Tìm lại người của 'Vợ chồng A Phủ'

Tìm lại người của 'Vợ chồng A Phủ'
TP - Chuyến công tác ở Sơn La này tôi được trở lại vùng cao huyện Bắc Yên, là quê hương của Vợ chồng A Phủ, tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài mà gần như ai cũng biết đến.
Tìm lại người của 'Vợ chồng A Phủ' ảnh 1
Ông Đinh Tôn người mặc áo kẻ đội mũ nồi - kể chuyện về chuyện vợ chồng A Phủ cho học sinh trường Nội trú dân tộc Bắc Yên - nơi quê hương A Phủ

Bệnh nghề nghiệp khiến tôi không thể không dành thời gian đi tìm nhân vật nguyên mẫu cùng nhân chứng của câu chuyện tình yêu thấm đầy tính nhân văn này.

Về Bắc Yên, tìm quê hương A Phủ

Bây giờ thì Tà Sùa, Làng Chếu hay Hồng Ngài đã có đường xe lên đến xã. Vùng cao Bắc Yên hôm nay khác xa với cảnh sắc xưa trong truyện của Tô Hoài. Chủ tịch xã Hồng Ngài là chàng trai Mông tên là Mùa A Lềnh. Lềnh sinh năm 1973, là một trong những thanh niên hăng hái vươn lên góp phần xây dựng quê hương.

Lềnh bảo, câu chuyện “Vợ chồng A Phủ” chỉ được nghe kể. “Thời kỳ mới có chuyện và phim A Phủ, thế hệ chúng tôi chưa ra đời, vì vậy chỉ biết mơ hồ thôi. Bây giờ chỉ còn một người biết chuyện này, đó là ông Đinh Tôn ở ngoài thị trấn huyện”  - Lềnh nói.

“Người lớn ở đây đã kể lại rằng A Phủ chính  là A Phử, hồi còn bên Háng Chu thì lấy tên là A Páo. A Phủ bị phú lý bắt đi ở trả nợ bố mẹ nó vay làm lễ cưới nhau. Không trả được nên A Phủ đi chăn trâu cho phú lý, bị bỏ đói, đánh đập và trói vào cột nhà khi bị hổ ăn mất bò.

Sau A Phủ được Mỷ cắt dây cho chạy trốn khỏi nhà phú lý, cùng với Mỷ. Họ đã gặp A Châu, được giác ngộ đi theo du kích và thành vợ chồng. Họ đi đánh giặc, giải phóng quê hương... A Phử về Tà Sùa, sau theo Mỷ về bên Hồng Ngài sống ở đó. Ông A Phử đã mất bốn năm, bà Mỷ cũng đã mất trước đó...” - Lềnh tiếp tục câu chuyện.

Theo chỉ dẫn của Mùa A Lềnh, chúng tôi đi tìm nhân vật A Châu. Nguyên mẫu ấy chính là ông Đinh Tôn. Thời kháng chiến chống Pháp, ông Đinh Tôn là đảng viên đầu tiên của Phù Yên, chỉ huy du kích lập căn cứ kháng chiến.

Ngồi trước mặt tôi bây giờ là ông già Đinh Tôn, 80 tuổi. Ông Tôn vẫn khỏe mạnh minh mẫn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn theo phong cách Mường Hòa Bình, ông Tôn bảo: “Tôi người Mường.

Tìm lại người của 'Vợ chồng A Phủ' ảnh 2
Nhà văn Tô Hoài

Theo cách mạng từ lúc còn bé, đến thời kỳ chống Pháp, tôi là du kích địa phương khu 99 và là cấp ủy huyện Phù Yên, châu Bắc Yên... Thời ấy tôi đương phụ trách khu 99 thì có ông Tô Hoài lên đi thực tế sáng tác. Ông ấy ở trên này lâu. Có thể tới sáu bảy tháng một lần. Ở lâu đến nỗi người ta còn bố trí ông ấy làm kế toán nữa...

Tô Hoài viết truyện “Vợ chồng A Phủ” là từ chuyến đi ấy. Lần đi ăn Tết của người Mông, nhà văn đã gặp đôi vợ chồng người Mông cũng đi ăn Tết. Họ đi từ Háng Chu qua Tà Sùa rồi về Hồng Ngài là gần một tháng.

