Tìm kế sách mới

TP - Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Những số liệu mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, đại dịch COVID-19 không chỉ gây thiệt hại về tính mạng con người mà còn để lại những hậu quả nặng nề về mặt kinh tế khi sản xuất đình đốn, tăng trưởng tụt giảm, thất nghiệp gia tăng.  Theo thống kê, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Đáng chú ý, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 2 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay. Quý 2/2020 cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp, mất việc làm cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Về mặt kinh tế, theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 7/2020 của Bộ Công Thương, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất đang trong cảnh đáng báo động. Như với ngành dệt may, tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may gần như chưa có đơn hàng cho hai quý cuối năm đối với các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp. Ngành xuất khẩu dệt may trị giá 40 tỷ USD của Việt Nam ước tính đến cuối năm, nếu khả quan, sẽ chỉ đạt khoảng hơn 30 tỷ USD.

Với ngành da giày, sau quãng thời gian chật vật cầm cự duy trì, trong vòng 1 tháng gần đây, hàng loạt doanh nghiệp da giày có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam với quy mô hàng vạn lao động cũng phải thông báo thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Việc Tập đoàn da giày Pouchen (Đài Loan) vừa thông báo chấm dứt hợp đồng lao động gần 3.000 công nhân  với nhiều người có thâm niên từ 7-8 năm, người làm việc lâu nhất là 22 năm, cho thấy những tác động khủng khiếp về mặt kinh tế cũng như an sinh xã hội mà chúng ta sẽ phải đối mặt thời gian tới.

Ngay với ngành du lịch, dù được rầm rộ kích cầu hơn một tháng nhưng tình hình cũng không mấy sáng sủa vì chưa biết đến khi nào hoạt động mới trở lại bình thường như trước. Số liệu cho thấy, tính đến tháng 6/2020, đã có 148 doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Ngành hàng không lại một lần nữa đối diện nguy cơ đóng băng. Vòng quay khởi động lại nền kinh tế mới khởi động lại được hơn 1 tháng nay một lần nữa có nguy cơ tiếp tục tạm ngưng không biết đến bao giờ.

Với kịch bản tiêu cực, nhận định của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, số lao động mất việc, gánh nặng xã hội sẽ càng tăng thêm nếu các giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh không được thực hiện quyết liệt. Khả năng 5 triệu người mất việc vào cuối năm không phải không thể xảy ra nếu dịch bùng phát mạnh và việc cách ly xã hội lại được triển khai trên toàn quốc.

Theo các chuyên gia, việc có các chính sách hỗ trợ dài hạn cho doanh nghiệp sẽ là giải pháp cần thiết và buộc phải làm để tạo đà phục hồi cho các năm kế tiếp. Việc chưa có kế sách mới trong “tình huống mới” như hiện nay sẽ khiến Việt Nam để vuột cả cơ hội đón sóng đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Cơ hội chỉ đến một lần và việc sẵn sàng cho tình huống mới đến đâu sẽ giúp kinh tế đỡ loay hoay đến đó.                                

MỚI - NÓNG