Tiêu cực, suy thoái do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực

TP - Sáng 5/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các vị ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo MTTQ qua các thời kỳ vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong đề nghị sửa đổi luật Đất đai để khơi thông nguồn lực phát triển

Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị giải pháp tăng cường quản lý đảng viên; xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, suy thoái.

Hư hỏng nhiều vì thiếu tu dưỡng

Cho biết nhân dân hoan nghênh thái độ kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, kể cả đối với các cán bộ có vị trí công tác cao, song ông Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định, tham nhũng, lãng phí còn rất lớn. “Tình trạng này ai cũng thấy rõ, tiếp tục xảy ra trên phạm vi cả nước”, ông Dũng nói. 

Theo ông Dũng nguyên nhân chính là do chúng ta chưa tận dụng sự phát hiện của quần chúng nhân dân. Vì thế, các chi bộ Đảng cần có trách nhiệm cao hơn trong việc quản lý đảng viên. “Nếu sinh hoạt của các chi bộ Đảng là thực sự nghiêm túc thì không có lý do gì không phát hiện được sự sa ngã của từng đảng viên, kể cả đảng viên đang giữ cương vị cao trong Đảng, Nhà nước”, ông Dũng nói. 

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, suy thoái là do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Cần lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. “Phải lấy lại gương mặt tự trọng, liêm sỉ, kỷ luật sắt cho cán bộ, đảng viên. Mặt khác, phải kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của họ và công khai cho nhân dân giám sát, tránh bệnh hình thức như lâu nay”, ông Kim kiến nghị. Theo ông Kim, vừa qua, cán bộ hư hỏng nhiều cũng một phần do thiếu tu dưỡng, rèn luyện; xây dựng cán bộ cấp chiến lược phải rút ra bài học quý giá.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám mong muốn, mỗi đại biểu khi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cần phải “nói sự thật, nhìn thẳng vào sự thật”. Một trong những sự thật ấy được ông Thám nêu ra, là có nhiều đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm, kể cả đảng viên cấp cao, đều được kết luận là “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”. Trong khi đó, tập trung dân chủ là nguyên tắc cốt lõi trong sinh hoạt và tổ chức đảng. “Đại hội kỳ này phải lý giải nội hàm nguyên tắc nó như thế nào mà đảng viên cứ vi phạm hoài vậy. Cũng cần phải xem thực hiện dân chủ trong đảng lúc này đã được chưa”, ông Thám đặt vấn đề.

Sửa Luật Đất đai để khơi thông nguồn lực 

 Đề cập đến chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ông Vũ Trọng Kim đề nghị nhiệm kỳ tới, cần tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá về thể chế là quan trọng nhất. Ông Kim đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, nhất là những nội dung liên quan đến việc mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất, tăng thêm quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư. Chính sách đất đai cũng phải tuân thủ quy luật thị trường, như quan hệ cung cầu thể hiện bằng chính sách, giá cả… Đồng thời mở rộng chính sách cho người nước ngoài đầu tư bất động sản, giảm bớt điều kiện ràng buộc về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. 

Với đột phá nguồn nhân lực, ông Kim kiến nghị có chính sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng trẻ, tín dụng cho sinh viên học tập; khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là đón đầu sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu đang và sẽ diễn ra, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng. 

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước đề nghị kiểm điểm vấn đề phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, xử lý nợ xấu, xây dựng hệ thống tín dụng lành mạnh, an toàn. Bên cạnh đó cần nhấn mạnh vào việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; đánh giá sâu sắc, đồng bộ về lĩnh vực giáo dục, kể cả giáo dục ngoài công lập, giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập. 

Theo bà Doan, một quốc gia muốn phát triển phải đầu tư cho giáo dục, phải có một nền giáo dục toàn diện hiện đại. “Nếu chúng ta quan tâm con người là yếu tố quyết định thì cần thay đổi tư duy trong vấn đề này. Cần quan tâm giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập, chứ hiện nay mới chỉ quan tâm đến giáo dục chính quy. Một xã hội học tập mới là con đường dài”, bà Nguyễn Thị Doan nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, kinh tế thị trường phải theo quy luật thị trường, trước hết là phải tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử; thứ hai là theo quy luật cung cầu; thứ ba là quy luật cạnh tranh; thứ tư là ủng hộ khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, những điều này phải đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa. “Trước đây chúng ta quan điểm bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa là ở phân phối, nhưng không phải, mà nằm ở mục tiêu. Mục tiêu là lấy con người là trung tâm, thành quả của sự phát triển là của đại đa số nhân dân, của mọi người dân. Cho nên lấy nhân dân làm trung tâm là bản chất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, ông Thắng phân tích.