Tiết Thượng nguyên Đền Thượng

Linh thiêng gốc đa Đền Thượng (Lào Cai)
Linh thiêng gốc đa Đền Thượng (Lào Cai)
TP - Ngày 17 tháng 2 nhằm đúng tiết Thượng nguyên Rằm tháng Giêng, tôi may mắn có mặt tại nơi hợp lưu của dòng Nậm Thi và sông Hồng, được xoải mình dưới tán rợp mát lành của gốc thụ mộc gần 500 năm tuổi- cây đa thiêng trước đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn có tên là Đền Thượng…
 Linh thiêng gốc đa Đền Thượng (Lào Cai)
Linh thiêng gốc đa Đền Thượng (Lào Cai) . Ảnh: X.B

Có thể coi là một sự lạ bởi nơi địa đầu biên giới từng qua bao tao loạn trận mạc nay là cửa ngõ giao thương giữa hai tỉnh Vân Nam và Lào Cai lại tồn sót một thứ thụ mộc lụ khụ đến dường này? Từng quen mắt bao bận được quan chiêm những gốc đa cổ có tuổi thọ kém hoặc nhỉnh hơn nhưng ngó những rễ đa trước Đền thiêng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn thấy cứ rân rân ấm áp bao điều về chủ quyền cương vực quốc gia.

Nơi cùng hương tịch nhưỡng đây từ thuở lập quốc cũng là vị trí là địa thế hiểm yếu. Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt/Khói cam tuyền mờ mịt thức mây… Không biết thuở Trần Hưng Đạo có dồn dập những hồi trống thúc báo giặc giã không nhưng thứ khói lửa màu vàng khé báo giặc phương Bắc tràn sang đã ngún, đã phụt lên đầu tiên ở ngọn đồi có tên là Hỏa Hiệu nay sừng sững miếu thờ Ngài.

Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn rằng, khói và lửa từ ngọn đồi Hỏa Hiệu nơi địa đầu Đại Việt của đất Lào Cai này lan thúc sang các vị trí hỏa hiệu khác từ đây cho đến kinh thành Thăng Long để vua tôi nhà Trần biết được mà kíp việc binh bị là bao lâu?

Dưng mà kỳ diệu thay, nhà Trần của Đại Việt chưa bao giờ bị bất ngờ cả! Chính sử cũng chưa thấy chép nơi ngọn đồi đây đã xảy ra những lần núi sông xương máu của cuộc chiến tranh vệ quốc nhưng hậu thế đã làm cái việc lập Đền thờ Ngài như một thông điệp của sự cảnh giác lẫn tuyên bố, khẳng định cương vực chủ quyền. Đền thờ Ngài bên sườn mỏm đồi thiêng có tên là Hỏa Hiệu là thế…

Rồi kia nữa, Miếu thờ Bà chúa Thượng Ngàn (Nữ chúa rừng xanh) cũng được hằn lõm sâu vào gốc đa cổ. Tương truyền, trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Bà đã linh ứng giúp cho việc giữ gìn bờ cõi nước Nam. Ghi ơn Bà, dân lập miếu thờ ngay dưới gốc cây đa.

Tương truyền Bà linh lắm. Cầu tất ứng cảm tất thông. Chả thế mà bên Miếu có câu Thụ mộc đa sinh, sinh thế thế/ Tiên cô hóa hiện, hiện linh linh (Đa cổ sinh ra đã có thế lạ /Tiên cô hóa hiện, mang đến sự linh thiêng).

Chả phải cất công chi nhiều, đảo ven Đền một lượt đã lượm được những mảnh gạch ngói vàng ngà xuộm xám màu thời gian. Thứ màu ấy nói rằng, ngôi đền thiêng này từng đổ nát và qua nhiều lần tu tạo. Lần tu sửa khang trang gần đây đã nối được cái nếp thuở xưa cứ đúng tiết Thượng nguyên Rằm tháng Giêng là Đền Thượng mở cửa đón khách thập phương kìn kìn kéo nhau về vùng đất linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc dự hội để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc. Đền Thượng nằm trong quần thể di tích văn hóa ở mảnh đất địa đầu xứ Bắc bao gồm: Chùa Tân Bảo, Đền Am, Đền Mẫu, Đền Cấm, Đền Quan.

