Tìm đường ống xả nước thải Cty Tung Kuang: Khổ hơn đào công sự

Tìm đường ống xả nước thải Cty Tung Kuang: Khổ hơn đào công sự
TP - Mặc dù đã trinh sát mấy tháng ròng việc Cty Tung Kuang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Ghẽ (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) nhưng lực lượng cảnh sát môi trường mất gần hai ngày mới khui được 5m đường ống bí mật đầu tiên.

>> Còn bao nhiêu 'Vedan' nữa?

Tìm đường ống xả nước thải Cty Tung Kuang: Khổ hơn đào công sự ảnh 1
Lộ ra đoạn ống (đường kính 35 cm) dẫn chất thải chưa xử lý (phía dưới) và đoạn ống dẫn chất thải đã xử lý, lúc 16 giờ 30 chiều qua…

Vừa đào vừa... đoán

Nguyễn Duy Hiệp, nông dân ở xã Kim Giang cạnh đó đang hì hụi đào bới. “Lúc đầu em tưởng ngon ăn, nghĩ đường ống ấy chạy thẳng ra hố ga đằng kia rồi đâm ra mương. Ai dè được một đoạn nó biến mất ở chỗ này”, Hiệp kể.

Tìm đường ống xả nước thải Cty Tung Kuang: Khổ hơn đào công sự ảnh 2Nước thải loại này thường có crom, niken, kẽm, sắt, mangan, để nhuộm màu bề mặt. Loại crom hoá trị 6 rất độc nếu không được xử lý. Crom6 phải được khử thành crom3 theo một quy trình nghiêm ngặt. Tuy nhiên, xử lý các kim loại nặng này, về lý thuyết, không khó, có thể dùng công nghệ keo tụ, hoặc phương pháp điện hóa để tách nếu hàm lượng nhỏ. Công nghệ này không quá phức tạp để có thể xử lý một cách bài bản.Tìm đường ống xả nước thải Cty Tung Kuang: Khổ hơn đào công sự ảnh 3 - Th.S Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Công nghệ Xử lý Nước, Viện Công nghệ Môi trường, Viện KH&CN Việt Nam.

Ông Vũ Văn Xô, thôn Ngọc Trục, xã Ngọc Liên, người tham gia đào thuê với anh Hiệp góp chuyện: “Đội đào xới bắt đầu từ trưa hôm 14-4 gồm bốn người, không kể tài xế máy xúc. Chúng tôi làm việc liên tục, tới tối mịt, khoảng 18 giờ 30 đến 19 giờ, mới nghỉ. Có máy xúc hỗ trợ mà mới được 5 m ống lộ ra”.

Các chiến sĩ Cục Cảnh sát Môi trường (C36), người nhảy xuống hào, người ra ngoài hàng rào nhà máy quan sát, chỉ trỏ, bàn với đội thợ về hướng đào. Dường như, tất cả những người trong cuộc vẫn chưa thể hiểu hệ thống xử lý đồ sộ với các đường cống chằng chịt nối phía trên.

Ông Xô trỏ tay vào đường ống nằm đường kính 350mm rồi đoán: “Chắc nó đâm thẳng ra  mương”.

Đến gần tường rào nhà máy chạy song song Quốc lộ 5, những gầu xúc cuối cùng làm lộ một đường ống to bự, kích thước tương tự, chạy vuông góc và nằm phía dưới đường ống tưởng là hệ thống dẫn chính này. Điều kỳ lạ là, đường ống phía dưới không đâm thẳng ra ngoài như mọi người suy đoán. Nó chạy đi đâu?

Ba cán bộ cảnh sát đứng trên mặt bể xử lý nước thải ngạc nhiên khi thấy đường ống to đùng đấy đột ngột rẽ vuông góc và chạy song song với đường ống phía trên.

Bước đầu tiên xác định đường ống phía trên là đường ống hợp pháp, dẫn chất thải đã qua xử lý. Còn đường ống phía dưới, to không kém, chính là thủ phạm dẫn nước thải chưa xử lý ra ngoài khuôn viên nhà máy. Dưới đáy hố ga, người ta phát hiện một tấm bê tông nằm phía trên che lấp một đường ống.

Tìm đường ống xả nước thải Cty Tung Kuang: Khổ hơn đào công sự ảnh 4
Cả hai đều đi vào hố ga nhưng một ống lại biến mất một cách tinh vi

Tung Kuang bất hợp tác

Theo đại tá Lương Minh Thảo, Cục phó C36, khi C36 yêu cầu Tung Kuang cung cấp sơ đồ thiết kế hệ thống nước thải, Cty nói không có, sau đó lại bảo thất lạc. ”Đến thời điểm này, họ vẫn chưa cung cấp”.

Năm 2007, Tung Kuang từng bị Thanh tra Bộ Tài nguyên&Môi trường phát hiện đổ trộm thải ra ngoài môi trường, phạt 100 triệu đồng, và được yêu cầu chấm dứt, khắc phục hành vi đó muộn nhất vào tháng 3-2009.

Theo một cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cẩm Giàng, Tung Kuang là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc quyền quản lý của tỉnh, cấp huyện không có thẩm quyền quản lý. Bình thường, muốn vào trong Tung Kuang còn khó, huống hồ là vào kiểm tra.

Theo nhận định ban đầu của C36, ống nước thải từ nhà máy ra khu xử lý chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy vào khu xử lý và một nhánh không qua xử lý chạy ngầm dưới lòng đất để xả ra môi trường. Hệ thống nước thải chủ yếu từ hai xưởng xi mạ và xưởng khung nhôm định hình được bơm chảy vào bể chứa của hệ thống xử lý.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.