> Hội thảo khoa học về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
> Gần 110 tỷ đồng nâng cấp đường Nguyễn Chí Thanh
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2014) và Xuân mới đã gõ cửa mọi nhà, xin kể lại câu chuyện này.
Nữ sinh dũng cảm
Nguyễn Thị Thiếu Anh là chị ruột tôi, một cựu nữ sinh Đồng Khánh, Huế, tác giả bài thơ “Chiếc nón Huế” viết năm 16 tuổi, được nhiều người biết. Có chuyện "gác bài" gạt vở vì hồi đó, Thiếu Anh được giao biên tập tờ báo “Xuân” của “Học sinh văn đoàn” Huế, do anh Hồ Mậu Đường làm “chủ bút”.
Gọi tờ “Xuân” là báo cho oai, chứ thực ra mỗi tháng chỉ ra hai kỳ và mỗi số chỉ gồm mươi trang viết tay trong một cuốn vở học sinh rồi chép ra 10-12 bản, luân chuyển cho các trường ở Huế xem.
Nội dung tờ báo là động viên tinh thần yêu nước , thương người nghèo khổ, cổ động dùng đồ nội hóa và khuyến khích việc dạy bình dân học vụ. Biên tập viên của tờ báo chỉ độ vài người, nhưng độc giả khá đông và tác giả gửi bài cũng nhiều.
Tuy là con quan, nhưng Thiếu Anh được tin cậy vì sớm bày tỏ tinh thần yêu nước nồng nàn. Bằng chứng là, khi một cô giáo người Pháp ngờ oan một học sinh trong lớp "cóp-pi", Thiếu Anh đã đứng lên thanh minh cho bạn; không ngờ cô giáo lại giận dữ đập bàn quát to: "Taisez-vous! Toutes les Annamites sont des voleus!" (Im đi! Việt Nam các chị đều là quân ăn cắp!) Thế là Thiếu Anh đứng phắt dậy, đáp trả: "Những người Pháp sang xâm chiếm Việt Nam đều là quân ăn cướp!" Và cô thà bị đuổi học vĩnh viễn, chứ nhất định không chịu cúi đầu xin lỗi "bà đầm" đã sỉ nhục cả dân tộc mình.
Lý do tế nhị
Mặc dù là tờ báo của những cây bút "nghiệp dư", bài không hợp nội dung phải “gác” lại là chuyện thường, nhưng trường hợp phải “gác” bài báo của vị “đại tướng tương lai” lại vì một lý do tế nhị.
Đó là vào khoảng năm 1936-1937, thời kỳ chàng thanh niên Nguyễn Vịnh (tên Nguyễn Chí Thanh thời trẻ), sau khi gặp Phan Đăng Lưu và Nguyễn Chí Diễu, vừa được giác ngộ cách mạng.
Một hôm, cô cháu gái của anh Nguyễn Vịnh - bạn học với Thiếu Anh, đưa cho Thiếu Anh một bài báo của anh gửi đăng vào tờ “Xuân” của “Học sinh văn đoàn”. Với những bài viết thông thường, nếu chủ bút bận, căn cứ vào tôn chỉ mục đích tờ báo, Thiếu Anh có thể quyết định dùng hay loại ra.
Nhưng lúc đọc bài của anh Nguyễn Vịnh, thấy tư tưởng rất sâu sắc, nhưng lời văn bộc lộ thái độ đả kích Pháp rõ rệt quá, nếu đăng vào tờ “Xuân”, mật thám xem được, chúng sẽ cấm “Học sinh văn đoàn” hoạt động, mà “gác” lại thì tiếc quá. Thiếu Anh đem thảo luận với anh Hồ Mậu Đường.
Anh Đường cũng đồng ý là nên gửi bài lại, đề nghị tác giả viết nhẹ nhàng hơn một chút, nhưng anh Nguyễn Vịnh không đồng ý chữa lại. Vì muốn tờ báo tồn tại và an toàn, Ban biên tập tờ “Xuân” đành không đăng bài báo quý giá ấy. Vả lại, nhóm làm báo học sinh ấy nào đã biết Nguyễn Vịnh là ai.?
Thật không ngờ, người thanh niên muốn dùng ngòi bút chống Pháp bị Ban biên tập tờ “Xuân” ách lại hồi nào đã trở thành một đại tướng nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.
Câu chuyện này, mãi tới ngày cùng ra Hà Nội học lớp dược tá với chị tôi, cô cháu gái của đồng chí Nguyễn Chí Thanh mới nhắc lại và bảo chị Thiếu Anh: “Cậu có biết tác giả bài báo mà các cậu không cho đăng ngày ấy vừa được phong chức đại tướng không?” Thật không ngờ, người thanh niên muốn dùng ngòi bút chống Pháp bị Ban biên tập tờ “Xuân” ách lại hồi nào đã trở thành một đại tướng nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.
Thật tiếc là chị tôi đã không giữ lại được bài báo đó để làm kỷ niệm. Biết đâu bài báo ấy về sau lại xuất hiện trên báo "Dân", mà theo nhà báo Hồng Chương, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một cộng tác viên tích cực.
(Báo "Dân" là cơ quan ngôn luận của nhóm "dân biểu xã hội" nhưng thực chất là tờ báo do Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo). Bài báo ấy tuy không xuất hiện trên tờ “Xuân” nhưng ý chí và tư tưởng của nó đã được đồng chí Nguyễn Chí Thanh vẫn giữ nguyên vẹn trong lòng mình. Nó đã “thăng hoa” nhờ tài thao lược của vị đại tướng từng góp phần quan trọng làm nên nhiều chiến công lừng lẫy của dân tộc ta.