Tìm đường sản xuất điện từ gió và mặt trời

Tìm đường sản xuất điện từ gió và mặt trời
TP- Tiềm năng phát triển năng lượng của Việt Nam một lần nữa lại được xới lên mạnh mẽ khi các nhà quản lý, nhà khoa học cùng ngồi đánh giá lại ngành năng lượng nước nhà sau hai năm gia nhập WTO.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để biến gió, mặt trời... thành điện phục vụ đời sống dân sinh khi nguồn này được đánh giá là dồi dào ở Việt Nam nhưng chi phí lại quá đắt.

Tìm đường sản xuất điện từ gió và mặt trời ảnh 1
Trạm phong điện

Dồi dào nhưng đắt đỏ

Theo ông Tô Bảo Thạch, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng Việt Nam, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng thiên nhiên về năng lượng gió tốt nhất. Điều kiện tự nhiên ban cho Việt Nam chế độ gió 2 mùa rõ rệt theo 2 hướng trái chiều với biên độ dao động về tốc độ gió rất lớn.

Từ năm 1995, Việt Nam đã có dự án phong điện Tu Bông - Vạn Ninh công suất 20 MW, được duyệt dưới dạng BOT vào năm 1997. Ngoài ra còn có dự án phong điện Phương Mai – Bình Định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công suất 30 MW năm 1998.

Từ năm 2000 – 2001 các dự án phong điện Phương Mai 2 (15 MW), Phương Mai 3 (50 MW) đã được Viện Năng lượng lập dưới dạng “Trang trại điện gió”. Một số tua bin điện gió bố trí thành Cụm phong điện và được lập dự án tại các hải đảo như Bạch Long Vĩ, Phú Quý... Khu vực tỉnh Bình Thuận được đánh giá là có nguồn năng lượng gió mạnh nhất Việt Nam.

Trong khi đó, miền Trung và miền Nam có tiềm năng sóng biển và năng lượng mặt trời dồi dào nhất. Tiềm năng lý thuyết tương đương 4,9 tỷ tấn dầu/năm. Cường độ bức xạ mặt trời ở miền Trung và miền Nam cao, có thể dùng để phát điện hoặc lấy nước nóng. Việt Nam cũng đã chế tạo ra phiến pin mặt trời đầu tiên vào những năm 70 với hiệu suất 10%.

Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng việc khai thác năng lượng tái tạo còn hạn chế do giá thành rất cao, gấp khoảng 10 - 15 lần đầu tư cho phát điện truyền thống.

“Nước ta hiện chưa có một chính sách cụ thể nào trong vấn đề này. Nếu cứ như cơ chế hiện nay, sản xuất điện bằng sức gió có giá thành từ 7-8 cent/KWh, trong khi giá điện là 5,5 cent thì nhà đầu tư lỗ” – Một quan chức thuộc Bộ Công Thương, cho biết.

Các chuyên gia năng lượng phân tích rằng, vì trong giá thành điện năng từ gió và mặt trời không có yếu tố nhiên liệu nên thành phần chính là giá thiết bị. Đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tìm đường sản xuất điện từ gió và mặt trời ảnh 2
Lắp đặt pin mặt trời

Khuyến khích công nghệ Việt

“Trong khi Việt Nam chưa chế tạo được hàng loạt các tuabin phong điện công suất lớn như của Hoa Kỳ, Đức mà lại nhập khẩu hàng loạt thiết bị này để đầu tư các trang trại điện gió thì tất yếu giá thành điện năng sẽ đội lên rất cao” - Ông Thạch cho biết.

Để giải quyết bài toán về giá thành, các nhà khoa học cho rằng cần phải có bước đi từ nhỏ đến lớn trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trước mắt cần xác định việc ứng dụng năng lượng gió và mặt trời tại Việt Nam là giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí, thủy năng đã có dấu hiện cạn kiệt, không thể đáp ứng lâu dài.

Như vậy, không nhất thiết phải xây dựng các nhà máy điện gió tập trung công suất lớn  hoặc các hệ thống quang điện mặt trời vài chục kW trở lên khá tốn kém.

Điện gió và nắng mặt trời cần được khuyến khích phát triển dưới hình thức phân tán là chủ yếu, dùng vào giải quyết nhu cầu điện ánh sáng và điện sinh hoạt, sản xuất nhỏ tại chỗ ở nông thôn.

Trước mắt áp dụng ngay kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc chiếu sáng cầu đường quốc lộ và đô thị bằng các cột đèn tự chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời và tuabin phong điện nhỏ 300 - 400 W.

Ngoài ra, theo các chuyên gia Việt Nam có thể tự chế tạo và áp dụng các sản phẩm như bẫy đèn rầy nâu áp dụng cho đồng bằng Nam Bộ, guồng xục khí các đồng tôm, máy lạnh nhỏ cho đánh bắt xa bờ, bình chuyển đổi nước mặn, nước ngọt...

 Trong khi Việt Nam chưa chế tạo được hàng loạt các tuabin phong điện công suất lớn như của Hoa Kỳ, Đức mà lại nhập khẩu hàng loạt thiết bị này để đầu tư các trang trại điện gió thì tất yếu giá thành điện năng sẽ đội lên rất cao.

“Cần thiết phải lập các chương trình nghiên cứu khai thác năng lượng hội tụ gió trên cao bằng tuabin gió nhẹ phát điện; chế tạo thí điểm các tuabin điện gió cỡ lớn có 3 cấp máy phát trở lên” - Ông Lê Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng, nói.

Theo nhiều nhà quản lý, đến nay Việt Nam chưa có nhà máy điện gió nào theo kiểu nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong nước đầu tư để phát triển, chỉ có sự hỗ trợ của nước ngoài để phát triển, dự án lớn nhất về điện gió là Trạm phát điện gió 800 KW ở đảo Bạch Long Vĩ.

Tuy nhiên, trạm điện này đã bị hỏng không thể hoạt động trong thời gian dài và đến nay chưa thấy được sửa chữa. “Nếu Việt Nam chưa vượt qua được những khó khăn này thì chưa thu hút được đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đang vừa làm vừa chờ đợi Nhà nước đưa ra những chính sách cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư, như hỗ trợ cho nhà đầu tư, ưu đãi cho người mua điện. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhiều hơn để các nhà đầu tư mới mạnh dạn bước vào lĩnh vực này” - Đại diện Viện Năng lượng thuộc EVN bày tỏ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.