… Nườm nượp du khách đang châu tuần trước nghi môn có bức hoành phi Văn hiến tự tại. Lại có đôi câu đối thật tương xứng Việt khí linh đài hoành không lập/ Đông A hào khí vạn cổ tồn (Nước Việt đài thiêng tạc ngang trời đất/ Nhà Trần hào khí còn mãi với non sông).

Mặt sau nghi môn là bức đại tự Quốc Thái dân an với hai câu đối không kém vẻ hoành tráng Thiên địa dịu y, thiên địa cựu/ Thảo hoa kim dị, thảo hoa tiền (Trời đất vẫn nguyên, trời đất cũ/ Cỏ hoa nay khác, cỏ hoa xưa).

Đứng như chôn chân mà ngẫm đôi câu đối uẩn súc này, chợt nhớ đến ngữ nghĩa trong câu thơ của Trần Thánh Tông sau khi dẹp xong giặc nước Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tĩnh/ Kim niên du thắng cựu niên du (Bốn biển sạch làu bụi trần bặt/ Cuộc chơi năm nay hào sảng hơn cuộc đi năm xưa).

Chiếc oản nặng 448 kg bà con các dân tộc phường Kim Tân dâng lên Đền Thượng
Chiếc oản nặng 448 kg bà con các dân tộc phường Kim Tân dâng lên Đền Thượng.

Trong âm thanh hội hè ồn ã, người trăm vùng trăm tiếng, tôi thoáng nghe âm sắc không phải là tiếng quan hỏa của vùng Quảng Đông, Quảng Tây mà là mồn một quan thoại Bắc Kinh. Trước đó, tôi cũng được giới thiệu là mỗi bận mở hội Đền Thượng vào tiết Thượng Nguyên như thế có rất nhiều du khách Trung Quốc tìm sang dự hội.

Đợi cho tốp du khách nói tiếng Hoa sau khi thành tâm dâng hương chỗ đền chính, tôi lại gần một vị đứng tuổi mái tóc lốm đốm bạc. Ông cho hay ông tên là Phương Hòa, giáo viên một trường trung học ở Nam Ninh. Ông từng đến du lịch Việt Nam một lần. Lần này ông đưa cả gia đình từ Nam Ninh sang.

Điểm dừng chân đầu tiên là Lào Cai và Đền Thượng là nơi đầu tiên ông đến. Cụm từ mà ông Phương Hòa nói nhiều nhất là hộ quốc an dân như tinh thần bức đại tự trong Đền Trần. Ông còn biết Trần Hưng Đạo được dân Việt sùng kính như Quan Công bên Trung Quốc. Ông nói, phàm những vị có công với dân thì sự kính trọng có tính quốc tế hóa, chứ không riêng một nước.

Dứt câu chuyện với vị giáo viên trung học, tôi tha thẩn ra mé sau Đền thả bước hồi lâu dưới hàng xích tùng. Giống thông quý này gây trên đồi Hỏa Hiệu mới gần 20 năm mà đã mau mắn có dáng. Thứ xích tùng này du khách thường bắt gặp hiếm hoi trong những lần chiêm quan Yên Tử theo lối leo bộ.

Đường xích tùng Đền Thượng nhìn sang bên kia biên giới
Đường xích tùng Đền Thượng nhìn sang bên kia biên giới.

Mạch nguồn linh khí nhà Trần dường như có chi đó phò trợ cho giống thụ mộc này sinh sôi? San sát những hàng xích tùng trên đồi Hỏa Hiệu này chả mấy hột thời gian nữa sẽ vững chãi như những cột mốc biên cương? Từ đồi Hỏa Hiệu này ngó ra đường biên rõ mồn một những cánh rừng cao su bên nước láng giềng.

