Tìm giải pháp phát triển nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Tìm giải pháp phát triển nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
TPO - Đó là chủ đề của Hội thảo do báo Tiền Phong tổ chức vào sáng mai, 28/5 tại TPHCM.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các Bộ Công Thương, UB Quản lý vốn Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài nguyên-Môi trường; các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu thuộc các lĩnh vực điện, năng lượng tái tạo, môi trường, chính sách; đại diện một số địa phương khu vực phía Nam; các nhà đầu tư, đơn vị sản xuất, kinh doanh điện lực.

Theo Qui hoạch điện VII điều chỉnh (2016-2030) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng công suất các nguồn điện dự kiến  đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW, trong đó dự kiến trong 3 năm 2016-2018 là 10.849MW (EVN là 4.575MW, các Chủ đầu tư ngoài EVN là 6.274MW).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tổng công suất các nguồn điện đã đưa vào vận hành trong 3 năm 2016-2018 toàn hệ thống là 9.760 MW, bằng 90% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tuy nhiên, do nhu cầu phụ tải tăng nhanh, trong khi việc xây dựng phát triển nguồn điện đang gặp nhiều khó khăn nên dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai không xa. Năm 2018 nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao hơn so với kế hoạch 2,4 tỷ kWh. Trong khi đó, tại miền Nam thiếu hụt nguồn nghiêm trọng. Nguồn khí đã bị suy giảm, vận hành không ổn định nên sản lượng khí cấp năm 2018 thấp hơn so với kế hoạch gần 450 triệu m3 (tương đương 2,5 tỷ kWh). Việc cấp than trong nước cũng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm. Đồng thời, lưu lượng nước về các hồ thủy điện cuối năm ít, nhất là tại các hồ thủy điện miền Trung.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện tiếp tục tăng cao trong năm 2019 và những năm tiếp theo, tuy nhiên hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện. Phần lớn các dự án nhiệt điện than trong Tổng sơ đồ phát triển điện VII điều chỉnh được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đến nay chưa được triển khai.  

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện than đưa vào vận hành: Giai đoạn 2016-2020 là 13.850 MW; Giai đoạn 2021-2025 là 21.600 MW; Giai đoạn 2026-2030 là 8.700 MW và đến năm 2030 lượng điện năng sản xuất năm 2030 của nhiệt điện than chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện của hệ thống. Trong khi đó, giai đoạn 2016-2020 chỉ đưa được vào vận hành khoảng 8.000 MW, đạt 58%. Một số dự án nhiệt điện than chậm tiến độ (chậm 6000 MW ~ 36-40 Tỉ kWh) do nhiều nguyên nhân: thiếu vốn; chủ đầu tư, nhà thầu thiếu năng lực; tổ chức thực hiện còn bất cập; các dự án BOT có thời gian đàm phán hợp đồng, chuẩn bị đầu tư kéo dài, và cả một số địa phương không ủng hộ xây dựng nhiệt điện than.

Hội thảo nhằm góp phần chỉ ra những khó khăn, bất cập, hạn chế trong trong việc phát triển nguồn điện để từ đó gúp các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định, xây dựng cơ chế chính sách, tìm giải pháp thích hợp, đồng thời tạo điều kiện thúc đầy phát triển nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng điện cho quốc gia.

Hội thảo cũng góp phần nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, khoa học về những ưu điểm cũng như hạn chế của các nguồn điện để có lựa chọn thích hợp nhất trong hoàn cảnh hiện nay, giúp khai thông, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển nguồn đảm bảo nguồn cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.

MỚI - NÓNG