Phao bè tự nổi của tàu Phúc Xuân 68
Sáng ngày 10/11, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải và ông Nguyễn Anh Vũ Tổng Giám đốc VNMRCC đã đi ra hiện trường tìm kiếm tám thuyền viên tàu Phúc Xuân 68, để tìm hiểu về điều kiện tìm kiếm, xem xét điều chỉnh phân bố lực lượng tìm kiếm, vùng tìm kiếm.
Ông Đinh Nhiên, thuyền trưởng tàu cứu hộ SAR 27-01 cho biết, tàu SAR 27-01 chỉ tìm được hai phao bè tự nổi (chỉ vớt một chiếc, thả trôi chiếc kia để quan sát hướng trôi) và một số phao áo và vật dụng của tàu Phúc Xuân 68.
Theo ông, giờ vàng cứu hộ đã qua, khả năng còn thuyền viên sống sót là rất ít. “Rất có thể nhiều thuyền viên tàu Phúc Xuân 68 không kịp rời tàu, hoặc rời tàu khi chưa kịp mang áo phao, bị hút theo tàu Phúc Xuân 68 khi tàu chìm”, ông Đinh Nhiên nói.
Ông Nguyễn Nhật chỉ đạo chuyển trọng tâm tìm kiếm về phía Nam vị trí tàu Phúc Xuân 68 bị chìm. Đã có những trường hợp tìm được thuyền viên còn sống sau 3 - 4 ngày xảy tai nạn, nên hy vọng vẫn còn, vẫn phải tích cực tìm kiếm.
Chiều ngày 10/11, ông Nguyễn Nhật và ông Nguyễn Anh Vũ đã hỏi chuyện thuyền trưởng tàu Nam Vỹ 69 Trần Văn Hải, sĩ quan boong tàu Nam Vỹ 69 Trần Văn Thắng và một số thuyền viên tàu này. Theo anh Trần Văn Thắng, trước khi xảy ra tai nạn anh trực ca, tàu Nam Vỹ 69 chạy với tốc độ 5 hải lý/giờ và phát hiện tàu Phúc Xuân chạy đối hướng khi hai tàu cách nhau 6 hải lý.
Khi cách nhau 4 hải lý, tàu Nam Vỹ 69 phát tín hiệu và gọi bằng VHF, đề nghị tàu Phúc Xuân 68 tránh sang bên phải, nhưng tàu Phúc Xuân 68 không trả lời. Khi hai tàu tới gần nhau, tàu Phúc Xuân 68 đột ngột đổi hướng, cắt ngang hướng tàu Nam Vỹ 69. Lúc đó tàu Nam Vỹ 69 chỉ có thể giảm tốc độ chứ không tránh được nữa… Sau cú đâm, tàu Phúc Xuân 68 chúi mũi xuống rồi chìm rất nhanh.
Ông Trần Văn Hải lệnh cho tàu Nam Vỹ 69 lùi ra để tránh bị hút chìm theo tàu Phúc Xuân 68. Theo anh Trần Văn Thắng, vùng xoáy tạo ra khi tàu Phúc Xuân 68 bị chìm xoáy rất mạnh, hút anh Hà Hồng Thái, máy trưởng tàu Phúc Xuân 68 xuống sâu, sau đó nhờ ôm phao nên anh Thái trồi lên được. “Dù đã lùi ra, nhưng tàu Nam Vỹ 69 vẫn bị hút chúi mũi xuống vùng xoáy”, anh Thắng nói.
Như vậy, theo lời kể của các thuyền viên tàu Nam Vỹ 69, có thể tai nạn xảy ra do lỗi của tàu Phúc Xuân 68. Tuy nhiên, một cán bộ Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cho rằng, đó mới là lời kể từ một phía, để kết luận nguyên nhân chính xác cần có sự điều tra cẩn thận, khách quan.
Thân nhân thuyền viên thuê thợ lặn đi tìm
“Qua những thông tin nắm được, tôi cho rằng hy vọng tìm thấy anh tôi còn sống chỉ còn nửa phần trăm”, anh Nguyễn Đức Loan, em trai anh Nguyễn Đức Khoa, thuyền trưởng tàu Phúc Xuân 68 nói. Anh Loan và 4 người thân có mặt tại Nha Trang từ nửa đêm 9/11, một số người thân nữa ở Thanh Hóa vào tới Nha Trang trong ngày 10/11, họ quyết tìm thuê thợ lặn để tìm thân nhân.
Anh Nguyễn Bá Khanh, anh trai của thủy thủ Nguyễn Bá Kha cũng cho rằng, có thể chuyện xấu nhất đã đến với anh Kha. “Cơ quan chức năng nói tàu chìm sâu, không thể lặn tìm kiếm, nhưng chúng tôi phải tìm cách đưa được em tôi về, không thể không làm gì”, anh Khanh nói.
Ông Bùi Hồng Phong, Phó Giám đốc Cty VTB Hoàng Hải, chủ tàu Phúc Xuân 68 cho biết, đã thuê xe 16 chỗ để đưa thân nhân nạn nhân vào Nha Trang, lo nơi ăn nghỉ cho họ. Có một nhóm thợ lặn ở Nha Trang nhận lời đi tìm các thuyền viên mất tích. Trưa ngày 10/11, được phép của Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, người thân của thuyền trưởng Nguyễn Đức Khoa và thủy thủ Nguyễn Bá Kha đã lên một tàu vỏ gỗ, đi ven biển tìm kiếm.
Đại diện Bảo hiểm PJCO cho biết, chủ tàu Phúc Xuân 68 có mua bảo hiểm dân sự 2 tỷ đồng, bảo hiểm thân tàu 8 tỷ đồng, bảo hiểm tai nạn 35 triệu đồng/người. Trước mắt, Bảo hiểm PJCO đã hỗ trợ 20 triệu đồng/người cho 8 thuyền viên mất tích.