Tin đồn nhảm về vắc-xin nở rộ ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
Tin đồn nhảm về vắc-xin nở rộ ở châu Á
TPO - Dù Gerry Casida nằm trong danh sách được ưu tiên tiêm phòng vắc-xin COVID-19 ở Philippines vì anh bị hen suyễn, nhưng Casida nói rằng anh không có ý định tiêm sớm sau khi xem một video trên mạng xã hội mà một phụ nữ trong đó nói rằng vắc-xin đang được dùng để diệt chủng.

“Tôi đã đọc rất nhiều thông tin trên mạng về số người chết ở các nước khác sau khi tiêm vắc-xin, và những thông tin đó bị che đậy như thế nào. Mẹ tôi cũng đã hỏi thầy lang, và thầy nói rằng vắc-xin có thể ảnh hưởng đến tim tôi”, Casisa, một công nhân 43 tuổi ở Manila, nói với Bloomberg.

Hàng triệu người như Casida tại những điểm nóng nhất về COVID-19 ở Đông Nam Á vẫn chưa muốn hoặc không định tiêm vắc-xin sau khi đọc những tin đồn nhảm trên mạng, làm suy yếu nỗ lực tiêm chủng cho những người dân dễ bị tổn thương nhất ở châu Á và chấm dứt đại dịch đang làm ngưng trệ kinh tế toàn cầu.

Dù có số tốc độ lây nhiễm nhanh nhất thế giới, những cuộc khảo sát gần đây cho thấy tình trạng lưỡng lự với vắc-xin rất phổ biến ở khu vực. Ở Philippines, có đến 68% người trả lời nói rằng họ không chắc chắn hoặc không sẵn sàng tiêm, theo kết quả khảo sát do công ty Social Weather Stations thực hiện. Một phần ba người Thái Lan hoài nghi hoặc từ chối tiêm, theo khảo sát của Suan Dusit Poll. Khảo sát ở Indonesia cho thấy gần 1/5 dân số lưỡng lự.

“Đó là một môi trường truyền thông ô nhiễm. Đại dịch thông tin giờ đã thay đổi, chuyển sang những thông tin sai lệch về vắc-xin nhằm reo rắc sợ hãi với người dân về vắc-xin”, Melissa Fleming, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc về truyền thông toàn cầu, nói trong một cuộc hội thảo trực tuyến hồi tháng 5.

Là quốc gia có nhiều người theo Công giáo, Philippines dễ ảnh hưởng từ các nhóm tôn giáo ở Mỹ. Một video trên mạng nói rằng những người tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ “mang dấu ấn của quỷ dữ”. Video này được hàng ngàn lượt xem. Một video bằng tiếng Anh được vài trăm lượt xem nói rằng vắc-xin khiến người tiêm nhiễm từ tính. Một thuyết âm mưu được lan truyền trên mạng nói rằng chip vi mạch được đưa vào vắc-xin để thu thập dữ liệu sinh trắc học.

Sự lưỡng lự của người dân sau khi tiếp nhận thông tin sai lệch về vắc-xin đang gây khó khăn cho các chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tiêm phòng cho 80% dân số nhằm đẩy lùi đại dịch. Gần như tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á đang vật lộn với một trận bão hoàn hảo: đại dịch bùng phát vì những biến chủng virus dễ lây lan hơn; tỷ lệ tiêm phòng thấp vì khó tiếp cận nguồn vắc-xin.

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin phải trấn an dư luận rằng vắc-xin không chứa vi mạch. Ông cũng bác bỏ thông tin nói rằng vắc-xin là một trong những công cụ để lập lại trật tự thế giới, Straits Times đưa tin.

Ngay cả ở Singapore, những người trẻ và có học thức cũng khó chống lại tin giả.

Cuối tháng 5, hàng chục bác sĩ Singapore gửi thư ngỏ chất vấn tính an toàn của vắc-xin mRNA, trong đó có ý kiến nói rằng vắc-xin sử dụng công nghệ này có thể thay đổi ADN của người tiêm. Thông tin này được lan truyền trên ứng dụng WhatsApp. Bộ Y tế Singapore phải lên tiếng, ra thông cáo nói rằng tất cả, trừ một người, trong nhóm bác sĩ này đã phải rút lại tuyên bố của họ.

Tình trạng lưỡng lự tiêm vắc-xin cũng có nguyên nhân là người dân chờ được tiêm loại vắc-xin họ thích, trong khi tình trạng khan hiếm nguồn cung đang xảy ra khắp toàn cầu. Tại Philippines, gần 50% người trả lời cuộc khảo sát đầu năm nay nói rằng họ tin tưởng vắc-xin của Mỹ, nhưng chương trình tiêm chủng ở Philippines chủ yếu dựa vào vắc-xin Sinovac. Tổng thống Rodrigo Duterte còn doạ sẽ bỏ tù những người từ chối tiêm vắc-xin.

Một số nơi khác có cách làm mềm mại hơn. Một huyện ở miền bắc Thái Lan tặng bò cho người dân hồi giữa tháng 6. Ở vùng nông thông Indonesia, những người đi tiêm được tặng gà. Một thành phố ở Philippines treo giải thưởng là ngôi nhà.

Các chuyên gia nói rằng giáo dục cho người dân, thậm chí cả bác sĩ, về vắc-xin là cách tốt nhất để dẹp bỏ tình trạng không muốn tiêm phòng.

Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG