Tiết kiệm kiểu lính

TP - Nhiều năm nay, công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại Đoàn cơ sở Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 và nhiều cơ quan, đơn vị Quân khu 1 luôn có cách làm mới, sát thực tế, lôi cuốn, cổ vũ đông đảo thanh niên tham gia.
Mô hình cắt tóc thanh niên, góp phần gây quỹ hoạt động Đoàn ở Quân khu 1. Ảnh: Chí Dũng.

Mô hình thiết thực

Vừa nhận hơn 600 nghìn đồng từ tháng phụ cấp đầu tiên trong quân ngũ, chiến sĩ Phạm Văn Chiến (Tiểu đội 8, Trung đội 5, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3) đã có kế hoạch chi tiêu cho riêng mình. Sau khi nhẩm tính số tiền mua các loại nhu yếu phẩm cần thiết, Chiến quyết định giữ lại 200 nghìn gửi Chính trị viên đại đội giữ hộ để dịp thích hợp gửi về gia đình phụ giúp bố, mẹ nuôi em nhỏ đang ăn học.

Không riêng gì Chiến, tất cả đoàn viên, thanh niên trong Trung đoàn đều tích cực hưởng ứng phong trào “Tiết kiệm phụ cấp gửi quà tặng người thân”. Nhiều chiến sĩ sau khi xuất ngũ đã mua được ti vi, tủ lạnh, máy giặt, mua trâu, bò… giúp gia đình vơi bớt khó khăn.

“Chúng tôi hướng đoàn viên, thanh niên đến những việc làm cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện gần gũi với đời sống bộ đội để mỗi người tự “ngấm” vào mình, từ đó tích cực hưởng ứng và cùng thi đua thực hiện”. 

Thiếu tá Phạm Bắc Hà, Trưởng ban Thanh niên Quân khu 1

Trung tá Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chính ủy Trung đoàn 246 cho biết: Phong trào tiết kiệm phụ cấp được phát động từ đầu năm 2014, đến nay đã thu hút 100% hạ sĩ quan, chiến sĩ tham gia, với mức tiết kiệm hằng tháng ít nhất 100.000 đồng với chiến sĩ mới nhập ngũ, nhiều chiến sĩ năm thứ 2 và có thâm niên tiết kiệm trên 1 triệu đồng/tháng. Mô hình được nhân rộng trong toàn Sư đoàn. Theo thống kê, số tiền tiết kiệm của đoàn viên gửi về các gia đình là trên 1 tỷ đồng.

Từ thực tiễn hoạt động của bộ đội, nhiều loại chai nhựa, lon nước đã qua sử dụng để vương vãi không đúng vị trí, vừa gây lãng phí lại mất mỹ quan. Tháng 4/2015, Đoàn cơ sở Trung đoàn 246 đã phát động phong trào “Tiết kiệm thanh niên xây dựng đơn vị chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp”. Mỗi người bằng hành động nhỏ của mình tự giác thu gom phế thải để đúng nơi quy định là những ngôi nhà xinh xắn hàn bằng sắt, mái tôn có diện tích khoảng 1m2. Sau gần một năm, số tiền thu được từ phế thải hơn 15 triệu đồng dùng cho chính hoạt động của đoàn viên, thanh niên như mua kéo cắt tóc, sinh nhật đồng đội, hay mua giống hoa, một số chai lọ còn được cắt tỉa để làm giỏ hoa trồng phong lan, mười giờ, hay làm hoa nhựa… trông rất đẹp mắt.

Lan tỏa hành động đẹp

Đại úy Trần Hải Tuấn, Chính trị viên phó, Bí thư Liên chi đoàn Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 cho biết: “Số tiền bộ đội tiết kiệm được tuy không lớn nhưng rất thiết thực và có ý nghĩa động viên gia đình rất lớn, hơn nữa là cầu nối giúp cán bộ, chiến sĩ gần gũi nhau hơn, biết chia sẻ khó khăn cùng đồng đội”.

Đại uý Tuấn kể lại trường hợp chiến sĩ Bàn Chà Và, quê Cao Bằng, trong quá trình tại ngũ, vợ Và tử vong do băng huyết. Bằng tình đồng chí đồng đội, sẻ chia lúc khó khăn, chỉ trong thời gian ngắn, hơn 10 triệu đồng nghĩa tình đã được cán bộ, chiến sĩ gửi tới gia đình cùng những lời động viên chân thành, giúp Và vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cũng với cách làm trên, phong trào “Tiết kiệm phụ cấp gửi quà tặng người thân” được đoàn viên, thanh niên Lữ đoàn Phòng không 210 nhiệt tình hưởng ứng. Chị Nguyễn Thúy Ngọc ở huyện Krông Păk, Đắk Lắk đã bật khóc vì món quà nhỏ được gửi tới từ cậu con trai là binh nhì Lê Anh Tuấn, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Phòng không 210 với tấm thiệp chúc mừng sinh nhật kèm lời nhắn “Món quà này con mua bằng tiền tiết kiệm phụ cấp dành dụm được, chúc mẹ luôn mạnh khỏe, công tác tốt, con yêu mẹ nhiều”.

Chị Ngọc xúc động nói: “Món quà không lớn về vật chất nhưng chứa đầy sự yêu thương và trưởng thành của con trai”. Theo chỉ huy Tiểu đoàn 1, Tuấn là trường hợp khá đặc biệt, từ nhỏ đã được sống đầy đủ, vậy mà khi vào môi trường quân ngũ lại hòa nhập rất nhanh. Ngay khi đơn vị phát động phong trào tiết kiệm gửi quà tặng người thân, Tuấn đã để dành toàn bộ số tiền phụ cấp mua quà tặng mẹ.

Một cách tiết kiệm hiệu quả nữa của cánh lính trẻ là lập ra các “Tổ điều lệnh” cắt tóc cho nhau. Theo quy định của Quân đội, quân nhân không được để râu, ria, tóc phải cắt ngắn, vừa khỏe khoắn, lại tiện trong sinh hoạt. Các tổ cắt tóc này sau giờ huấn luyện sẽ “phục vụ” mọi cán bộ, chiến sĩ chỉnh trang lại tác phong, làm đẹp “một góc con người”. Hiện nay, ở Quân khu 1, tất cả đầu mối cấp đại đội đều có phòng cắt tóc lịch sự, vệ sinh với giá chỉ từ 10 đến 15.000 đồng, số tiền này cũng được gây quỹ cho hoạt động của Đoàn.