Người nghèo cần vốn là được vay
Kim Mỹ - vùng đất bãi ngang, ven biển của huyện Kim Sơn, đời sống kinh tế trước đây rất khó khăn, đồng bào theo đạo Công giáo chiếm 90% dân số của xã, tập trung ở các thôn 3, thôn 4, xóm Mỹ Hóa… Hiện hộ nghèo trong các gia đình giáo dân của xã Kim Mỹ đã giảm xuống còn dưới 10%.
Gặp Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Vũ Minh Thất ngay tại UBND xã Kim Mỹ, ông hồ hởi thông tin: “Ở vùng bãi ngang này, nhiều gia đình không có điều kiện nên cuộc sống khó khăn, nhưng nhờ vay vốn ưu đãi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên đã có nhiều gia đình có điều kiện để phát triển kinh tế, các cháu được ăn học đến nơi đến chốn. Nhiều gia đình trong tổ của tôi và trong xã có điều kiện để tăng gia sản xuất nên đời sống giờ khác lắm”.
Gia đình anh Vũ Văn Hưởng xóm 4, xã Kim Mỹ (Kim Sơn), năm 2008 tiếp cận nguồn tín dụng chính sách với tổng dư nợ 40 triệu đồng để cho hai con đi học (một cháu học Đại học Kinh tế quốc dân và một cháu Đại học Xây dựng). Anh Hưởng cho biết: “Hiện nay, các cháu đã tốt nghiệp ra trường, có công việc ổn định và giúp tôi trả hết số nợ ngân hàng, cuộc sống gia đình cũng không còn khó khăn, vất vả như trước đây”.
Còn hộ cận nghèo Phạm Văn Viễn, xóm 4, tháng 7/2015 được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đã đầu tư chăn nuôi lợn. Đến nay, số vốn vay từ NHCSXH đã sinh lời, đàn lợn hiện có 50 lợn thịt và 7 con lợn nái. Đời sống của gia đình đã vững vàng hơn trước, ranh giới ngưỡng nghèo không còn chênh vênh nữa. Anh chia sẻ: “Nếu không có sự trợ giúp đắc lực từ nguồn vốn ưu đãi mà chỉ có sự cố gắng, cần cù lao động của bản thân thì gia đình tôi khó có được cuộc sống đổi thay như ngày hôm nay. NHCSXH thực sự là người bạn quý với nông dân nghèo chúng tôi”.
Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà gia đình chị Trần Thị Dung, xóm Mỹ Hóa năm 2013 có điều kiện làm công trình nước sạch và công trình vệ sinh giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình. Cùng xóm với chị Dung, gia đình anh Lê Quang Hòa được tiếp cận 50 triệu đồng (năm 2016) vay vốn theo chương trình SXKD vùng khó khăn đầu tư làm đầm nuôi tôm sú và cua rèn. Ngoài ra anh còn nuôi thêm trâu, bò, và hươu lấy nhung cho thu nhập đến vài trăm triệu/năm.
Nhận xét về hiệu quả nguồn vốn chính sách, ông Đinh Công Huấn, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Kim Mỹ, cho hay: “Xã bãi ngang Kim Mỹ, hiện tại dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt 21 tỷ đồng/815 hộ còn dư nợ, trong đó: Hộ nghèo: 2,6 tỷ, cận nghèo 3,6 tỷ, mới thoát nghèo 700 triệu, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 5,7 tỷ; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2,6 tỷ, SXKD vùng khó khăn 4 tỷ; thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn 1,4 tỷ. Riêng dư nợ Hội Cựu Chiến binh quản lý đạt 8 tỷ, vốn tín dụng chính sách được phát huy hiệu quả giúp cho tổ viên trong tổ có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế”.
Luôn đồng hành với đồng bào nghèo
Với sự cố gắng nỗ lực của mỗi cán bộ, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao, NHCSXH huyện Kim Sơn đã dần trở thành nơi gửi gắm của những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mong muốn được vươn lên trong cuộc sống, thoát cái nghèo đã đeo bám trong suốt thời gian dài.
Ông Đặng Văn Thắng, Giám đốc NHCSXH huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho biết: “Kinh tế tại địa phương chủ yếu vẫn xoay quanh các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản,... Luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là “đồng hành với người nghèo trên mặt trận giảm nghèo nên ngân hàng xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai hoạt động đưa đồng vốn đến từng hộ gia đình nông thôn. Đến hết tháng 11/2016 tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt trên 336 tỷ đồng/15.451 hộ còn dư nợ. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05%”.
Từ đầu năm đến nay nhờ sự đầu tư của vốn tín dụng chính sách đã có khoảng 1.415 hộ thoát nghèo; hơn 1.951 hộ được tạo việc làm từ nguồn vốn chính sách; hơn 3.500 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới; giúp cho 1.335 học sinh sinh viên có tiền để trang trải cho việc học tập.
“Tín dụng chính sách thực sự đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đạt được kết quả trên có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành” - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn, Hoàng Văn Phương đánh giá.
Hiện NHCSXH huyện Kim Sơn có là 27/27 điểm xã, phường, thị trấn. Tại các điểm giao dịch, việc công khai các chương trình tín dụng ưu đãi, các chủ trương chính sách mới, bảng, biển hiệu, niêm yết dư nợ, dư tiết kiệm được thực hiện nghiêm túc. Tại buổi giao dịch Hội đoàn thể cấp xã làm công tác giám sát, hướng dẫn tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn hoàn thiện các thủ tục trước khi vào giao dịch với ngân hàng giúp cho việc giao dịch với khách hàng của ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng, các Hội đoàn thể nắm bắt tốt hơn hoạt động của các Tổ thuộc quản lý của Hội mình, người dân hiểu rõ ý nghĩa của đồng vốn nên sử dụng đều tính toán sao cho an toàn nhất.