Chao ôi, đất có tuần, nhân có vận. 17 tháng 2 bữa nay đây, ngược về cái ngày tao loạn năm ấy… Những năm ấy mấy ai dám nghĩ, dám chia ở thì tương lai cái ngày như bữa nay được song hành cùng người hàng xóm dâng hương lên vị nhân thần của nước Việt hộ quốc an dân không nhỉ?

Không khí Đền Thượng càng thêm náo nhiệt khi đám rước của đại diện con dân phường Kim Tân của thành phố Lào Cai dâng lên chính cung khẩu oản với trọng lượng hơi bị khủng: 487 kg! Khẩu oản này được đóng bằng 320 kg gạo nếp của bà con làm nông của phường.

Anh Thắng, Đội phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, người nhiệt tình dẫn tôi đi lễ Đền từ đầu, phải khó khăn lắm mới dứt tôi khỏi phần lễ để có thời gian mà đáo qua phần hội. Qua anh Thắng, tôi được biết, nằm trong Chương trình Du lịch về cội nguồn hợp tác giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, quần thể di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Đền Thượng là điểm đến lý tưởng của du khách.

Ngoài các hoạt động văn hóa tâm linh, tìm hiểu phong tục tập quán, thưởng thức món ăn đặc sản truyền thống của các dân tộc Lào Cai, tại đây còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và trò chơi dân gian, gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống hấp dẫn du khách.

Tôi phải gấp nhảo chân để theo kịp anh Thắng như anh nói phải đảo qua gian hàng của mười mấy phường đang có mặt tại lễ hội. Năm nay, thành phố Lào Cai đứng ra tổ chức nên khá xôm tụ. Mỗi phường đều có sản vật dự hội. Nào là cá hồi của thôn Phìn Hồ Thầu, xã Tả Phời; dứa của gia đình ông Phàn A Bông người Mông bản Cầu Xum; rượu thóc Toong Sành; măng đắng Long Khánh; thảo quả của Trung tâm Dạy nghề Phú Minh…

Bệt giữa một gian hàng Hội Đền Thượng, khẽ nhấp thứ rượu ngô Mường Khương nồng nàn đưa cay bằng bát thắng cố hôi hổi đắng, tôi biết dẫu hội có xôm tụ cỡ nào, hình thức buôn bán giao lưu dẫu phong phú đến đâu cũng khó mà đưa bà con các dân tộc Lào Cai thoát khỏi nghèo. Phải có những quyết sách, những cú hích… Mà hình như những cú hích ấy đã ló dạng?

Buổi sáng ngồi với ông Nguyễn Đình Phiên, Cục trưởng Hải quan Lào Cai. Hậu cuộc gặp không phải đọng lại cái cảm giác náo nức lâng lâng của thành tích vượt thu ngân sách năm 2010 của Hải quan Lào Cai (795 tỷ đồng, đạt 139% chỉ tiêu mà UBND tỉnh và Tổng cục Hải quan giao, tăng 20% so với năm 2009), mà là con số trên 2 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ qua cửa khẩu Lào Cai vào năm 2013 khi tuyến đường bộ xuyên Á từ Vân Nam thông với Việt Nam và các nước ASEAN.

Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông thương bằng đường bộ với 3 nước (Việt Nam, Lào, Myanmar) trên 3 tỷ USD thì non một tỷ USD qua cửa khẩu với Việt Nam chủ yếu qua Lào Cai. Biên ra con số đó để đủ biết cái vị trí đắc địa của yết hầu kinh tế đang nằm dưới chân Đền Thượng quan trọng đến như thế nào. Rồi sẽ xôm tụ, sẽ mở ra những dịch vụ, công ăn việc làm xung quanh sự thông thương ấy.

Những phần xác sẽ vợi đi bao thứ tất tả. Rồi phần hồn sẽ thanh thản bao nhiêu khi các con dân nước Việt thư thả về với lễ với hội thiêng Đền Thượng Lào Cai mỗi dịp tiết Thượng nguyên!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG