Tiểu thương trắng đêm thấp thỏm 'canh' hoa, lo lắng ngóng khách mua ngày cận Tết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những đêm trắng ở chợ hoa Tết Đà Nẵng mang theo nỗi thấp thỏm của thương lái khi Tết đã cận kề mà khách mua hoa vẫn dè dặt.

Thấp thỏm

Đêm xuống ở chợ hoa Tết Đà Nẵng, khu vực Quảng trường 29/3 (quận Hải Châu) vắng lặng. Hàng trăm chậu quất, chậu cúc, chậu đào… im lìm “tắm” sương đêm.

Các thương lái tranh thủ dọn dẹp gọn lại lô bán hàng. Đôi ba khách vãng lai dạo chợ hoa về đêm được thương lái chào mời nồng nhiệt. Thi thoảng, một chậu mai, một chậu đào được “chốt” bán sau cuộc mặc cả theo khách lên xe về nhà.

Năm nay, chợ hoa Tết Đà Nẵng thưa hơn bởi số hộ thuê lô chỉ hơn non nửa mọi năm. Thương lái ở đây Đà Nẵng có, Quảng Nam có, Quảng Ngãi có, Phú Yên, Bình Định cũng có.

Hàng chục loại hoa trên những chuyến xe tải theo họ mang sắc xuân về Đà thành, chở theo cả niềm hi vọng, sự thấp thỏm ngóng đợi về một cái Tết ấm cho gia đình, người thân.

Tiểu thương trắng đêm thấp thỏm 'canh' hoa, lo lắng ngóng khách mua ngày cận Tết ảnh 1

Hàng trăm chậu hoa đủ loại im lìm "tắm" sương đêm, chỉ thi thoảng, một chậu quất, chậu mai được "chốt" bán theo khách về nhà

Tiểu thương trắng đêm thấp thỏm 'canh' hoa, lo lắng ngóng khách mua ngày cận Tết ảnh 2

Những chiếc lán tạm bợ giúp hàng chục thương lái ở chợ hoa Tết vượt qua những đêm trắng "canh" hoa

Tranh thủ ngả lưng trên chiếc ghế xếp lúc nhàn rỗi, ông Nguyễn Dũng (huyện Tuy Phước, Bình Định) đăm chiêu ngó cả trăm chậu mai bonsai vẫn xếp dài trong bãi. Ông Dũng cũng không rõ đây là năm thứ mấy chở hoa ra Đà Nẵng bán Tết. Nhưng chưa năm nào, ông thấy thấp thỏm như năm nay.

“Buôn hoa Tết cũng như đánh bạc, lời ăn, lỗ chịu. Nhưng mọi năm, dù có ế ẩm lắm, tôi cũng bán hết hàng trước giao thừa. Còn năm nay, không biết như thế nào”, ông Dũng thở dài.

Cách đó không xa, anh Huỳnh Tấn Sang (SN 1979, TP Tuy Hòa, Phú Yên) đang thu dọn, bưng những chậu bonsai nhỏ dẹp gọn vào trong lán. Đây là năm đầu tiên anh Sang ra Đà Nẵng bán hoa Tết. Trước đó, đa phần anh Sang chỉ bán Tết ở các tỉnh Tây Nguyên.

Tiểu thương trắng đêm thấp thỏm 'canh' hoa, lo lắng ngóng khách mua ngày cận Tết ảnh 3

Anh Huỳnh Văn Sang bê những chậu bon sai nhỏ vào lán để cất trước khi tranh thủ ngả lưng

Ngắm cả trăm chậu bon sai lớn nhỏ vẫn chưa vơi bớt bao nhiêu sau cả tuần phơi nắng, phơi sương. Anh Sang lo lắng: “Chỉ tính riêng tiền thuê lô, tiền vận chuyển bon sai từ Tuy Hòa ra đây đã ngót nghét 30 triệu. Cả mấy hôm nay, tui chỉ bán được vài chậu, không biết mấy ngày sát Tết thế nào, chứ không là lỗ mất”.

Đến thời điểm hiện tại, khách mua hoa Tết dè dặt khiến những thương lái như ông Dũng, anh Sang thấp thỏm. Bởi không bán được hàng là không có tiền, lại thêm nỗi lo tìm xe cộ để chuyển hoa về lại.

