Tin giả bủa vây, trách nhiệm các bộ, ngành ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Giữa những bủa vây thông tin giả như vậy, người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người "tiền mất, tật mang". Người tiêu dùng có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi, trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu?”, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi.

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận về Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một trong những vấn đề quan trọng là người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ hàng hóa.

Trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch, tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… Thậm chí, gần đây xuất hiện nhiều trang web giả mạo các bác sỹ giỏi, có tên tuổi để đánh lừa người dân.

Tin giả bủa vây, trách nhiệm các bộ, ngành ra sao? ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum)

Giữa những bủa vây thông tin giả như vậy, người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người "tiền mất, tật mang".

“Người tiêu dùng có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi, trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu?”, ĐBQH đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan.

Nội dung khác được quan tâm của dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi)là việc giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn tại tòa án. Dự thảo quy định một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn là khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng, tức là từ 101 triệu trở lên sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, từ năm 2015, khi xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự đã rất phân vân đối với vấn đề này, khi đó đã đề xuất giá trị giao dịch là 50 triệu hay 70 triệu đồng để được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, sau đó đã phải bỏ đề xuất này bởi không phù hợp với thực tế.

“Trong rất nhiều trường hợp, có khi giá trị tranh chấp chỉ là vài triệu đồng nhưng tình tiết thì rất phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, các bên không lập hợp đồng mà thỏa thuận miệng thì không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp.

Tin giả bủa vây, trách nhiệm các bộ, ngành ra sao? ảnh 2

ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp

Nhưng ngược lại có những vụ án giá trị tranh chấp lên đến vài chục tỷ đồng nhưng các bên lập hợp đồng rất rõ ràng, chặt chẽ và mỗi lần giao hàng đều có biên bản giao, nhận đầy đủ thì vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết”, bà Thuỷ cho hay.

Từ phân tích trên, ĐBQH kiến nghị bỏ điều kiện về giá trị tranh chấp và không nên hạn chế việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ vì giao dịch đó có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong khi tất cả những điều kiện khác đều được thỏa mãn điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn.

Về vấn đề này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, áp dụng thủ tục rút gọn, là để giải quyết nhanh vụ việc. Việc quy định con số 100 triệu đồng, theo một số đại biểu phản ánh là đang hạn chế quyền của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hòa Bình cũng đồng tình với quan điểm này.

Bởi theo ông, có những vụ việc lên tới 1 tỷ, 2 tỷ đồng nhưng rõ ràng, thỏa mãn điều kiện vẫn có thể giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Tin giả bủa vây, trách nhiệm các bộ, ngành ra sao? ảnh 3

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

Tuy nhiên, tham khảo kinh nghiệm thế giới, ví dụ như luật của Đức, tất cả các tranh chấp dân sự có giá trị dưới 5.000 Euro thì Tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm.

Nếu như giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, xong lại quay lại sơ thẩm thì chi phí của xã hội cho giải quyết một vụ án có quy mô nhỏ này còn lớn gấp nhiều lần giá trị tranh chấp là 1.000, 2.000 euro.

“Bảo vệ tranh chấp của người tiêu dùng là có quy mô dưới 100 triệu đồng thì có lẽ Ban soạn thảo cũng tham khảo kinh nghiệm thế giới”, ông Bình cho hay, và đề nghị nên đưa hai yếu tố vào giải quyết thủ tục rút gọn: Đáp ứng điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và các vụ việc có quy mô tranh chấp dưới 100 triệu đồng, quy mô quá nhỏ.

Chánh án ví dụ, người tiêu dùng bị xâm hại khi đi mua 1 chai mắm, chất lượng không đảm bảo, hay là hàng giả, có khi chỉ bị thiệt hại 10.000 đồng. “Chẳng ai đi kiện thiệt hại 10.000 đồng nhưng nhiều người sẽ bị như vậy, số lượng nhiều hơn”, Chánh án cho hay.

MỚI - NÓNG
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
TPO - Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước; trở thành biểu tượng của lòng yêu nước quả cảm, sức mạnh phi thường, mong muốn hoà bình và khát vọng cháy bỏng giành lại nền độc lập của nhân dân Việt Nam.