Cần giải phóng bệnh nhân thường
TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho hay, mật độ tại cơ sở 2 của bệnh viện này đang rất đông, cần giải phóng lượng bệnh nhân thường để đón bệnh nhân COVID-19 mới. Tới sáng 12/5, cơ sở 2 đang điều trị 284 bệnh nhân dương tính, 21 bệnh nhân thường, 15 người nhà. Trong số các bệnh nhân COVID-19 có 9 nhân viên y tế và học viên, 13 bệnh nhi. Ngoài 5 ca nguy kịch, còn có 11 bệnh nhân thở oxy, 14 bệnh nhân nặng.
Với số lượng người đang điều trị, cách ly trong bệnh viện đông, mật độ dày, TS. Thạch bày tỏ mong muốn được chuyển các bệnh nhân thường (không mắc COVID-19) nặng và không nặng đã có 3 lần âm tính tới các cơ sở y tế khác. Ông cho biết bệnh viện ở các địa phương xung quanh Hà Nội vẫn chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. “16 tháng nay chúng tôi đã làm nhiệm vụ điều trị COVID-19 rồi, chúng tôi không ngại khó, không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân, nhất là bệnh nhân điều trị tích cực đã âm tính 2-3 lần, chỉ mong giải phóng bớt bệnh nhân thường, bệnh nhân nặng, để nhận bệnh nhân COVID-19 mới”, TS Thạch nói.
Ông chia sẻ, sau khi có bác sĩ xét nghiệm dương tính, toàn thể nhân viên y tế ở đây đều trở thành F1. Nhưng với lượng bệnh nhân đông, ngoài những cán bộ y tế dương tính phải điều trị bệnh, còn lại các F1 là thầy thuốc vẫn phải tham gia phòng chống dịch theo các cách khác nhau. Đơn cử như có một bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 bị vỡ lách, các bác sĩ ngoại khoa phải mổ cấp cứu. Các trường hợp thai sản được các tuyến chuyển trong đêm vẫn được bác sĩ phẫu thuật kịp thời.
Theo đánh giá, trên 80% bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam không cần hỗ trợ thở máy, chưa cần sử dụng biện pháp hỗ trợ khác, chủ yếu điều trị bằng thuốc, chế độ ăn, luyện tập để nâng cao thể trạng.
Đa phần bệnh nhân không triệu chứng
TS.Thạch cho biết thêm, giải trình tự gien cho thấy biến chủng virus tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ khiến đa số người mắc không có triệu chứng, do đó, việc khám sàng lọc, đo nhiệt độ không thể phát hiện. Theo ông Thạch, đến nay, các khu điều trị ca bệnh COVID-19 đều nằm ở khu kiểm soát, cách ly. Ông nhận định khả năng trong tuần này, bệnh viện sẽ cơ bản kiểm soát được bệnh nhân COVID-19.
Tại Bệnh viện K, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc cho hay, ngoài xét nghiệm lần 1 cho toàn bộ nhân viên, các khoa có nguy cơ cao đã xét nghiệm lần 2, lần 3. Hiện tại, Khoa Ngoại gan - mật - tụy không phát hiện thêm ca bệnh nào trong viện. Người dương tính với SARS-CoV-2 là những trường hợp F1 trong khu cách ly. Đến nay, số ca bệnh COVID-19 liên quan Bệnh viện K là 19 người, gồm 12 bệnh nhân, người nhà (phát hiện trong bệnh viện) và 7 trường hợp trong khu cách ly ở Hà Nội.
“Tôi đi các bệnh viện kiểm tra thì thấy phân luồng, khám sàng lọc rất tốt. Vấn đề quan trọng là sau khi đoàn kiểm tra rút đi thì bệnh viện có duy trì được như lúc đoàn kiểm tra đến không?”
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đặt vấn đề
Dự kiến cuối tuần này, Bệnh viện K hoàn thành xét nghiệm lần 2 với toàn bộ nhân viên ở 3 cơ sở. Nếu họ có kết quả âm tính, Bệnh viện K đề xuất Bộ Y tế xem xét mở cửa lại cơ sở 1 (Phan Chu Trinh) và 2 (Tam Hiệp). Lãnh đạo Bệnh viện K cũng kiến nghị, đề nghị hỗ trợ cho các F1 đang cách ly tại bệnh viện, hỗ trợ test nhanh, tạo điều kiện cho bệnh nhân nhẹ về tuyến dưới…
Rà soát toàn diện
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị hai bệnh viện rà soát lại khâu tổ chức điều hành trong công tác phòng, chống dịch.
Riêng với hai bệnh viện đang phong tỏa, cách ly y tế, ông chỉ đạo rà soát lại kỹ tất cả bệnh nhân, người khám chữa bệnh. Thời gian rà soát là 14/4 ngày trở lại đây với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và từ 16/4 với Bệnh viện K. Các bệnh viện cần thông báo về địa phương, giao cho công an, y tế rà soát, giám sát những ca nghi ngờ để tìm ra F0.