“Như bán cúc, bán các giỏ hoa treo như đỗ quyên, mắt nai, cẩm chướng đơn… thì bỏ được vì vốn nhỏ, chứ như mai, bon sai… thì chịu chết. Chỉ có thể xoay xở kiếm mối xe để chở về”, ông Dũng lo lắng.

Mọi năm, anh Sang cũng xoay xở để bán hết số hàng Tết mang theo bởi bán khó nhưng chuyển về còn khó hơn. “Sợ nhất là phải chuyển các chậu không bán được về nhà, dịch dã, thêm nữa là ngày cuối năm, làm gì cũng khó khăn. Tui chỉ mong khách mua đông lên để vớt vát được chút nào hay chút đó”, anh Sang hi vọng.

Đón giao thừa trên Quốc lộ

Nhiều năm nay, cứ đến Tết, anh Sang lại gói gém quần áo theo những xe tải chở hoa đi khắp các tỉnh, thành. Mọi việc sắm sửa, chăm lo Tết trong nhà, anh giao hết cho vợ, 3 đứa con nhỏ sớm lắm cũng phải mùng 1 Tết mới gặp được bố.

Bấm đốt ngón tay, anh kể đã 4 năm liền, anh đón giao thừa trên đường Quốc lộ với tài xế vì chợ ế ẩm, bán đến sát tối muộn 30 Tết mới hết hoa. “Về đến nhà vừa xông đất luôn, năm nay chắc cũng như rứa. Biết là cực nhưng nếu năm trúng, bán hết cũng có thêm một khoản để trang trải trong năm mới. Những năm gần đây khó hơn vì dịch bệnh, người dân cũng không dám “xuống tiền” chơi Tết như trước”, anh Sang kể.

Tiểu thương trắng đêm thấp thỏm 'canh' hoa, lo lắng ngóng khách mua ngày cận Tết ảnh 4

Anh Lê Thông (áo xanh) phấn khởi vì "chốt" được cho khách một chậu quất giữa đêm muộn

Quen mặt với những thương lái lâu năm ở chợ hoa Tết Đà Nẵng, hầu như năm nào, anh Lê Thông (SN 1990, nhà vườn Lê Trung, phường Cẩm Hà, Hội An) cũng phụ bán hoa Tết ở đây. Ngoài thuê lô ở Đà Nẵng, nhà vườn cũng bán thêm 4 bãi hoa ở Hội An, Tam Kỳ và Quảng Ngãi.

Năm nay, do dịch bệnh, số quất Tết được chuyển ra Đà Nẵng ít hơn. “Nhà tôi bán cầm chừng, cứ thấy vơi hoa là chuyển thêm. Giá cây thì đa dạng từ vài trăm ngàn tới mười mấy triệu cũng có, phục vụ đủ nhu cầu của khách”, Thông kể.

Khách mua quất Tết đa phần đi ban ngày để ngắm thế cây, xem trái đẹp hay xấu. Khách đi ban đêm thì “khó” hơn, nhiều người còn rọi đèn để soi cho kĩ. Năm nào, Thông cũng xin ông chú phụ bán ở chợ Tết vì “ham vui”.

Tiểu thương trắng đêm thấp thỏm 'canh' hoa, lo lắng ngóng khách mua ngày cận Tết ảnh 5

Căn lều tạm cùng anh Thông canh hoa bán Tết nhiều năm nay. Hầu như năm nào anh cũng ra đây giúp nhà vườn bán hoa Tết vì "ham vui"

“Ra đây có lều để ngủ, khuya lạnh thì rít điếu thuốc chớ cũng không cực khổ chi. Có điều là chậu quất to, mỗi lần khách chốt mua thì bưng hơi cực. Mấy năm nay thời tiết cận Tết còn đỡ, chứ có năm mưa gió dầm dề, bán về là đau nằm qua Tết luôn”, Thông tếu táo.

So với những thương lái đang “đánh bạc” với trời, anh Thông ít lo lắng hơn bởi số quất Tết anh chuyển ra đều là nhà tự trồng. Thông nhẩm tính nếu cố gắng, chiều 29 bán xong về Tết là vừa, nếu không hết thì kiếm đường mời khách thuê quất, bí lắm mới chở về lại nhà vườn.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.