Tết Mông dài ngắn tuỳ theo cái khả năng sản vật trong mỗi nhà. Thường Tết của đồng bào Mông bắt đầu từ tháng Giêng dương lịch. Câu chuyện của A Páo, sau chúng tôi đổi tên cho anh là A Phử, nhưng rồi trong truyện, Tô Hoài viết là A Phủ. A Phử sau làm Chủ tịch xã, mất cách nay bốn năm ở Hồng Ngài. Còn chị Mỷ vợ A Phủ mất trước đó rồi”.

Còn nhân vật Thống lý Pá Tra lúc đầu lấy tên của phú lý Háng Chu là Mùa Chống Lầu. Ông Mùa Chống Lầu là thống lý, nhưng theo cách mạng. Lúc ông Lầu làm Chủ tịch mặt trận khu tự trị Thái Mèo thì ông Hoàng Nó - Bí thư Tỉnh ủy gặp nhà văn Tô Hoài bảo: “Bác lấy tên như vậy là không ổn. Ông Lầu mà biết thì nguy to”. Sau đó Tô Hoài đổi lại là thống lý Pá Tra, lấy tên của một phú lý bên Trạm Tấu, thuộc tỉnh Nghĩa Lộ thời đó.

“A Châu” chính là tôi. Người cuối cùng trong các nhân vật còn sống hôm nay có lẽ chỉ còn một mình tôi” - Ông Đinh Tôn ngậm ngùi.

“Đó là vào khoảng năm 1952 - ông Đinh Tôn kể tiếp - Anh ấy (Tô Hoài) lên đi thực tế, chúng tôi cùng hoạt động, đêm nằm với nhau tôi đã kể lại nhiều chuyện trong đó có những chuyện sau này anh ấy viết trong “Truyện Tây Bắc” đấy. Sau này khi đoàn làm phim “Vợ chồng A Phủ” lên đi thực tế, cũng lại chính tôi tham gia chỉ đạo trực tiếp các xã giúp đỡ anh em trong đoàn. Họ tiếp xúc với tôi, gọi tôi là nhân vật của nguyên mẫu A Châu trong phim.

Tìm lại người của 'Vợ chồng A Phủ' ảnh 3
Cố NSƯT Đức Hoàn - vai Mỵ trong Vợ chồng A Phủ

Chuyến đi của đoàn kéo dài mấy tháng. Thời ấy gian khổ thiếu thốn nhiều thứ. Anh em phải ba cùng với đồng bào (cùng ăn, cùng ở, cùng  lao động sản xuất)... Đích thân tôi đi đến các bản làng vận động nhân dân ủng hộ đoàn làm phim từ việc đi lại ăn ở, sinh hoạt...

Đời sống hồi ấy đơn giản, không cầu kỳ như bây giờ, nghĩa là có được cái gì cũng quý. Bà con ăn ngô mèn mén, ăn rau rừng cán bộ cũng cùng ăn. Bắt được con thú, cả đoàn cán bộ và dân đều vui uống rượu”.

Lại nói về Thống lý Mùa Chống Lầu, ông Đinh Tôn bảo: Ông Chống Lầu ngoài đời thân kháng chiến, ủng hộ kháng chiến. Sau đó ông bị giặc bắt giam ở thị xã Sơn La, rồi được thả. Ông được bầu vào ủy viên kháng chiến khu tự trị Thái Mèo. Mùa Chống Lầu rất có uy tín với người Mông.

Về cái hang núi ở Hồng Ngài vẫn được gọi là hang A Phủ, ông Đinh Tôn cho hay đó là hang Thẩm Cắn. “Xuất xứ của cái hang ấy là do trong truyện,  Tô Hoài cho A Phủ và Mỵ cùng du kích trốn vào hang ấy.

Năm tôi 21 tuổi, hoạt động được ít lâu tại đây thì bị địch bắt giam. Anh em đột nhập vào nơi giam giữ cứu chúng tôi. Hai người lộ bị địch bắn chết đều được công nhận liệt sĩ, hai người nữa bị thương về sau đều là thương binh. Tội nghiệp nhất là một cháu bé, bị địch bắn chết khi đang trên lưng bố”.

Ông Đinh Tôn ôn lại câu chuyện hơn nửa thế kỷ đã qua. Ông hỏi thăm những tác giả và các diễn viên trong phim “Vợ chồng A Phủ” : “Lâu quá rồi chả được gặp lại nhau. Cả ông Tô Hoài nữa...”.

