Ông Nguyễn Văn Thành đại diện cho 35 hộ dân tại thôn Đức Lợi cho biết: Sau khi báo Tiền Phong đăng bài phản ánh, lò đốt than của bà Trần Thị Nguyệt Minh đã ngừng hoạt động được hơn 2 tháng, nhưng tới ngày 15/9 hoạt động trở lại. Chị Đoàn Thị Mỹ Linh nói mùi hôi thối từ lò than khiến con trai nhỏ của chị bị bệnh hô hấp. “Mỗi lần lò than hoạt động, vợ chồng tôi phải đưa con về nhà ông bà ngoại để lánh. Hằng ngày chúng tôi phải ngửi khói độc, ai cũng lo sợ mắc bệnh” - chị Linh nói.
“Tôi đã chỉ đạo cụ thể cho UBND xã Đức Mạnh phải xử lí lò than hoạt động không phép, gây ô nhiễm, xây dựng trên đất nông nghiệp. Tôi sẽ cho đóng cửa lò than này” - ông Hoàng Văn Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil khẳng định.
Khi trực tiếp đến chỗ lò than trái phép, hít mùi khói bốc ra hôi nồng nặc, chúng tôi có cảm giác tức ngực. “Chúng tôi đã thông báo cho UBND xã Đức Mạnh ngăn chặn, chẳng thấy kết quả gì. Kéo nhau lên UBND huyện và Huyện ủy Đắk Mil, tôi phải quỳ xuống cầu xin đừng cho đốt than nữa, nhưng tới nay họ vẫn cứ đốt” - ông Thành bức xúc.
Lò than của bà Trần Thị Nguyệt Minh hoạt động từ tháng 3/2016. Hai lò có công suất khoảng 120 tấn/năm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân ăn ngủ không yên. Mặc dù đã có văn bản chỉ đạo cưỡng chế, nhưng Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh chưa giải quyết dứt điểm.
Ngày 29/9, ông Hoàng Văn Thuần - Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil ký công văn khẳng định, lò than của bà Minh hoạt động không có giấy phép; xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; gây ô nhiễm môi trường; yêu cầu Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh thực hiện nghiêm túc theo thông báo của UBND huyện Đắk Mil ký ngày 25/7/2016, buộc bà Minh chấm dứt hoạt động đốt than. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
Cùng ngày, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Đắk Mil cũng ban hành kết luận yêu cầu lò than của bà Minh chấm dứt hoạt động lập tức. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lục - Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh lại không ký vào biên bản làm việc.