Ông Lê Văn Thương, trú tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc cho biết: Khi hay tin Ngân hàng Đầu tư và phát triển (đơn vị cho Nhà máy cồn Ethanol vay với số vốn lớn) được phát mãi, đơn phương bán nhà máy cồn này nên tiểu thương rất hoang mang, bởi đơn vị đang nợ các tiểu thương gần 20 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Ngọc Thanh, một tiểu thương ở tỉnh Kon Tum cầu cứu: “Rất mong chính quyền địa phương kịp thời can thiệp, nếu Nhà máy cồn Ethanol bị bán, ai sẽ là người trả nợ cho chúng tôi?”.
Ông Lê Phước Thanh cho biết, từ khi vụ việc xảy ra đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã có 8 văn bản, tờ trình gửi Chính phủ đề nghị giải quyết vụ việc. Mới đây nhất, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 17/1, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng xem xét gỡ bỏ khó khăn và tái cơ cấu cho Công ty CP Đồng Xanh sớm khôi phục sản xuất. Ngày 29/1, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn phúc đáp cho biết đã đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương chỉ đạo xử lý theo quy định.
“UBND tỉnh đã làm hết trách nhiệm của mình để mong giải quyết ổn thỏa tình hình nhà máy cồn. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên bà con cần phải kiên nhẫn chờ đợi”, ông Thanh nói. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trấn an, các tiểu thương đã ra về, tuy nhiên nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng và hoang mang bởi số tiền mà nhà máy cồn này còn nợ là rất lớn.
Như Tiền Phong đã thông tin, cuối năm 2012, Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân của Cty CP Đồng Xanh sau 2 năm đi vào sản xuất đã phải tạm dừng do thua lỗ và gặp khó khăn về vốn. Nhà máy cồn vỡ nợ khiến hàng chục tiểu thương lao đao, kéo nhau đến nhà máy dựng lều bạt, chặn xe đòi nợ.