Thủ tướng yêu cầu:

Tìm 40.000 người từng ra vào Bệnh viện Bạch Mai

Giám sát chặt người ra vào Bệnh viện Bạch Mai- Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Giám sát chặt người ra vào Bệnh viện Bạch Mai- Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 15 ngày tới là “giờ vàng” quan trọng quyết định có ngăn chặn được dịch bệnh COVID- 19 hay không.

Vì thế, ông yêu cầu các cấp phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, nhất là đối với các ổ dịch ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để sàng lọc, theo dõi hoặc cách ly.

Hơn 5.000 bệnh nhân đã về các tỉnh

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã xuất hiện lây lan trong cộng đồng và sẽ có diễn biến phức tạp do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện hoặc các trường hợp xâm nhập có mang virus nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Báo cáo thống kê cho thấy, có tới 60,1% không có triệu chứng khi phát hiện, điều này gây khó khăn cho phòng chống.

Đối với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, từ ngày 26/3, Bộ Y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiến hành lấy hơn 5,4 nghìn mẫu xét nghiệm đối với toàn bộ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Ngày 27/3, sau khi ghi nhận thêm 2 ca bệnh mới là nhân viên phục vụ tại căng tin bệnh viện, Bộ Y tế đã chỉ đạo cách ly toàn bộ bệnh viện và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở 1 nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai từ 0 giờ ngày 28/3.

Tìm 40.000 người từng ra vào Bệnh viện Bạch Mai ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với 5 thành phố lớn về chống dịch COVID-19

Bày tỏ sự lo ngại về ổ dịch trên, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, ở Bệnh viện Bạch Mai, theo ghi nhận của Hà Nội, hiện nay có gần 20 trường hợp dương tính với Covid -19 (Bộ Y tế công bố là 12). Đã có trường hợp đi theo đoàn công tác xuống Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam hay đi về Nam Định, Ninh Bình cũng dương tính. “Báo cáo Thủ tướng là rất có thể sẽ có nguy cơ trong một vài ngày nữa sẽ có những “đốm cháy nhỏ” dịch COVID -19 ở một số tỉnh phía Bắc và Hà Nội”, ông Chung nói.

Ông Chung phân tích, Bệnh viện Bạch Mai có đầy đủ yếu tố phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao khi có rất nhiều bệnh nhân nặng. Theo ông Chung, nếu sau ngày 19/3 mà đóng băng bệnh viện trên thì “đã có một cơ hội vàng tốt hơn”. Điều đáng lo nhất được lãnh đạo Hà Nội chỉ ra là, sau ngày 20/3, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 5.113 bệnh nhân về khắp các tỉnh; trong đó Hà Nội có 1.592 trường hợp. “Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai ra cộng đồng với xác suất rất lớn. Số người vào thăm trên địa bàn thành phố là rất lớn. Nếu có lây lan ra thì Hà Nội chịu hậu quả lớn nhất, bởi Công ty Trường Sinh ăn ở, đi ra đi vào cũng ở đây...”, ông Chung cảnh báo. Ông cũng đề nghị Thủ tướng cho phép một số cơ quan hành chính ở Hà Nội và kể cả ở các tỉnh tạm thời nghỉ làm việc để giảm thiểu sự lây lan.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết về ổ dịch tại quán bar Buddha tại TPHCM, TPHCM đã điều tra dịch tễ mở rộng và đến nay đã tiếp cận được gần 200 trường hợp liên quan đến ổ dịch này để đưa đi cách ly và làm xét nghiệm, trong đó 149 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. TPHCM đã trang bị 10.000 bộ kit xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc số trường hợp nghi nhiễm và trong hai tháng tới sẽ tiếp tục trang bị thêm 110.000 bộ kit xét nghiệm để tăng cường kiểm soát người nghi ngờ mắc COVID-19.

Giảm thiểu lây nhiễm từ các ổ dịch

Thủ tướng nêu rõ, 15 ngày tới là “giờ vàng” quan trọng quyết định có ngăn chặn được dịch bệnh hay không. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện đối với các ổ dịch đã được thảo luận tại cuộc họp, nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và quán bar Buddha ở TP. Hồ Chí Minh. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp tìm bằng được 40.000 người đã ra vào Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua để theo dõi, sàng lọc thực hiện cách ly.

“Với trường hợp Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh) phải có phương án riêng trên tinh thần tìm ra, khoanh lại, cách ly quyết liệt, diện rộng bằng công nghệ và các phương pháp khác để giảm thiểu lây nhiễm từ các ổ dịch này”, Thủ tướng nói và lưu ý 5 thành phố phải sẵn sàng mọi điều kiện, bảo đảm ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất như lương thực, thực phẩm, bệnh viện dã chiến, lực lượng dự phòng, kể cả khả năng tình trạng khẩn cấp và cao hơn.