Tác giả và nhân vật trong phim - Ngày ấy, bây giờ

Tìm lại người của 'Vợ chồng A Phủ' ảnh 4
NSND Trần Phương vai A Phủ

Để khỏi phụ lòng bác Đinh Tôn và bà con người Mông Bắc Yên, chúng tôi đã tìm gặp tác giả Tô Hoài và các diễn viên trong bộ phim nổi tiếng “Vợ chồng A Phủ”. Gần đúng năm mươi năm, nếu tính thời điểm bộ phim khởi quay, còn nếu tính từ ngày xẩy ra chuyện để nhà văn viết truyện “Vợ chồng A Phủ” thì dễ gần ...60 năm. Gần một đời người rồi còn gì!

Bây giờ ông Tô Hoài ở khu tập thể Nghĩa Tân (Hà Nội). Phòng văn ở ngay tầng một nhìn ra đường. Nhà văn kể: “Tôi viết truyện ấy từ những năm đi thực tế làm báo Cứu quốc. Đến năm 1960 thì truyện ấy chuyển thành kịch bản làm phim. Phim ấy, lấy nguyên cốt truyện, đầy đủ nhân vật.

Đó là một câu chuyện gần như có thật của một đôi vợ chồng người Mông ở Phù Yên nay là Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ngày ấy trên đường đi thực tế kháng chiến, tôi đã gặp cặp vợ chồng ấy đi ăn Tết Mông. Tết Mông thường kéo dài cả tháng Giêng dương lịch. Họ đi từ Tà Sùa sang Hồng Ngài. Đi đến đâu ăn Tết đến đấy. Câu chuyện của họ cùng với những tư liệu anh em du kích kể là đề tài để tôi viết truyện “Vợ chồng A Phủ”.

Tôi ở với bà con lâu đến nỗi thuộc cả tiếng của họ. Tiếng Mông vốn từ ít nên tôi có thể nói chuyện trực tiếp với bà con. Trong tiếng Mông không có chữ Phủ. A Phủ chính là A Phử. Hồi ấy cùng hoạt động có một số anh người Kinh người Mường trong đội du kích. Tôi nhớ có anh Mai Chi người Hà Đông, một người nữa ở bên Văn Chấn”.

Đi tìm tiếp những người tham gia bộ phim “Vợ chồng A Phủ”, chúng tôi tìm đến nhà “A Phủ” - Trần Phương. Ông đạo diễn kiêm diễn viên này bây giờ đã gần 80. Vậy là khi Trần Phương vào vai A Phủ, ông chưa đến 30 tuổi. Vợ chồng người nghệ sĩ già ở trong một ngôi nhà sâu cuối cái ngách ngoằn ngoèo khu Ngọc Hà làng hoa xưa.

Kể về những ngày làm phim “Vợ chồng A Phủ”, NSND Trần Phương vui hẳn lên, lòng tự hào vì mình có đóng góp vào sự thành công của một bộ phim kinh điển... Ông Trần Phương xúc động kể: “Trước khi vào làm phim, chúng tôi phải mất gần nửa năm đi thực tế lên Tây Bắc. Ngày ấy Tây Bắc còn hoang sơ, khó khăn lắm. Chúng tôi cùng sống, cùng sinh hoạt với bà con người Mông để tìm hiểu tâm lý, phong cách, cách thức lao động, sinh hoạt của bà con. Ngày ngày anh em cùng lên nương, xuống suối, cùng lao động thực sự”.

Cùng đóng với Trần Phương có do nghệ sĩ Đức Hoàn (thủ vai nhân vật Mỵ kể về nghệ sĩ này, ông Trần Phương vẫn không quên nữ  đồng nghiệp xinh đẹp đã hết mình cho vai diễn.

“Chị Đức Hoàn cũng đi thực tế cùng chúng tôi, dù gái Hà Nội chính gốc mà đi khoẻ lắm. Đức Hoàn cũng biết vác nước về nhà nghiêng vai đổ ra vại như một phụ nữ Mông chính cống vậy. Như thế, chúng tôi đã đầu tư kỹ cho công đoạn trước phim. Vai Mỵ đã thành công nhờ những ngày đi thực tế ấy. Chị Đức Hoàn đã mất năm 2003 khi chị 66 tuổi...”. Mắt NSND Trần Phương rưng rưng khi nhớ về người bạn diễn thân thiết của mình.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).