hậu chia sẻ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Đình Hậu, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, bên cạnh những tin giả để mua vui, câu view, tăng tương tác bán hàng online thì ngày nay, việc phát tán tin giả với những mục đích xấu có xu hướng tăng và ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt là những tin giả nhắm mục đích đánh vào lòng tin của con người như các thông tin kêu gọi từ thiện, qua đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Những tin giả này được ngụy trang, khó nhận diện và gây ảnh hưởng lớn cho người dân, làm rối loạn trật tự xã hội.

Có thể xử lý hình sự

Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, hàng loạt đối tượng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên cả nước đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 101 của Nghị định 15 năm 2020, việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân cũng như việc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đại diện Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam cho biết, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, hành vi phát tán tin giả, tin sai sự thật cũng có thể xem xét xử lý hình sự dựa trên Điều 156 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt tù từ 3 tháng - 1 năm.

Trung tâm Xử lý tin giả khuyến cáo người dân không nên tin vào mọi thông tin được chia sẻ trên mạng mà hãy cảnh giác, đặt ra các câu hỏi và kiểm tra nguồn tin, ví dụ kiểm tra nhanh xem website đang theo dõi có thông tin liên hệ rõ ràng không? Đọc toàn bộ thông tin bởi tiêu đề có thể được giật tít giật gân nhằm thu hút người đọc, kiểm tra xem tác giả bài viết có đáng tin cậy không? Kiểm tra thời gian bởi nhiều tin tức đã cũ bị đăng lại, chưa chắc có liên hệ với sự việc hiện tại. Tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các nguồn tin tin cậy khi có nghi ngờ.

MỚI - NÓNG