Công tác quản lý vận hành các Nhà máy xử lý nước thải đô thị tại Việt Nam hiện đang được giao chủ yếu bằng hai hình thức: Một là, chỉ định cho các công ty về môi trường hoặc cấp – thoát nước địa phương. Các đơn vị này thường không có nhân sự kinh nghiệm mà phải huy động các nhân sự đang làm việc khác hoặc tuyển mới để đơn vị thi công đào tạo, trong đó kinh phí đào tạo của Nhà nước. Hai là, giao cho các đơn vị có chuyên môn và kinh nghiệm thông qua đấu thầu hoặc chào giá cạnh tranh. Các đơn vị này có sẵn nhân lực chuyên môn và có kinh nghiệm, không phải qua công tác đào tạo và có thể tiếp nhận ngay công tác quản lý vận hành.
Trước đây, công tác quản lý vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở dự kiến được giao theo hình thức thứ nhất, tuy nhiên đây là Nhà máy có công suất lớn, hiện đại nên UBND thành phố Hà Nội quyết định giao cho đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm là Công ty CP Ðầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Ðiền, bằng chào giá cạnh tranh và qua đó giải quyết được các vướng mắc so với đơn vị cũ. Thực tế qua quá trình chuyển giao giữa các hình thức đã cho thấy một cách nhìn mới về công tác quản lý vận hành các Nhà máy xử lý nước thải.
Ðổi mới quản lý, vận hành
Trước đây, công tác quản lý vận hành một nhà máy xử lý nước thải thường được hiểu chỉ là công tác vận hành theo quy trình công nghệ của Nhà máy đã được xây dựng; Nhà nước thanh toán theo các chi phí điện, hóa chất, nhân công - kể cả công tác đào tạo cho các nhân công này mà đơn vị vận hành thực tế chi trả theo giám sát của một cơ quan nhà nước. Phương thức này hoàn toàn không gắn liền với sản phẩm cuối cùng là m3 nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn; hoàn toàn không khuyến khích đơn vị đổi mới quản lý, đầu tư công nghệ và nhân lực có chuyên môn cao, dẫn đến không tiết kiệm. Nó cũng không khuyến khích đơn vị vận hành có các biện pháp đảm bảo tuổi thọ lâu dài của thiết bị, công trình khi mà việc sửa chữa các hỏng hóc được thực hiện theo đề xuất của đơn vị vận hành.
Lần đầu tiên tại Hà Nội, công tác quản lý vận hành nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đã được UBND thành phố Hà Nội mạnh dạn giao cho một đơn vị có chuyên môn và kinh nghiệm là Công ty CP Ðầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Ðiền thực hiện quản lý vận hành từ 1/10/2013, bằng chào giá cạnh tranh so với đơn vị cũ, theo sản phẩm cuối cùng là m3 nước thải được xử lý đạt yêu cầu theo quy định. Một khoản kinh phí lớn mà UBND thành phố đã tiết kiệm được - tiết kiệm được 60% , tương đương hàng trăm tỷ đồng mỗi năm so với đơn vị dự kiến được giao chỉ định trước đây. Không những thế, vì có chuyên môn và kinh nghiệm, đơn vị đã đưa Nhà máy vận hành xử lý đạt các thông số Nitơ, Phốtpho – là các thông số ô nhiễm cao trong nước thải đầu vào - đạt yêu cầu theo quy định mà đơn vị trước đây không đảm bảo đạt.
Quản lý vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở (Hà Nội) đã được đổi mới theo hướng x hội hóa. Ảnh: M Tuấn.
Không chỉ là tiết kiệm!
Nhà máy xử lý nước thải là công trình công nghệ liên quan đến nhiều lĩnh vực từ công nghệ, sinh học, điện, điều khiển,... phải có nhiều nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật công nghệ mới mới có thể nắm bắt và làm chủ được, từ đó mới phát huy được đầy đủ các hiệu quả của Nhà máy. Do đó không thể thực hiện theo cách hiện nay là nhà thầu đào tạo cho đơn vị chưa có kinh nghiệm trong một thời gian ngắn, thường chỉ 3 - 6 tháng mà có thể vận hành được!
