Hãng tin Đài Loan CNA đưa tin Thiếu tướng La Viện phát biểu tại một hội nghị về quân sự ở Thâm Quyến hôm 20/12 về thực trạng quan hệ Trung - Mỹ đã nói rằng mâu thuẫn thương mại hiện nay giữa hai nước “chắc chắn không đơn giản là chia rẽ về kinh tế và thương mại”, mà là “vấn đề chiến lược hàng đầu”. Ông La tuyên bố các tên lửa hành trình và đạn đạo chống hạm hiện đại của Trung Quốc “thừa khả năng bắn trúng các tàu sân bay Mỹ”, dù chúng được vây quanh bởi các đoàn hộ tống.
“Điều mà Mỹ sợ nhất là thương vong”, ông La nói. Ông này cho rằng một tàu sân bay Mỹ bị đánh chìm sẽ khiến 5.000 quân nhân Mỹ mất mạng. Con số đó sẽ tăng gấp đôi nếu hai tàu sân bay Mỹ bị đánh chìm.
Thiếu tướng La, hiện là phó giám đốc Học viện khoa học quân sự Trung Quốc, nói rằng có thể tấn công vào 5 điểm yếu của Mỹ, gồm quân đội, tiền, tài năng, hệ thống bầu cử và nỗi sợ kẻ thù. Các siêu tàu sân bay của Mỹ được coi là trái tim của hải quân và là hiện thân sức mạnh quốc gia của Mỹ. Với mức đầu tư 8,5 tỷ USD/chiếc, các tàu sân bay Mỹ còn là khoản đầu tư kinh tế lớn. Nhưng vai trò của chúng trong chiến tranh thời hiện đại đang bị nghi ngờ.Một số nhà phân tích quân sự cho rằng những tiến bộ công nghệ hiện nay khiến những tàu sân bay trở nên lạc hậu. Với sự ra đời của các hệ thống radar và vệ tinh hiện đại, tàu sân bay không còn lợi thế ở xa tầm mắt của kẻ thù.
Sau khi ông James Mattis, một người được đánh giá là đáng tin cậy và chừng mực trong đội ngũ lãnh đạo Mỹ, từ chức bộ trưởng quốc phòng, giới quan sát cho rằng quan điểm và phong cách của người kế nhiệm ông sẽ đóng vai trò quan trọng đối với quan hệ quân sự Mỹ - Trung và nguy cơ hai cường quốc va nhau trên biển.
Đặc biệt, với việc ông Trump quyết định đột ngột và đơn phương rút quân khỏi Syria, các nước đồng minh và bạn bè của Mỹ ở Đông Nam Á có thể nhận ra rằng họ cần phải tự lực, các nhà phân tích nhận định.
Một số vấn đề đang chờ được theo dõi gồm: Mỹ sẽ làm gì nếu xảy ra một vụ tàu chiến Trung Quốc chặn tàu chiến Mỹ trên biển Đông tương tự như vụ tàu Decatur gần đây?
Reuters vừa dẫn dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc đang thương lượng nói rằng Trung Quốc muốn cấm các cường quốc ngoài khu vực tập trận trên biển Đông, trừ khi được các bên ký kết COC đồng ý. Bắc Kinh cũng muốn loại các hãng dầu khí nước ngoài khỏi hoạt động khai thác dầu khí trên biển Đông. “Điều này là không thể chấp nhận được”, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao Đông Nam Á nói về đòi hỏi cấm các nước ngoài khu vực tập trận.