Thủ tướng cũng đánh giá cao việc xử lý nghiêm vi phạm như Hà Nội xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, với mức 200 nghìn đồng. Thủ tướng đồng ý với Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 (khai báo vòng vo, thiếu trung thực) để răn đe, giáo dục.

Về biện pháp phòng, chống trong thời gian tới, Thủ tướng ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra ở những nơi rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các bệnh viện, khu đô thị mới với mật độ dân cư cao, đầu mối giao thông vận tải… “Tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả mọi người từ nơi khác đến khu dân cư phải được giám sát, khai báo cụ thể. Phải bảo đảm phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với vùng chưa có người nhiễm. Cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện”, Thủ tướng lưu ý.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý dừng các chuyến bay chở khách đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến đến và đi từ Hà Nội, TP.HCM đến sân bay các tỉnh trong 2 tuần tới. Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính, theo tinh thần Chỉ thị 15 là tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết trong 15 ngày, bắt đầu từ đầu tháng tới.

Bệnh nhân 178 khai báo không trung thực như thế nào?

Ca bệnh 178 là nữ, 44 tuổi, làm việc tại Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, đang ở Thái Nguyên và được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trao đổi với Tiền Phong cùng ngày 29/3, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã tổ chức họp khẩn, có phương án, kịch bản về trường hợp bệnh nhân H.T. N. (Bệnh nhân số 178, có địa chỉ ở Đại Từ). 

Theo báo cáo của Sở Y tế Thái Nguyên, bệnh nhân N. vào Bệnh viện Đại Từ vào chiều ngày 27/3 với triệu chứng đau đầu, chóng mặt. Ban đầu bệnh nhân N. nói dối rằng chỉ ở trong nhà không đi đâu và bị đau đầu chóng mặt nên đến viện khám. Bệnh nhân được lập bệnh án điều trị tại khoa nội, ở cùng 8 người, xét nghiệm công thức máu và đường máu cho kết quả bình thường. Đến khoảng 20h cùng ngày bệnh nhân có biểu hiện đau họng, sốt trên 37 độ C. 

Đấu tranh khai thác kỹ thuật, yếu tố dịch tễ phát hiện bệnh nhân trước đó đã làm thuê tại nhà ăn của Bệnh viện Bạch Mai 2 tháng (đưa cơm tới các phòng khoa trong bệnh viện). Ngày 25/3 bệnh nhân có làm xét nghiệm tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương các kết quả chụp tim phổi bình thường, test nhanh COVID-19 cho kết quả âm tính. Bệnh nhân N. đi xe khách từ Bệnh viện Bạch Mai về đến thị trấn Đại Từ lúc 15h ngày 27/3, sau đó vào bệnh viện Đại Từ khám.

Đức Anh

Thông tin về người khám bệnh rất sơ sài

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam đã gửi tin nhắn tới trên 18.000 người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong khoảng thời gian từ ngày 12/3 đến nay. Trong khi đó, tối 28/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cung cấp đầy đủ thông tin về số người đến khám, điều trị... tại bệnh viện này từ 10/3 đến nay, để phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn dịch COVID-19.

Nhận được thông tin này, nhiều người dân đã từng đến Bệnh viện Bạch Mai đã chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương để khai báo y tế. 

Một vấn đề được đặt ra đó là việc khai báo thông tin khi khám bệnh tại các bệnh viện hiện nay được thực hiện rất sơ sài. Đến khi xảy ra vấn đề liên quan dịch tễ, điển hình như dịch bệnh COVID-19 thì càng trở nên phức tạp. Theo ông Tuấn Minh (Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng), ông đã nhiều lần đến khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai, có lần phiếu khám chỉ ghi địa chỉ người đến khám theo đơn vị hành chính là quận, thành phố. “Nếu trong trường hợp bệnh nhân ghi sai tên tuổi, địa chỉ, muốn tìm bệnh nhân rõ ràng rất mất công sức”, ông Tuấn Minh nói. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Lập, chuyên gia y tế cho biết, khi khám ở các bệnh viện, ngoài những người tham gia bảo hiểm y tế nếu không khai đúng thông tin cá nhân thì sẽ không được thanh toán bảo hiểm. Nên họ sẽ phải khai chính xác. Tuy nhiên, với khu vực khám dịch vụ thì việc khai báo thông tin rất tùy tiện. “Cái này cũng chưa có chế tài để xử lý, vẫn do người dân tự ý thức trong việc khai báo”, ông Lập thông tin. 

HIỂU MINH

MỚI - NÓNG