Thực tế tại nhà máy xử lý nước thải Yên Sở cũng như một số nhà máy xử lý nước thải khác cho thấy, những khoản kinh phí của Nhà nước đã được chi trả cho đào tạo nhưng kết quả như đã thấy là đơn vị không thể tiếp nhận để vận hành, chưa kể đến công tác đào tạo để thay thế nhân sự trong suốt quá trình hoạt động của Nhà máy. Công tác quản lý vận hành còn bao gồm cả công tác bảo dưỡng, bảo trì mà chỉ có các nhân lực có chuyên môn sâu các ngành nghề mới có thể đảm nhận được. Nhân sự được đào tạo trong một thời gian ngắn sẽ không thể đảm nhiệm được tốt công việc này và do đó tuổi thọ của công trình sẽ không đảm bảo. Ðặc biệt là giai đoạn bảo hành, cần có một đơn vị có chuyên môn và kinh nghiệm như đơn vị quản lý vận hành và bảo dưỡng tại nhà máy xử lý nước thải Yên Sở mới có thể giúp thành phố quản lý được các sai sót, khiếm khuyết, hỏng hóc của công trình.
Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng đấu thầu giao đến sản phẩm cuối cùng, không những chỉ xử lý nước thải mà còn các dịch vụ công ích khác như xử lý rác, vệ sinh môi trường và thực sự đã tiết kiệm được những khoản kinh phí lớn cho thành phố.
Thực tế tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đã phát hiện được hơn 500 lỗi và yêu cầu nhà thầu bảo hành kịp thời. Thực sự là khó khăn nếu như cách làm cũ tiếp tục tồn tại: “học trò” là đơn vị vận hành phát hiện các lỗi để yêu cầu “thầy” là nhà thầu bảo hành. Việc xác định đúng, đủ các lỗi, sai sót, khiếm khuyết, hỏng hóc trong giai đoạn bảo hành là rất quan trọng, vì sau giai đoạn bảo hành thì mọi khắc phục phải do ngân sách nhà nước chi trả.
Nghị định 80/2014/NÐ-CP quy định chi phí đầu tư, vận hành hệ thống thoát nước trên cơ sở “Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm; nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước”. Có nghĩa tiến tới người dân phải đóng góp toàn bộ các chi phí đầu tư cũng như quản lý vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, duy tu, sửa chữa các hệ thống thoát nước, do đó việc tiết kiệm là rất quan trọng. Việc tiết kiệm cũng sẽ giúp có chi phí để đầu tư, vận hành hiệu quả hơn các hệ thống thoát nước góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Việc có phát huy được hiệu quả của công trình hay không phụ thuộc vào kinh nghiệm của đơn vị quản lý vận hành. Thực tế tại nhà máy xử lý nước thải Yên Sở cho thấy rõ ràng đơn vị quản lý vận hành có chuyên môn, kinh nghiệm giúp tạo thêm một nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển bằng cách tiết kiệm chi phí.
Cần đẩy mạnh xã hội hóa
Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng đấu thầu giao đến sản phẩm cuối cùng, không những chỉ xử lý nước thải mà còn các dịch vụ công ích khác như xử lý rác, vệ sinh môi trường và thực sự đã tiết kiệm được những khoản kinh phí lớn cho thành phố.
Trong giai đoạn gần đây, công tác lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ công ích nói chung, công tác quản lý vận hành nhà máy xử lý nước thải nói riêng đã được sự quan tâm lớn của Chính phủ, đưa vào Luật đấu thầu năm 2013, Nghị định 130/2013/NÐ-CP quy định hướng đến việc cạnh tranh trong hoạt động công ích nói chung; Nghị định 80/2014/NÐ-CP cũng quy định việc lựa chọn đơn vị thoát nước tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành về cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Hoạt động công ích được khuyến khích đấu thầu cạnh tranh và quan tâm đến sản phẩm cuối cùng. Xu hướng này là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, giúp tiết kiệm và đảm bảo chất lượng hơn khi thực hiện cạnh tranh.
Bằng việc gắn liền chất lượng, chi phí với từng m3 nước thải xử lý đạt tiêu chuẩn, với thực tế tại nhà máy xử lý nước thải Yên Sở cho thấy mỗi đơn vị có thể vận hành đạt chất lượng với chi phí khác nhau. Việc vận hành hiệu quả một nhà máy xử lý nước thải không những chỉ được đánh giá ở góc độ đạt được về mặt môi trường, sức khỏe con người mà còn cần phải đánh giá ở góc độ hiệu quả kinh tế. Các chính sách của Nhà nước, cách làm của một số địa phương như Hà Nội đã bắt đầu góp phần tạo sự biến chuyển mạnh mẽ đối với công tác quản lý, vận hành các công trình xử lý nước thải.