Với lượng khán giả lớn, Bollywood cùng các trung tâm sản xuất phim khác hình thành nền công nghiệp phim phát triển ở Ấn Độ. Đây cũng là một trong những quốc gia có lò luyện hoa hậu lớn và chuyên nghiệp nhất thế giới. Mỗi năm, hàng nghìn cô gái từ tỉnh lẻ tới thủ đô Mumbai theo đuổi giấc mộng làm ngôi sao.
Tuy nhiên, không ít trong số đó đã và đang gánh chịu áp lực nặng nề ở thủ đô thương mại và giải trí nước Ấn. Trường hợp diễn viên Pratyusha Banerjee mới đây dấy lên hồi chuông cảnh báo về áp lực tinh thần của những nghệ sĩ tại đây.
Từ khi chập chững vào nghề, không ít cô gái đã đối diện cám dỗ của những tài tử nổi tiếng hay đạo diễn, nhà sản xuất. Nam diễn viên Shakti Kapoor từng bị ghi lại video dụ dỗ một cô gái ấp ủ giấc mơ vào showbiz. Trong đó, anh thẳng thừng đề nghị quan hệ tình dục với cô gái này và hứa hẹn giúp cô qua lớp đào tạo diễn xuất và vũ đạo, giới thiệu cô với các đạo diễn tên tuổi. "Anh muốn nói thế này... Nếu muốn vào ngành này, em phải làm theo những gì anh bảo", Shakti Kapoor nói trong video. Shakti Kapoor còn đưa ra ví dụ ba nữ diễn viên có được vai diễn nhờ quan hệ tình dục với nhà sản xuất và đạo diễn.
Sự việc từng gây xôn xao dư luận Ấn Độ, có người bất ngờ, cũng có người nói đó là chuyện thường xảy ra trong showbiz. Tuy nhiên "quy tắc chìm" này cùng những mâu thuẫn trong cuộc sống đã khiến diễn viên Kuljeet Randhawa treo cổ tự tử năm 2006. Trước khi chết, cô để lại thư tuyệt mệnh với nội dung cô không chịu nổi áp lực.
Áp lực sinh tồn trong làng giải trí chính là nỗi lo lớn của các diễn viên. Dù nổi tiếng với Cô dâu 8 tuổi, Pratyusha cảm thấy bất an về sự nghiệp của mình. Trước khi tự tử hôm 1/4, cô gọi điện cho bạn bè bày tỏ sự chán nản vì không có vai diễn phù hợp.
Nếu không kiếm được vai diễn, có người chọn con đường hoạt động mờ ám để mưu sinh. Năm 2014, diễn viên Shweta Prasad bị bắt vì bán dâm. Khai nhận với cảnh sát, Shweta nói cô không kiếm được tiền trang trải cuộc sống vì không nhận được vai diễn phù hợp, từ đó nghe theo lời dụ dỗ đổi chác tình - tiền. Chọn nghề diễn viên khiến cô thê thảm, nghèo khổ. Shweta hé lộ thêm "có rất nhiều sao nữ cũng làm thế do hoàn cảnh sống xô đẩy".
Ấn Độ là quốc gia còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tư tưởng đó cũng thể hiện trong môi trường phim ảnh, khi các diễn viên nam được phép chọn bạn diễn nữ cho mình. Không ít nữ diễn viên có chút tên tuổi vẫn chịu đóng cảnh nhảy múa khêu gợi, các vai mờ nhạt vì sợ không có sản phẩm mới, tên tuổi bị lãng quên hoặc bị các người đẹp mới vào showbiz cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ nữ chịu thiệt thòi khi tư tưởng chưa thực sự được giải phóng, bởi họ cảm thấy bị phụ thuộc vào đàn ông. Chuyên gia tâm lý Seema Hingorani mới đây phân tích trên tờ Indian Express rằng ở Ấn Độ, nhiều sao nữ lo sợ người khác bàn tán nếu bản thân không có người đàn ông nào bên cạnh. Còn chia tay bạn trai hay mâu thuẫn với người yêu là điều đáng sợ với họ. Không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để tuyên bố mình chia tay.
Diễn viên quá cố Jiah Khan.
Trường hợp của Pratyusha Banerjee, nhiều bạn bè của diễn viên khẳng định quan hệ giữa cô và Rahul Raj Singh trục trặc. Cô còn bị Rahul đánh ở nơi công cộng, bị bạn gái cũ của Rahul đe dọa... Tuy nhiên Pratyusha vẫn giữ mối quan hệ và đặt may váy cưới để kết hôn cùng anh. Dường như bạo lực phần nào được chấp nhận với phụ nữ Ấn. Trong một khảo sát do chính phủ nước này thực hiện, có 54% phụ nữ nói rằng chồng có lý khi đánh vợ.
Không chỉ Pratyusha Banerjee, từng có những mỹ nhân tài sắc Ấn Độ tìm đến cái chết do đổ vỡ quan hệ tình cảm. Nafisa Joseph - Hoa hậu Hoàn vũ Ấn Độ 1997 - tự tử vì chồng chưa cưới dọa hủy hôn. Còn diễn viên Jiah Khan treo cổ tự tử khi bạn trai có người tình khác.
Ngoài Ấn Độ, môi trường giải trí khắc nghiệt ở Hàn Quốc cũng khiến nhiều nghệ sĩ tìm đến cái chết. Diễn viên Jang Ja Yun tự tử năm 2009, để lại thư tuyệt mệnh tố cáo cô bị ông chủ ép ngủ với hàng chục người đàn ông. Năm 2015, nữ diễn viên Kang Doo Ri tìm đến cái chết vì cảm thấy khổ sở, cuộc sống tồi tệ - dù bấy giờ Doo Ri mới vào làng giải trí một thời gian ngắn.